Ngày 5/6, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp năm 2024.
Theo số liệu, năm 2023, các doanh nghiệp có 78 kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn; trong đó, có 67 kiến nghị, đề xuất đã được các sở, ngành, địa phương trả lời, giải quyết.
Các kiến nghị chủ yếu tập trung vào một số vấn đề liên quan đến gia hạn thuế, tiền thuê đất; chế độ trợ cấp cho người lao động; hạ tầng giao thông trong các khu, cụm công nghiệp; đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, việc cấp giấy chứng nhận sở hữu căn hộ thuộc dự án BT khu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp…
Từ đầu năm 2024 đến nay, các doanh nghiệp có 25 kiến nghị; nội dung chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, khí mỏ, điện, thuế…
Đến nay, 15 kiến nghị đã được các cơ quan giải quyết dứt điểm hoặc trả lời rõ theo quy định của pháp luật; 10 kiến nghị đang được giải quyết.
Tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình và các doanh nghiệp nêu những khó khăn, vướng mắc mới như: Chi phí sản xuất tăng do giá nguyên, vật liệu đầu vào cao, trong khi giá sản phẩm đầu ra thấp, tiêu thụ chậm; tỷ giá ngoại tệ biến động, giá dịch vụ logistics tăng cao; công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất của một số dự án còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dự án…
Đồng thời đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chỉ đạo sở, ngành, địa phương giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc nhanh hơn giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận chia sẻ, từ đầu năm đến nay, bối cảnh thế giới và khu vực diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế của tỉnh cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
|
|
Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình phát biểu kiến nghị giải quyết một số khó khăn của doanh nghiệp. Ảnh: HL |
Điểm lại một số kết quả về phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình biểu dương các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị; trong đó, có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh.
“Việc thường xuyên lắng nghe, đối thoại với các doanh nghiệp là nhiệm vụ được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm… Đề nghị các sở ngành, địa phương rà soát lại những ý kiến, kiến nghị đã trả lời, giải quyết. Trên tinh thần phải coi khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của mình, phải trăn trở, thấu hiểu và chia sẻ; từ đó, có các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...”, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh, người đứng đầu UBND tỉnh Thái Bình đề nghị, Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp và các sở, ngành tham mưu để UBND tỉnh đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Các sở ngành, huyện, thành phố phải thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và các kiến nghị, đề xuất để kịp thời giải quyết.
Đối với các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị, triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh phải đúng theo quy định của pháp luật và quy định của tỉnh.
Đồng thời, cũng phải chia sẻ với khó khăn của các cơ quan quản lý Nhà nước; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp mình.
Đối với những ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, sau hội nghị, UBND tỉnh sẽ có văn bản trả lời cụ thể từng nhóm vấn đề. Đối với những nhóm vấn đề liên quan đến các sở, ngành, địa phương, UBND tỉnh sẽ tổ chức họp, nghe báo cáo để đề ra giải pháp và chỉ đạo cụ thể tháo gỡ cho doanh nghiệp.
“UBND tỉnh sẽ luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ tối đa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp thuận lợi, hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận khẳng định.