Phát biểu tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, Luật Đầu tư 2020 đang giải quyết những vấn đề "nóng" hiện nay. Luật đã tháo gỡ được những chồng chéo, xung đột giữa các luật liên quan.

Theo thống kê, có 10 điểm chồng chéo, vướng mắc đang được Luật Đầu tư giải quyết; luật đơn giản được một số những thủ tục hành chính, phân quyền nhiều hơn cho cấp tỉnh, bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện…

Nghị định hướng dẫn dưới góc nhìn của doanh nghiệp rất quan trọng, vì luật quy định về chính sách, còn về quy trình thủ tục, hướng dẫn cụ thể như thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân…

“Để Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp được kịp thời, Chính phủ cho phép ban hành theo hướng rút gọn, nhưng chúng tôi cho rằng với việc tham vấn giữa các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ giảm được những rủi ro cho các cơ quan soạn thảo, tạo được thuận lợi cho sự phát triển”, ông Tuấn nhận định.

Góp ý vào dự thảo Nghị định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự chỉ ra, Điều 20 của Luật quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt và giao “Chính phủ quy định chi tiết Điều này,” song nội dung này chưa được hướng dẫn tại dự thảo.

Theo luật sư, nội dung trên cần thiết phải có hướng dẫn thi hành sớm để có thể thu hút các nhà đầu tư lớn (trong và ngoài nước) tham gia thực hiện các dự án trọng điểm, dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đó, Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 cũng nêu rõ phải: “Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao... thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam".

“Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới đang có xu hướng dịch chuyển, biến động theo hướng có lợi cho Việt Nam thì việc chậm trễ hướng dẫn cụ thể vấn đề này sẽ làm giảm khả năng thu hút hoạt động đầu tư của các tập đoàn lớn, hay đầu tư vào hoạt động có hàm lượng tri thức cao,” luật sư Quang nhấn mạnh.

Còn luật sư Trần Văn Hà cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận về đầu tư kinh doanh, trong khi đã có chứng nhận về ngành nghề kinh doanh đang gây ra những phiền hà về các thủ tục hành chính. Vấn đề này đang gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo luật sư Trần Văn Hà, Luật Đầu tư 2020 cũng đã đề cập đến vấn đề này và giao cho Chính phủ kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh. Đây sẽ là một đột phá về thủ tục hành chính, nếu như trong dự thảo Nghị định căn cứ vào quy định của Luật Đầu tư yêu cầu các bộ, ban, ngành khi ban hành điều kiện kinh doanh thực hiện thủ tục hậu kiểm, bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và như thế sẽ giải quyết được vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.

Với nội dung ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tiến sỹ khoa học Lê Văn Châu, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam kiến nghị cần quy định rõ hơn về các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được thực hiện ở Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia trong Dự thảo.

Theo ông Châu, quy định rõ nhằm khoanh vùng cụ thể đối tượng được hưởng ưu đãi và tránh được tình trạng Nghị định hướng dẫn đưa ra các đối tượng mở, phụ thuộc vào các văn bản pháp lý khác mà không rõ loại văn bản nào được quy định này.

Một điểm nhấn quan trọng: “Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư” có đặt ra trách nhiệm Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quản lý Nhà nước về đầu tư. Tuy nhiên, luật sư Quang lại không thấy bất kỳ một điều khoản nào tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn cụ thể về điều này.

Ông Quang cho rằng, việc không quy định nội dung trên tại Dự thảo Nghị định sẽ làm chậm lại quá trình xây dựng cơ chế phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế, trong khi nguy cơ về xảy ra các tranh chấp đầu tư quốc tế ngày một gia tăng.

“Như vậy, dự thảo Nghị định mới chỉ tập trung nhiều vào việc cải thiện công tác quản lý Nhà nước về đầu tư mà chưa quy định hay hướng dẫn những vấn đề cấp thiết đối với hoạt động đầu tư để tạo ra một môi trường đầu tư có tính cạnh tranh, ổn định, công bằng và an toàn cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài,” ông Quang chỉ ra.

Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Dự thảo quy định về việc áp dụng, kiểm soát, công bố điều kiện đầu tư kinh doanh; các biện pháp bảo đảm đầu tư kinh doanh; các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư và quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh…

Vì Nghị định sẽ tác động đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư có hoạt động đầu tư, kinh doanh trong nước, nên các ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đều cho rằng, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư cần đảm bảo sự đồng bộ, quy định rõ ràng các điều khoản, tránh chồng chéo nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới. Các ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp góp ý cho dự thảo Nghị định sẽ được tổng hợp và được gửi đến cơ quan soạn thảo.

 

Nguyễn Điểm