Cuối phiên chất vấn Kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, chiều 7/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trả lời các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm.

Trả lời câu hỏi của đại biểu HĐND TP liên quan đến các giải pháp và tiến độ khắc phục, giải quyết vấn đề liên quan đến nguồn lực đầu tư cho phát triển hệ thống hạ tầng giao thông... Chủ tịch UBND TP cho biết, đây là vấn đề quan trọng.  Luật Thủ đô sửa đổi sẽ tạo nguồn lực để phát triển hạ tầng của Thủ đô, hạ tầng liên vùng...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ, hạ tầng giao thông của Thủ đô đang tụt hậu so với tốc độ phát triển.

Diện tích đất dành cho giao thông của TP mới đạt khoảng 10,35% diện tích đất đô thị (theo quy hoạch phải đạt từ 20-25%), tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tĩnh chưa đạt 1% (theo quy hoạch từ 3-4%), tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 19,05% (theo quy hoạch 50-55%).

“Tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm vẫn xảy ra ở nhiều khu vực; tình trạng thiếu chỗ đỗ xe, bãi đỗ xe khu vực các quận nội thành vẫn là sự bức xúc trong nhân dân", ông Trần Sỹ Thanh nói.

Dẫn báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mỗi buổi sáng, trên địa bàn TP có khoảng 2,3 triệu học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 tới trường, ông Trần Sỹ Thanh băn khoăn: “Cứ một buổi sáng, 2,3 triệu cháu đến trường cùng phụ huynh đưa đón thì Hà Nội không tắc mới lạ. Đó là chưa kể, các gia đình bệnh nhân, sinh viên cùng đến viện, đến trường”.

“Vì vậy, vấn đề then chốt là phải giải quyết vấn đề giao thông đô thị và hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị là quan trọng”, ông Thanh bày tỏ.

Giải pháp cho tình trạng trên, Chủ tịch Hà Nội cho biết, TP sẽ rà soát, đánh giá thực trạng quy hoạch giao thông vận tải, từ đó tập trung nguồn lực đầu tư các dự án quan trọng, có tính chất kết nối, đường vành đai, đường hướng tâm.

Đặc biệt, ông Thanh cho biết, TP sẽ có đề án riêng để phát triển đường sắt đô thị. Đề án này sẽ được TP tập trung nghiên cứu để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến.

Người đứng đầu UBND TP Hà Nội cũng thông tin, khi làm tổng thể đề án 12 tuyến đường sắt đô thị thì TP mới có nguồn lực riêng để thực hiện.

“Chúng ta làm một tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội 15 năm chưa xong, khả năng phải 20 năm. Tuyến Cát Linh - Hà Đông cũng thế. Do vậy, không thể làm từng dự án một. Nếu làm từng dự án thì 100 năm nữa mới xong 12 tuyến đường sắt”, ông Trần Sỹ Thanh nói.

Chủ tịch Hà Nội hy vọng, khi làm tổng thể 12 dự án đường sắt đô thị thì 20 năm nữa những vấn đề đại biểu nêu ra tại phiên chất vấn hôm nay về những bất cập trong giao thông đô thị sẽ được giải quyết.

Trước đó, tại phiên chất vấn cuối giờ sáng 7/12, đại biểu Nguyễn Văn Luyến (tổ huyện Đan Phượng) đặt câu hỏi: Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội sau 13 năm thi công mới đạt khoảng 78%. Trong đó, đoạn trên cao đạt khoảng 99% nhưng đoạn ngầm mới đạt 36,5%.

Dự án đã được điều chỉnh rất nhiều lần, gần đây nhất điều chỉnh tiến độ đưa dự án trên cao vào khai thác cuối năm 2023, đầu năm 2024 và đưa toàn bộ dự án vào khai thác vào năm 2027.

Thực tế quá trình thi công gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, phối kết hợp của các cơ quan tư vấn, năng lực của nhà thầu... Tuy nhiên, thực tế tiến độ triển khai hiện nay chậm, cầm chừng, trong khi đó, rào chắn lòng lề đường gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Đại biểu Nguyễn Văn Luyến băn khoăn dự án có về đích đúng cam kết, hay lại một lần nữa trễ hẹn?

Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, tại Kỳ họp tháng 7/2022, trước tình hình triển khai dự án tiếp tục chậm trễ, TP Hà Nội đã báo cáo tổng thể, rà soát nghiêm túc những nguyên nhân điều chỉnh tiến độ của dự án.

Từ đó, UBND TP đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh dự án vào đầu tháng 10/2022, theo hướng điều chỉnh tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội kéo dài đến năm 2027.

Dự án chậm tiến độ có nguyên nhân về giải phóng mặt bằng. Trong tháng 10/2022, Thành uỷ, UBND TP và các cơ quan liên quan đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Trên cơ sở đó, nhà thầu đã quay trở lại vào đầu tháng 2/2023 để triển khai những phần việc còn lại tại đoạn ngầm dài 4 km.

Đối với đoạn trên cao, đến nay công tác xây lắp, lắp đặt thiết bị về cơ bản hoàn thành. Các đơn vị liên quan của TP đang nỗ lực để đưa đoạn trên cao vào khai thác thương mại trong quý 2 năm 2024.

“Hiện nay, nhà thầu và đơn vị tư vấn đang nỗ lực xây dựng lại kế hoạch thi công đoạn đi ngầm với tinh thần thi công cao nhất để toàn dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội hoàn thành vào năm 2027”, ông Nguyễn Cao Minh nói thêm.

Hải Hà