Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Giảm bớt thủ tục để người dân tiếp cận nhà ở xã hội

Hương Giang

Thứ ba, 19/09/2023 - 15:37

(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã giảm bớt thủ tục như bỏ điều kiện về cư trú với người mua nhà xã hội. “Chúng ta xác định đã là công dân Việt Nam thì được quyền mua nhà ở xã hội nếu đủ điều kiện”, theo ông Nguyễn Văn Sinh.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin những điểm mới liên quan đến chính sách nhà ở xã hội. Ảnh: Đ.X

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023, trong phiên thảo luận Chuyên đề “nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới” ngày 19/9, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin những điểm mới liên quan đến chính sách nhà ở xã hội.

Chính sách nhà ở xã hội được “ưu ái”

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 5 và dự kiến thông qua tại kỳ họp 6 tới đây. Dự án luật này có 8 nhóm chính sách, trong đó có chính sách về phát triển nhà ở xã hội.

So với các nhóm chính sách khác, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói, nhóm chính sách nhà ở xã hội được “ưu ái” hơn, sẽ có hiệu lực ngay sau khi luật được thông qua.

Đề cập chi tiết hơn, theo ông Sinh, dự thảo luật bổ sung 2 nhóm chính sách nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp (gồm nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân) và nhóm chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang.  Dự luật cũng quy định việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

“Khắc phục những tồn tại trước đây, chúng ta chỉ dành 20% quỹ đất trong dự án nhà thương mại ở các đô thị loại 3 trở lên, lần này Chính phủ trình theo hướng giao cho UBND tỉnh chủ động dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo đúng chương trình kế hoạch được phê duyệt”, ông Sinh cho hay.

Như thế, UBND cấp tỉnh có thể quyết định dành 20% trong các dự án nhà thương mại, cũng như dành quỹ đất ở để phát triển nhà ở xã hội.

Điểm mới nữa, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay, dự thảo luật bổ sung nhóm chính sách ưu đãi với mục đích thu hút nhà đầu tư tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội.

“Chủ đầu tư sẽ được miễn tiền sử dụng đất, hưởng lợi nhuận 10%, được dành 20% diện tích đất thương mại dịch vụ đầu tư tiện ích, dịch vụ thương mại phục vụ cư dân tại khu vực dự án của mình; chủ đầu tư cũng được vay nguồn vốn ưu đãi thông qua ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách xã hội…”, ông Sinh nêu loạt chính sách ưu đãi.

Đủ điều kiện, người dân đều được mua nhà ở xã hội

Đáng chú ý, ông Sinh cho biết, dự thảo đã sửa đổi theo hướng giảm bớt các thủ tục trong việc xác định đối tượng mua nhà ở xã hội.

Dự thảo loại bỏ điều kiện về cư trú. “Chúng ta xác định đã là công dân Việt Nam thì được quyền mua nếu đủ điều kiện về thu nhập, nhà ở”, ông Sinh nói.

Điều kiện về thu nhập, nhà ở cũng có một số điều chỉnh theo hướng xem xét nâng mức thu nhập cao hơn. Về tiêu chí nhà ở, thời gian tới, sẽ giao Chính phủ có thể xem xét nâng lên 15m2, giống như các nước trong khu vực, thay vì 10m2 như hiện nay.

Theo quy định hiện hành, công dân muốn được mua nhà ở xã hội phải là người chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.

Ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho hay, theo Chiến lược Phát triển nhà, mục tiêu TP Hà Nội phát triển 6,8 triệu m2 nhà ở xã hội.

“Đây là chỉ tiêu lớn”, ông Minh nhìn nhận và cho hay, để hoàn thành, việc đề xuất, tham mưu chính sách thu hút các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia là cần thiết.

Liên quan đến tiền sử dụng đất thu được từ 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong khu nhà ở thương mại, TP Hà Nội đề xuất sửa đổi khoản 3 điều 81 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), được sử dụng số tiền này thông qua quỹ phát triển nhà ở địa phương để phát triển đầu tư hoặc cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

Ông Mạc Đình Minh cũng đề nghị tăng lợi nhuận định mức của các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội lên 15% (trước đây quy định là 10%).

Việt Nam có rơi vào bẫy thu nhập trung bình? Tại diễn đàn, đề cập đến vấn đề tăng năng suất lao động, chuyên gia kinh tế quốc tế Jonathan Pincus, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, cần nhìn nhận dài hơi thay vì trong giai đoạn ngắn. “Rất khó để một quốc gia có thể tăng trưởng năng suất nhanh trong một giai đoạn dài, đó chính là bẫy năng suất trung bình”, ông Pincus phát biểu và gọi đây là mối đe dọa lớn.  Ông Jonathan Pincus, UNDP  Việt Nam là nước thu nhập trung bình đạt được tăng trưởng đáng “ngưỡng mộ”. Vấn đề đặt ra là Việt Nam liệu có rơi vào bẫy thu nhập trung bình như các nước trên hay không? Theo chuyên gia của UNDP, vấn đề then chốt là Việt Nam phải thành công trong xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia. Ông Pincus kiến nghị Chính phủ Việt Nam phải thực sự tạo những cú hích lớn trong áp dụng đổi mới sáng tạo quốc gia, đầu tư mạnh mẽ vào R&D cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho dài hạn. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu trên toàn thế giới về số lượng du học sinh tại Mỹ và châu Âu. Ông Pincus cho rằng đây là nguồn lao động trình độ cao, giỏi công nghệ và hứa hẹn là nhà khoa học hàng đầu. “Họ cần được thu hút trở lại vào các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước để thực sự đóng góp cho sự phát triển”, chuyên gia kinh tế UNDP đề xuất. Ông Felix Weidencaff, chuyên gia về việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói, Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong thập kỷ qua, tuy nhiên so với các nước ASEAN hiện nay vẫn còn khoảng cách, thấp hơn một số quốc gia trong khu vực. Theo ông Felix Weidencaff, Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực phù hợp với thị trường và nền kinh tế tri thức, công nghệ, công nghiệp 4.0; thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả; tăng năng suất đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm