2 công ty cùng hệ sinh thái “ẵm” dự án nghìn tỷ đồng

Thái Nguyên là một trong những thành phố có tốc độ phát triển nhanh nhất cả nước. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu về nhà ở, khu đô thị ngày càng cấp thiết. Chính vì vậy, Khu Đô thị mới Linh Sơn - Huống Thượng đã được tập trung phát triển. Dự án này bao gồm hai khu và đã được “chốt” nhà đầu tư hồi cuối năm 2023.

Cụ thể, Dự án Khu đô thị mới Linh Sơn - Huống Thượng, TP Thái Nguyên (khu số 1) với diện tích 71,8 ha được UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty Cổ phần Đầu tư VCI (Công ty VCI) tại Quyết định số 2968/QĐ-UBND ngày 24/11/2023.

Dự án Khu đô thị mới Linh Sơn - Huống Thượng, TP Thái Nguyên (khu số 2) với diện tích 40,2 ha được quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ T&T (Công ty T&T) tại Quyết định số 2966/QĐ-UBND ngày 24/11/2023. Tiến độ thực hiện dự án dự kiến đến quý IV/2028.

Cả hai doanh nghiệp nói trên đều nằm trong hệ sinh thái của doanh nhân Lê Tiến Thắng, cổ đông nắm quyền chi phối tại Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái (Công ty Bắc Ái) - một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực xây lắp và đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Tới cuối tháng 3/2024, trang thông tin thainguyen.gov.vn của tỉnh Thái Nguyên đưa tin trong chiều 27/3/2024, ông Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND đã có buổi làm việc với nhà đầu tư về phương án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Khu Đô thị mới Linh Sơn - Huống Thượng, TP Thái Nguyên (khu số 1, khu số 2).

Trong buổi làm việc, ông Hùng khẳng định, đây là một trong những khu đô thị lớn nhất từ trước tới nay của TP Thái Nguyên và tỉnh Thái Nguyên, phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi, do đó có nhiều lợi thế phát triển. 

Khu số 1, tổng mức đầu tư dự án là gần 4.509 tỷ đồng. Yêu cầu về năng lực tài chính mà tỉnh Thái Nguyên đưa ra là nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu là gần 677 tỷ đồng (không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư dự án).

Khu số 2, tổng mức đầu tư dự án là gần 1.621 tỷ đồng. Yêu cầu về năng lực tài chính mà tỉnh Thái Nguyên đưa ra là nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu là gần 244 tỷ đồng (không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư dự án).

Nợ thuế bủa vây, quỹ tiền mặt eo hẹp

Xét về yêu cầu vốn chủ sở hữu, cả Công ty VCI và Công ty T&T đều vượt xa “đầu bài” mà tỉnh Thái Nguyên đề ra.

Theo đó, tại ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Công ty VCI đạt 1.741 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với yêu cầu 677 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu Công ty T&T gần 761 tỷ đồng (yêu cầu tối thiểu gần 244 tỷ đồng).

Thế nhưng, nhìn vào bức tranh tài chính của cả hai công ty nói trên, có thể thấy doanh nghiệp đang đối diện với khá nhiều khó khăn.

Cụ thể, đối với Công ty T&T, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản công ty đạt 1.889 tỷ đồng, tăng thêm 120 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền chỉ có hơn 1,1 tỷ đồng, danh mục này tại thời điểm đầu năm thậm chí còn không đến 500 triệu đồng.

Phần lớn tài sản của Công ty T&T nằm ở chỉ tiêu tài sản ngắn hạn khác với 1.192 tỷ đồng, chiếm đến 63% tổng tài sản công ty. Chưa kể, hàng tồn kho tại Công ty T&T đạt 148 tỷ đồng, chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn gần 455 tỷ đồng..

Tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả Công ty T&T còn 1.128 tỷ đồng, giảm khoảng 193 tỷ đồng sau 12 tháng.

Hồi cuối tháng 5/2024, Công ty T&T đứng đầu danh sách nợ thuế tại tỉnh Vĩnh Phúc với số tiền nợ cộng dồn lên đến hơn 382 tỷ đồng. Số tiền nợ thuế này lớn hơn rất nhiều lần so với chỉ tiêu tiền và các khoản tương đương tiền công ty đang nắm giữ hồi cuối năm 2023. (1,1 tỷ đồng).

Đối với Công ty VCI, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản đạt 2.217 tỷ đồng, giảm khoảng 400 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Chiếm chủ yếu tổng tài sản công ty là chỉ tiêu tài sản ngắn hạn khác với 1.321 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Công ty VCI là doanh nghiệp đứng thứ 2 trong danh sách nợ thuế tại Vĩnh Phúc, khi ghi nhận số tiền thuế chưa đóng hơn 122 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, tính đến cuối năm 2023, chỉ tiêu tiền và các khoản tương đương tiền Công ty VCI chỉ còn gần 26 tỷ đồng.

Từng làm dự án tương tự nhưng có dự án chậm tiến độ

Trở lại với Dự án Khu Đô thị mới Linh Sơn - Huống Thượng, TP Thái Nguyên, trong mục tiêu chuẩn đánh giá, phần kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự, với quá trình từng tham gia vào các dự án khác, cả Công ty T&T và Công ty VCI đều đáp ứng đủ điều kiện này.

Thế nhưng, như đã đề cập, Công ty T&T là chủ đầu tư khu nhà ở đô thị tại phường Khai Quang, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên (tên thương mại: Khu Đô thị VCI Sky Garden Vĩnh Yên). Dự án này được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2010, có quy mô 17,2 ha.

Tuy nhiên, vào tháng 1/2024, Dự án Khu Đô thị VCI Sky Garden Vĩnh Yên của Công ty T&T được cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc nêu tên trong danh sách những dự án chậm tiến độ. Cụ thể, tiến độ về thời gian, dự án chậm nhiều tháng, kể từ ngày được điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư (18/5/2021 - 18/1/2023).

Tương tự, Công ty T&T, hồi tháng 1/2024, Dự án Khu nhà ở đô thị tại xã Định Trung, TP Vĩnh Yên - MOUNTAIN VIEW do Công ty VCI làm chủ đầu tư cũng bị điểm tên vì chậm tiến độ. Tiến độ về thời gian, theo văn bản chấp thuận đầu tư, dự án này được chấp thuận trong giai đoạn 2017 - 2021.

Như vậy có thể thấy, trong giai đoạn sắp tới, Công ty T&T và Công ty VCI sẽ dồn phải dồn lực cho việc khắc phục các khoản nợ thuế. Chưa kể, một phần vốn cũng sẽ được hai doanh nghiệp này dành để hoàn thiện những dự án đang dang dở.

Do vậy, cả Công ty T&T và Công ty VCI cũng như các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên sẽ cần phải “sát sao”, cố gắng rất nhiều để dự án này không bị chậm tiến độ như dự án mà Công ty VCI và Công ty T&T đang “dang dở” tại Vĩnh Phúc.

 

Quang Dân