Phản ứng chính sách nhanh, kịp thời

Bất động sản là một trong những lĩnh vực, ngành chủ lực của nền kinh tế, song vừa qua rơi vào tình cảnh “đóng băng”. Những ông lớn đầu ngành cũng phải “kêu cứu” và chấp nhận nhiều biện pháp “đau thương” như thu hẹp quy mô, giảm tối đa bộ máy, dừng hoặc chuyển nhượng bớt dự án để sống sót.

Đây là vấn đề liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực khác nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần giải pháp xử lý kịp thời, không để gây tắc dòng vốn, niềm tin, tâm lý nhà đầu tư.

“Phản ứng chính sách tháo gỡ cho bất động sản phải nhanh, kịp thời nhưng cũng cần thận trọng trước diễn biến có thể xảy ra, tránh tác động dây chuyền đến nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh như vậy.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, xử lý gỡ vướng cho bất động sản cũng để tránh lan truyền rủi ro đến hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính do các thị trường này gắn kết chặt chẽ với nhau.

Trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 rất lớn, để gỡ khó cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08.

Với quy định mới tại nghị định này, doanh nghiệp phát hành trái phiếu được phép đàm phán để kéo dài kỳ hạn và thanh toán gốc, lãi bằng tài sản khác ngoài tiền mặt. Nghị định mới cũng tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm và thời gian phân phối trái phiếu.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022 là gần 56 nghìn tỷ đồng, đáo hạn năm 2023 là hơn 282 nghìn tỷ đồng, năm 2024 là hơn 362 nghìn tỷ đồng. Với trái phiếu đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản chiếm hơn 21 nghìn tỷ đồng (chiếm 38,3% tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó 99,6% có tài sản bảo đảm).

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận định, Nghị định số 08 vừa tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn, vừa xác định lộ trình xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững; trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa trung hạn, dài hạn quan trọng của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Thúc đẩy có 1 triệu căn hộ nhà ở công nhân, nhà ở xã hội

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, hoàn thiện nghị quyết của Chính phủ, theo tinh thần “tất cả các chủ thể đều phải có trách nhiệm, không ai đổ lỗi cho ai, không một mình ai làm được, điều hành không tạo sự thay đổi đột ngột, giật cục; thúc đẩy chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở công nhân, nhà ở xã hội”.

Ngân hàng Nhà nước được giao rà soát, có giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường này.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đề xuất Ngân hàng Nhà nước bố trí gói tín dụng ưu đãi cho phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.

Sau khi phân tích, Ngân hàng Nhà nước đã bàn với 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank và thống nhất gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho 2 phân khúc nhà ở trên. “Trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói này có thể tăng lên”, ông Hà cho hay.

Các ngân hàng dự kiến mức lãi suất cho vay gói này sẽ thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay thông thường của các ngân hàng. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, điều này xuất phát từ việc muốn giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản.

“Bộ Xây dựng đang dự thảo nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Trên cơ sở nội dung của nghị quyết được ban hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, cụ thể là gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.

Bên cạnh lãi suất giảm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, khi triển khai dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn được Nhà nước miễn tiền sử dụng đất và nhiều chính sách khác. Mục tiêu là có 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới.

Bộ Xây dựng cũng cho biết sẽ không nghiên cứu tiếp gói tín dụng 110 nghìn tỷ đồng đã đề nghị trước đó, mà ưu tiên phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Theo Bộ Xây dựng, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đang thiếu trầm trọng. Tính đến giữa tháng 2 năm nay, cả nước hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2, gồm 93.000 căn nhà xã hội và 63.000 căn nhà ở công nhân. Hiện, đang triển khai thêm khoảng 401 dự án với quy mô 454.000 căn hộ với tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2.

Có cơ chế thu hút làm nhà ở xã hội, giá bán sẽ “tính đúng, tính đủ”

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Quốc hội sẽ cho ý kiến dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp 5 (tháng 5) và xem xét thông qua tại kỳ họp 6 (tháng 10) năm nay.

Chính phủ đề nghị xây dựng 2 dự án luật này nhằm khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn, thúc đẩy thị trường bất động sản, phát triển nhà ở nhanh, bền vững.

Trong đó, Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo sẽ quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong quỹ đất xây dựng nhà ở. Có cơ chế hữu hiệu để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho phát triển nhà ở xã hội, gắn trách nhiệm của chủ đầu tư trong xây dựng nhà ở xã hội.

Giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư sẽ được xây dựng trên cơ sở “tính đúng, tính đủ”, gồm các chi phí hợp lý, hợp lệ, lợi nhuận định mức và không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước. Thực hiện công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của các bên để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư…

Với Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), theo yêu cầu của Chính phủ, sẽ xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội theo nguyên tắc Nhà nước sẽ không can thiệp nếu thị trường vận hành tốt, bảo đảm phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững.

Đồng thời, thiết kế các công cụ quản lý phù hợp về phạm vi, đối tượng và thẩm quyền của các cấp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền một cách hợp lý để có thể kịp thời xử lý các tình huống, khó khăn, vướng mắc phát sinh, gắn với kiểm tra, giám sát, bảo đảm quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương về thị trường bất động sản… 

Hương Giang