Rivera Villas Phú Quốc được giới thiệu là khu biệt thự cao cấp với 3 mặt giáp sông và hệ cảnh quan nhiều mảng xanh, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (CIC Group) đầu tư tại trung tâm Dương Đông, Phú Quốc.

Khu biệt thự Rivera Villas được phát triển mô hình khu dân cư compound khép kín, gồm 70 căn biệt thự (30 biệt thự đơn lập, 40 biệt thự song lập), là thế giới riêng tư với những đặc quyền dành riêng cho cư dân, thể hiện đẳng cấp sống khác biệt.

Hiện tại, trên mạng xã hội, giá các căn biệt thự Rivera Villas Phú Quốc được rao bán từ dưới 70 triệu đồng tới gần 100 triệu đồng/m2. Như vậy để sở hữu một căn biệt thự của dự án, khách hàng phải chi khoảng 13 tỷ đồng.

Gặp khó khăn trong chi trả, thanh khoản thấp

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 của CIC Group, vấn đề nổi bật trong kỳ của tập đoàn chính là… nợ.

Tại ngày 31/3/2024, nợ phải trả của CIC Group đạt 3.307 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 3.358 tỷ đồng hồi cuối năm 2023 nhưng vẫn cao gấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 70,2% tổng nguồn vốn.

Đáng chú ý, nợ ngắn hạn rất lớn đạt 2.276 tỷ đồng, cao gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, hoạt động bán hàng không tốt khiến phần lớn tài sản của công ty đều nằm ở hàng tồn kho, từ đó gây áp lực lên thanh khoản của công ty.

Hồi cuối quý 1/2024, chỉ tiêu hàng tồn kho tại CIC Group lên đến 2.956 tỷ đồng, tăng so với 2.906 tỷ đồng hồi cuối năm 2023. Hàng tồn kho chiếm 62,7% tổng tài sản. Tài sản ngắn hạn đạt 3.756 tỷ đồng cũng không “cứu” được thanh khoản cho CIC Group.

Cụ thể, với các chỉ tiêu tài sản ngắn hạn, nợ ngắn hạn và hàng tồn kho nêu trên, Hệ số thanh toán nhanh của CIC Group chỉ là 0,35.

Theo lý thuyết, hệ số thanh toán nhanh nhỏ hơn 0,5 “Phản ánh doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc chi trả, tính thanh khoản thấp”.

Với việc hệ số thanh toán nhanh chỉ là 0,35, CIC Group đang gặp khó về thanh khoản. Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên điều này diễn ra. Trước đó, tại ngày 31/12/2023, hệ số thanh toán của CIC Group cũng nhỏ hơn 0,5 khi chỉ đạt 0,41. Trước đó, hồi cuối năm 2022, hệ số này cao hơn 0,5 một chút.

Có thể thấy, thanh khoản của CIC Group đang yếu đi.

Oằn mình trả lãi vay

Như đã nêu trên, nợ phải trả của CIC Group vượt xa vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay khá lớn. Hồi cuối quý 1/2024, tổng nợ vay của tập đoàn này đạt 1.828 tỷ đồng, cao gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 38,8% tổng nguồn vốn.

Tổng nợ vay tăng 103 tỷ đồng, tương đương 6% so với cuối năm 2023. Thế nhưng, trong quý 1/2024, chi phí lãi vay của CIC Group lại tiết kiệm đáng kể, khi giảm 2 tỷ đồng, tương đương 24,4% so với quý 1/2023.

Chi phí lãi vay phát sinh trong quý 1/2024 chỉ là 6,2 tỷ đồng nhưng con số thực tế mà CIC Group đã thanh toán lên đến 121 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với con số 26,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế quý 1/2024.

Điều đáng nói, chi phí lãi vay thực thanh toán (121 tỷ đồng) trong quý 1/2024 của CIC Group cao hơn rất nhiều so với khoản phát sinh trong năm 2023 là 29,5 tỷ đồng và 2022 là 21,4 tỷ đồng.

Tiền lãi vay đã trả quá lớn cộng với việc công ty chi 111 tỷ đồng mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác nên kết quả là CIC Group âm nặng dòng tiền.

Tại ngày 31/3/2024, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của CIC Group là âm 17,5 tỷ đồng. Trước đó, hồi cuối năm 2023, con số này là âm 53,2 tỷ đồng.

CIC Group hiện có vốn điều lệ gần 953 tỷ đồng. Ông Trần Thọ Thắng góp hơn 79 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 8,3%. Ngoài việc là cổ đông lớn, ông Trần Thọ Thắng còn nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Ông Trần Thọ Thắng là người có thu nhập cao vượt trội tại CIC Group. Năm 2023, tiền lương và các khoản thu nhập khác của doanh nhân họ Trần đạt tới 11,7 tỷ đồng. Năm 2022, con số này còn lên đến 13,7 tỷ đồng.

Các lãnh đạo khác như Tổng Giám đốc Phạm Thị Như Phượng có thu nhập 3,3 tỷ đồng. Các Phó Tổng Giám đốc Trần Quốc Trưởng, Nguyễn Thanh Hồng và Trần Ngọc Hạnh nhận trên 1 tỷ đồng.

Thanh Giang