Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xây dựng các Tập đoàn kinh tế Nhà nước ngày càng vững mạnh

Thứ sáu, 09/12/2011 - 18:22

Sáng ngày 9/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh đồng chủ trì Hội nghị sơ kết mô hình Tập đoàn kinh tế nhà nước.

Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương tiếp tục xây dựng các Tập đoàn kinh tế ngày càng vững mạnh, góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay đã có 12 Tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐ) được thí điểm thành lập, trong đó có 11 TĐ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định thành lập; 1 TĐ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cổ phần hóa và thí điểm thành lập, ủy quyền cho Bộ Tài chính thành lập công ty mẹ.

Hiện nay, 11 TĐ đang nắm giữ 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng vốn chủ sở hữu và gần 40% lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nếu tính trong tổng số doanh nghiệp của toàn bộ nền kinh tế, 11 TĐ chiếm tới 10% tổng giá trị tài sản; hơn 14% tổng số vốn chủ sở hữu và 7,6% lao động hợp đồng dài hạn.

Hầu hết các TĐ đều được xây dựng trên nền tảng của các Tổng công ty 91 trước đây, chiếm lĩnh vị trí thống lĩnh thị trường ở những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Thực trạng công tác thí điểm

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích rõ thực trạng về thí điểm TĐ, nhất là phân tích những hạn chế còn tồn tại trên các mặt lớn như khung pháp luật về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý, giám sát TĐ; về thực hiện các mục tiêu thành lập, cơ cấu, quản lý, điều hành trong các TĐ, công tác quản lý, giám sát hoạt động của các TĐ.

Theo đó, khung khổ pháp luật về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý, giám sát TĐ đã được hình thành theo phương thức thận trọng, từng bước, “vừa làm vừa rút kinh nghiệm” với việc ban hành các văn bản pháp quy điều chỉnh từng TĐ và thực hiện sơ kết sau 3 năm thực hiện thí điểm.

Tuy nhiên, khung pháp luật liên quan đến TĐ chưa tạo thành một thể thống nhất, đồng bộ, nhất quán; chưa đầy đủ, theo kịp với đặc điểm, thực tiễn hoạt động của TĐ.

Hầu hết các TĐ được thí điểm đều có quy mô lớn về vốn điều lệ và tài sản. Mặc dù quy mô của các TĐ tăng khá nhanh nhưng chưa có TĐ nào được xếp hạng tầm khu vực và quốc tế. Hầu hết các TĐ đều kinh doanh có lãi nhưng hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao, chưa tương xứng với ưu đãi về nguồn lực và những lợi thế khác.  Thực trạng tài chính của một số TĐ, công ty thuộc TĐ còn yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro; việc thực hiện vai trò công cụ điều tiết vĩ mô của nhà nước còn hạn chế.

Một số TĐ đã bước đầu vươn ra đầu tư và chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, thương hiệu ngày càng được khẳng định, góp phần tạo dựng hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới nhưng nhìn chung thị phần của các TĐ trên thị trường thế giới vẫn còn nhỏ. Phần lớn các TĐ chưa đạt mục tiêu và yêu cầu về ứng dụng khoa học - công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Về cơ cấu, quản lý, điều hành trong các TĐ, các TĐ được tổ chức theo cấu trúc hình tháp dưới hình thức công ty mẹ-công ty con với ít nhất là 3 cấp (công ty mẹ-con-cháu). Việc triển khai thành lập TĐ được thực hiện đồng thời với việc thực hiện cơ cấu lại mô hình công ty mẹ-công ty con đã hình thành phương thức quản trị mới, tạo quyền tự chủ kinh doanh hợp pháp cho các doanh nghiệp thành viên.

Tuy nhiên, việc quản lý, điều hành vẫn còn bất cập như, việc tổ chức, quản lý điều hành của TĐ chậm được đổi mới, các hình thức liên kết còn đơn điệu; hoạt động của kiểm soát viên và kiểm soát nội bộ còn mang tính hình thức và thiếu hiệu quả; cơ chế trả thù lao, lương, thưởng còn nhiều bất cập…

Việc quản lý, giám sát hoạt động các TĐ còn chưa tách bạch được chức năng của sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước; cách thức giám sát, đánh giá của chủ sở hữu còn mang tính hình thức; hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về các TĐ phục vụ công tác giám sát còn hạn chế, thông tin không đầy đủ và cập nhật.

Cần khung pháp lý cho hoạt động của Tập đoàn


Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu lên một số kiến nghị giải pháp như, tạm dừng việc thí điểm thành lập mới TĐ để tập trung hoàn thiện khung pháp luật và tái cấu trúc các TĐ đã được thí điểm thành lập; đẩy mạnh tái cấu cấu trúc TĐ; đổi mới và hoàn thiện hoạt động quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước; cải thiện quản trị doanh nghiệp và minh bạch hóa đối với TĐ.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, khẳng định những đóng góp tích cực của các TĐ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đại diện các Tập đoàn: Bưu chính viễn thông, Than và Khoảng sản Việt Nam, Điện lực, Viễn thông Quân đội, Dầu khí quốc gia Việt Nam… cũng đề cập những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là khung pháp luật liên quan trong đó có một số nội dung chưa được cụ thể, chi tiết hoặc chưa có hướng dẫn, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện.

Đại diện EVN và một số tập đoàn kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản pháp lý để tạo hành lang pháp luật cho các tập đoàn hoạt động theo các quy định của Luật Doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến thành lập, tổ chức hoạt động, quản lý, giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước cũng như sớm ban hành văn bản quy định tiêu chí cụ thể để đánh giá hiệu quả hoạt động của tập đoàn.

Bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, lãnh đạo các tập đoàn cho rằng việc tái cơ cấu cần thực hiện bằng những giải pháp hiệu quả theo hướng đẩy mạnh cổ phần hóa, nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, tập trung đầu tư vào những ngành nghề kinh doanh chính, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các TĐ.

Từ thực tiễn hoạt động, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế cũng nêu lên một số bài học kinh nghiệm lớn, trong đó nhấn mạnh việc phải mỗi TĐ phải xây dựng được chiến lược hoạt động của mình, đảm bảo tuyệt đối vai trò lãnh đạo của của Đảng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật lao động, công tác quản lý, giám sát có hiệu quả đối với vốn, tài sản đầu tư tại các doanh nghiệp trong tập đoàn; quan tâm tới ứng dụng công nghệ cao; thực hiện mục tiêu kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội; thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống của người lao động trong tập đoàn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng: Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn


Kiên trì mục tiêu xây dựng các Tập đoàn kinh tế vững mạnh

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng Hội nghị đã nêu được đúng thực trạng về thí điểm thực hiện mô hình TĐ, đánh giá được những mặt được, những mặt hạn chế, đề ra những giải pháp để TĐ hoạt động hiệu quả hơn.

Chủ trương thực hiện thí điểm TĐ với phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa hoàn chỉnh các quy định về mô hình này trong thời gian qua là phù hợp với thực tiễn.

Quy mô của các TĐ ngày một lớn, nhiều hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các TĐ có hiệu quả, có đóng góp rất rõ cho sự nghiệp xây dựng đất nước, là công cụ để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và các vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Tuy nhiên Thủ tướng cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế như, khung pháp lý liên quan đến các TĐ chưa đồng bộ, còn nhiều điểm vướng mắc; hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm lực và nguồn lực được giao.

Một số TĐ đã thành lập các công  ty con và đầu tư vào những lĩnh vực ngoài nhiệm vụ chính được giao nhưng kiểm soát thiếu chặt chẽ làm phân tán nguồn lực; một số tập đoàn, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con nhưng quản lý trong nội bộ kém.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, chủ trương là tiếp tục xây dựng các TĐ ngày càng vững mạnh, góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như các vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng. Việc xây dựng các TĐ tiếp tục được thực hiện theo phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Với tinh thần như trên, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương cần tập trung tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp luật liên quan đến hoạt động của các TĐ nhất là những vấn đề liên quan đến việc huy động, quản lý, sử dụng vốn; đầu tư; tuyển chọn, sử dụng cán bộ của tập đoàn kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, ngay trong năm 2011, hoặc muộn nhất là tháng 1/2012, các TĐ phải hoàn thành phương án tái cơ cấu theo hướng tập trung vào những ngành nghề chính được giao, tránh đầu tư dàn trải, thực hiện tốt quyền tự chủ trong doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa những doanh nghiệp trong tập đoàn mà nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn, thoái vốn đầu tư vào những ngành nghề không liên quan.

Tăng cường hơn nữa tính hiệu quả trong cơ chế quản trị, kiện toàn bộ máy quản lý, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu quản trị doanh nghiệp trong cơ chế thị trường.

Danh sách 12 Tập đoàn kinh tế nhà nước:

Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam;

Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm;

Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất, Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam.


(Chinhphu.vn)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc bị cấm thầu 3 năm tại tỉnh Cà Mau

Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc bị cấm thầu 3 năm tại tỉnh Cà Mau

(Thanh tra) - Ngày 10/12/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi đã ký quyết định cấm Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc tham gia hoạt động đấu thầu trong thời gian 3 năm đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách do các cơ quan, ban, ngành thuộc tỉnh và các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cà Mau quản lý, tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Chu Tuấn

18:30 12/12/2024
Bộ Giao thông Vận tải bàn cách giải ngân gần 23.000 tỷ đồng

Bộ Giao thông Vận tải bàn cách giải ngân gần 23.000 tỷ đồng

(Thanh tra) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn năm 2024 là 56.666 tỷ đồng, quá trình thực hiện, được giao bổ sung 18.815 tỷ đồng, nâng tổng kế hoạch vốn năm 2024 của Bộ GTVT là 75.481 tỷ đồng.

Trần Quý

18:29 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm