Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vững vàng đất mới Hậu Giang

Thứ hai, 30/01/2012 - 19:00

(Thanh tra) - Bằng nhiều quyết sách đúng, phù hợp với điều kiện thực tế, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hậu Giang đã vượt qua nhiều khó khăn để đưa vùng đất thuần nông thành một địa phương phát triển nhanh và bền vững trên các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội.

Một góc thành phố Vị Thanh

Những bước tiến dài

Cuối năm 2011, theo chân Đoàn Công tác của Thanh tra Chính phủ về Hậu Giang, những người làm báo chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự đổi thay của vùng đất này. Những ngày đầu mới thành lập, tỉnh Hậu Giang là, một địa phương “đò ngang cách trở” vì địa hình kênh rạch chằng chịt. Hay nói khác hơn, vào thời điểm tháng 01/2004, Hậu Giang, với diện tích tự nhiên 160.700 ha, được xem là một tỉnh thuần nông, cơ sở hạ tầng thấp kém, cư dân còn nghèo. Khó khăn nhất là hạ tầng giao thông, nên con đường từ ngã 3 Cái Tắc, theo quốc lộ 61 về đến Vị Thanh đã được nhiều người lẩy thơ kêu khổ rằng: “Đường về Hỏa Lựu bao xa; Kinh Cùng, Vị Thủy ổ gà, ổ voi”.

Phát huy truyền thống của vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hậu Giang đã đoàn kết nhất trí để thực hiện các giải pháp hiệu quả để phát triển, với mục tiêu dồn sức đầu tư để thoát nghèo, hội nhập và phát triển, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Những bước đi phù hợp đã được Đảng bộ Hậu Giang thực hiện có hiệu quả theo lộ trình phù hợp là: Trong hai năm 2004 - 2005, tỉnh Hậu Giang đã tập trung xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương. Tiếp đó, năm 2006 là quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Năm 2007 dồn sức xây dựng khu cụm công nghiệp để thu hút đầu tư song song với cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm chống tham nhũng, lãng phí. Năm 2008, hạ tầng giao thông được đầu tư với nhiều công trình lớn kết hợp với chỉnh trang đô thị, sắp xếp lại dân cư. Năm 2009, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông thủy lợi. Các năm tiếp theo, là huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đặc biệt, hạ tầng giao thông đô thị đã được đầu tư xây dựng, tạo thế liên kết giữa Hậu Giang và các địa phương lân cận. Nói về điều này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) phấn khởi: Thời gian qua, hơn 300km giao thông đường bộ đã được cải tạo, nâng cấp xây dựng mới, riêng khối lượng giải ngân các công trình do Sở GTVT làm chủ đầu tư đã hơn 2.000 tỷ đồng. Nhiều tuyến đường tỉnh và đường đô thị có ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Hậu Giang đã được hoàn thành như: Đường tỉnh 925, đường tỉnh 931, đường Trần Hưng Đạo, đường Tây Sông Hậu, bờ kè chống sạt lở Kênh xáng Xà No... Với những thành tích như trên, Sở GTVT Hậu Giang đã vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng III, được Bộ GTVT và UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc trong 5 năm liền.

Những bước đi đúng hướng này đã tạo ra sức bật mới cho vùng đất này, để sau 11 năm ngày thành lập, Hậu Giang đã vươn mình trở thành điểm sáng đô thị phát triển nhanh và mạnh của vùng Tây sông Hậu, là trung tâm giao lưu kinh tế của tiểu vùng Tây sông Hậu và tiểu vùng Bắc bán đảo Cà Mau, nằm giữa tứ giác tăng trưởng Cần Thơ - Cà Mau - Kiên Giang - An Giang.

Bài học từ “Tiên thiên hạ chi ưu”

Có mặt tại nhiều công trình trọng điểm, chúng tôi rất ấn tượng về thủy lộ Kênh xáng Xà No, chảy ngang trung tâm thành phố Vị Thanh, với giá trị gần 10.000 tỷ đồng, tương đương với vốn đầu tư  tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Trong khi đó, phần lớn trụ sở các cơ quan công quyền của Hậu Giang vẫn còn đang xây dựng dở dang, cán bộ nhiều Sở, ngành vẫn phải làm việc trong các dãy nhà tiền chế.

Điều này theo các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hậu Giang là: Ngay từ đầu, các cấp các ngành đã thống nhất ưu tiên ngân sách và kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học, công trình phúc lợi công cộng, xóa đói giảm nghèo. Nếu như tập trung xây dựng trụ sở cho “hoành tráng” thì sẽ chậm đầu tư cho các vấn đề dân sinh thiết yếu và phát triển hạ tầng, nên Hậu Giang chọn hướng đi khác là dồn sức để tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển. Khi nào hạ tầng hoàn chỉnh, đời sống người dân bớt khó khăn thì mới xây dựng trụ sở làm việc khang trang, sạch đẹp. Cách làm này đã được người dân đồng thuận. Thực tế, để phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương mới như Hậu Giang, hàng chục dự án đầu tư đã được triển khai, với hàng ngàn ha đất phải thu hồi, liên quan đến hàng chục ngàn hộ dân nhưng vẫn được thực hiện đúng tiến độ, vụ việc khiếu nại (KN) về đền bù, thu hồi đất có tỷ lệ thấp nhất trong các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong tổng kết đánh giá về quá trình phát triển đi lên của địa phương, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã kết luận rằng: Cái được lớn nhất của Hậu Giang là sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân khi tiến hành các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước theo đúng tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đó là sự đoàn kết, thống nhất cao trong đội ngũ cán bộ Hậu Giang với quyết tâm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói ít làm nhiều đã tạo nên động lực mạnh mẽ lôi cuốn mọi tầng lớp xã hội để xây dựng địa phương tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.

Còn dưới góc nhìn của một người trong ngành, câu trả lời từ Chánh Thanh tra Hậu Giang Cam Quang Vinh là luôn chủ động trong giải quyết các thắc mắc, KN của nhân dân đối với công tác đền bù, giải tỏa thu hồi đất ngay từ cấp cơ sở. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần trọng dân, gần dân như việc UBND tỉnh Hậu Giang đã thành lập Đoàn giải quyết KN tại chỗ đối với các dự án, với số lượng 400 - 600 đơn/năm. Hầu hết những yêu cầu, thắc mắc của nhân dân đều được giải quyết ngay tại địa bàn có dự án thông qua đối thoại trực tiếp. Đây là điểm mới trong công tác giải quyết KNTC, giúp xử lý nhanh công việc, không để xảy ra tình trạng KN đông người, góp phần ổn định an ninh trật tự của địa phương.

Một mùa Xuân mới đang về với Hậu Giang, với bao công trình mới của ý Đảng, lòng dân sẽ góp phần thay đổi sâu sắc hơn nữa bộ mặt của vùng đất cách mạng này, đúng như câu thơ mà mỗi người đến với mảnh đất và con người nơi đây thường hay ngâm nga theo ngôn từ của miền sông nước: “Không đi không biết Hậu Giang; Đi rồi mới thấy mở mang quá trời!...”


Ngọc Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nam: Đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết

Hà Nam: Đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết

(Thanh tra) - Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết, các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có kế hoạch tăng lượng hàng nhập lên 10 - 20% (tùy từng mặt hàng) so với dịp Tết năm 2024.

CB

12:33 12/12/2024
SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm