Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ: Giải pháp nào để gỡ khó?

Thứ năm, 12/05/2011 - 21:55

(Thanh tra)- Cùng với thủ tục hành chính và đất đai, vấn đề tiếp cận vốn đang là một trong những rào cản khiến khu vực doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ (VVN) hiện nay gặp nhiều khó khăn.

Các DN bất động sản đang thực sự “khát vốn” .

Nhu cầu về vốn lớn

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các DNVVN lâu nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng (NH). Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do các DNVVN không đáp ứng đủ điều kiện cho vay. Theo lý giải của nhiều cơ sở tín dụng, để cho DN vay, NH phải tìm hiểu tính khả thi của đề nghị là như thế nào, cân đối tài chính của DN có lành mạnh, đủ tài sản bảo đảm và khả năng trả nợ.

Tuy nhiên, những điều kiện trên thường chỉ có các DN lớn, có uy tín, thương hiệu mới đáp ứng được. Kết quả điều tra mới đây của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy, chỉ có 1/3 DNVVN có khả năng tiếp cận nguồn vốn NH, 1/3 khó tiếp cận và 1/3 không tiếp cận được. Trong khi kết quả điều tra của VCCI, có đến 74,47% DN muốn tìm đến vốn bằng hình thức vay NH.

 Không ít DNVVN cho rằng, thủ tục các NH đặt ra là “quá sức” đối với họ. Ngay cả khi có chính sách ưu đãi của Chính phủ cũng chỉ có 5 - 10% DNVVN tiếp cận được nguồn vốn vay.

Hiện nay, mức lãi suất trần huy động vốn NH Nhà nước quy định với các NH thương mại là 14%/năm, lãi suất cho vay trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh xê dịch khoảng 17 - 18%/năm. Tuy nhiên, thực tế một số NH thương mại đã “phá rào” huy động bằng cách nâng mức lãi suất lên 15 - 19%/năm, tùy vào thời điểm và số lượng tiền gửi. Việc huy động vốn với lãi suất trần vượt quy định, đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay cũng sẽ được nâng lên từ 20 - 22%/năm. Một số NH còn tự đặt ra nhiều loại phí, khiến mức lãi suất thật các DNVVN phải vay có thể lên tới 27%/năm. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến các DN thực sự cần vay vốn, không ít DN không dám vay vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Tìm giải pháp khả thi


Theo TS Vũ Tiến Lộc, hiện tại nhiều DNVVN còn yếu về năng lực quản lý, công nghệ lạc hậu, thiếu nhân lực, vốn ít và bị hạn chế trong việc lập dự án, phương án sản xuất, hệ thống sổ sách kế toán thiếu minh bạch. Vì vậy, cơ hội tiếp cận các kênh huy động vốn là không cao. Tuy nhiên, các DNVVN vẫn còn có thể tìm kiếm vốn bằng một số hình thức khác như thuê tài chính, mua chịu hàng hóa hay liên doanh, liên kết. “Trước hết, các DNVVN cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn của mình với nhiều hình thức như tiết giảm chi phí, tích cực cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc. Một hệ thống sổ sách tài chính minh bạch cùng với mô hình quản lý khoa học, năng động là những yếu tố quan trọng tạo nên “sức khỏe” của mỗi DN”, TS Vũ Tiến Lộc đề xuất.

Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, ông Đỗ Ngọc Quỳnh lại gợi ý, để tránh quá phụ thuộc vào kênh huy động vốn từ NH, các DN nên hướng tới kênh huy động vốn từ phát hành trái phiếu. Cũng theo ông Quỳnh, với điều kiện như hiện nay, kênh huy động vốn từ phát hành trái phiếu sẽ giúp DN có được nhiều lợi thế. Đó là kênh huy động vốn trung dài hạn hiệu quả trên thị trường vốn với chi phí hợp lý. Phát hành trái phiếu bảo đảm cho DN được sử dụng một nguồn vốn linh hoạt và dài hạn. So với kênh đi vay/tín dụng, DN có thể huy động được quy mô vốn lớn do thu hút được sự tham gia đầu tư của nhiều nhà đầu tư thay vì phụ thuộc vào nguồn vốn của chỉ một hoặc số ít tổ chức tín dụng; việc giải ngân, sử dụng vốn cho phép các DN linh hoạt hơn nhiều so với tín dụng… Tuy nhiên, để huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu hiệu quả đòi hỏi các bên (cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức trung gian tài chính, nhà đầu tư, DN) cần nỗ lực nhiều hơn.

Còn bà Thái Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn Kinh doanh & Quản trị rủi ro DN Deloitte Việt Nam lại khuyến cáo các DN nên “hợp tác công - tư” để khai thác nguồn vốn. Theo bà Hải, xu thế tất yếu để thu hút vốn của các nhà đầu tư nhằm lấp đầy khoảng cách đầu tư cũng như tranh thủ năng lực về quản lý, kỹ thuật, công nghệ của khu vực tư nhân để nâng cao hiệu quả đầu tư và cải thiện chất lượng dịch vụ công. Bà Hải cũng hy vọng, chủ đề này sẽ được tiếp tục thảo luận để các DN cùng Chính phủ tìm ra được phương thức hợp lý nhằm đẩy mạnh hợp tác công - tư tại Việt Nam.

TS Nguyễn Đại Lai thì cho rằng, các DN nên tìm vốn ngoài NH bằng cách các DN có quan hệ đầu vào, đầu ra ổn định và/hoặc có chung hiệp hội hay hội nghề nghiệp có đủ tín nhiệm với nhau, cần liên kết cam kết tiến hành các nghiệp vụ mua - bán chịu bằng cách phát hành cho nhau các giấy nhận nợ hoặc quyền đòi nợ trong phạm vi thời hạn thỏa thuận để hữu dụng hàng hóa nguồn vốn “gối đầu” tạm thời nhàn rỗi của từng bên để duy trì sản xuất và tiêu thụ.

 Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm