Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Việt - Nga cần tập trung vào những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh

Phương Hiếu

Thứ ba, 23/11/2021 - 22:32

(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) Trần Thanh Nam đã nhấn mạnh như vậy tại “Diễn đàn trực tuyến thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản, thủy sản Viêt Nam - Liên bang Nga” do Bộ NN & PTNT Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiêp Liên bang Nga, Đại sứ quán Nga tại Viêt Nam, Đại sứ quán Viêt Nam tại Liên bang Nga tổ chức chiều ngày 23/11.

Toàn cảnh Hội nghị đầu cầu Bộ NN & PTNT Việt Nam. Ảnh: LP

Theo Bộ NN & PTNT, 10 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm  - thủy sản của Việt Nam sang Liên bang Nga đạt khoảng 469 triệu USD tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Nga chủ yếu là các mặt hàng thủy sản, cà phê, điều, trái cây, chè, gỗ, gạo. Nhập khẩu từ Nga chủ yếu thủy sản, lúa mỳ, phân bón, gỗ, gần đây là các sản phẩm thịt, sữa.

Mặc dù Việt Nam đang giữ vị trí số 1 về kim ngạch thương mại với Liên bang Nga trong số các quốc gia của khu vực Đông Nam Á và là đối tác thương mại thứ 6 của Liên bang Nga trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng hiện nay, thủy sản của Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn do Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (FSVPS) cấp phép rất cầm chừng.

Đến nay, mới chỉ có  49 doanh nghiệp được phép trong tổng số gần 200 doanh nghiệp đã nộp đơn. Cơ quan của Bộ NN & PTNT đã trao đổi, đề nghị với FSVPS đẩy nhanh thủ tục vì đây các sản phẩm không cạnh tranh trực tiếp với ngành thủy sản nước lạnh của Nga.

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga Sergey Lvovich Levin cho biết, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (AEAU) đã mở ra cơ hội về thương mại mạnh mẽ cho 2 nước. Việt Nam là một trong những thị trường năng động và phát triển trong khu vực.

Thời gian qua, mặc dù đại dịch COVID-19 nhưng thương mại nông nghiệp giữa hai nước vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Hai nước có thể phát triển thương mại nông nghiệp lên mức độ mới.

Còn theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga Dương Hoàng Minh, nhờ AEAU nên hầu hết các sản phẩm nông, thủy sản Việt Nam sang Nga có mức thuế bằng 0%, trong khi đó sản phẩm từ các nước khác có mức thuế thông thường nên hàng hóa Việt Nam thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có lượng doanh nghiệp xâm nhập sâu vào thị trường Nga.

Để tiếp tục thúc đẩy thương mại nông, thủy sang Nga, theo ông Dương Hoàng Minh, các doanh nghiệp cần tham gia vào các triển lãm lớn của Nga hàng năm để tìm hiểu thị trường. Nếu doanh nghiệp làm tốt khâu thị trường thì sẽ tăng được lượng hàng hóa xuất khẩu sang Nga. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp Việt tìm hiểu thị trường tại Nga còn hạn chế.

Còn theo Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Trần Thanh Nam, kim ngạch thương mại Việt - Nga hai chiều giai đoạn 2018 - 2020 vào khoảng 4,5 tỷ USD/năm, trong đó nông sản chiếm khoảng 18-20%, tương đương 900 triệu USD/năm. Do vậy, hai bên nên tập trung vào những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, cụ thể phía Việt Nam là thủy sản, cà phê, chè, tiêu, trái cây, cao su… Phía Nga là các sản phẩm thịt, lúa mỳ, phân bón, sữa…

Bộ NN & PTNT sẽ tiếp tục đàm phán với FSVPS nhằm tìm hiểu và tháo gỡ các khó khăn từ 2 phía, đặc biệt là các quy trình kiểm dịch nhập khẩu thủy sản và các lỗi thường gặp của các doanh nghiệp; định hướng đề xuất một số phương án “đánh đổi” (trade-off). Trong đó, ưu tiên cân đối giữa cấp phép cho doanh nghiệp xuất khẩu thịt và thủy sản mới của Nga, với số lượng doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là cá tra, cá ngừ, tôm.

Hai bên phối hợp tìm giải pháp xử lý các vấn đề về kỹ thuật. Cụ thể, từ Nga sang Việt Nam: Lúa mỳ, giấy chứng nhận thú y đối với thịt và áp dụng chứng nhận thú y điện tử. Từ Việt Nam sang Nga: Giảm bớt chỉ tiêu an toàn thực phẩm của FSVPS đang áp dụng kiểm soát thủy sản nhập khẩu (áp dụng giới hạn chỉ tiêu coliforms, vi sinh vật hiếu khí ưa ẩm và kỵ khí tùy nghi đối với sản phẩm đông lạnh nấu chín trước khi ăn, mức dư lượng tối đa cho phép đối với Oxytetracyline trong thủy sản)…

“Hy vọng trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Liên bang Nga thời gian tới, cơ quan chức năng của hai nước tiếp tục rà soát quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thực phẩm nhập khẩu và điều chỉnh phù hợp với các quy định của quốc tế”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm