Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng tín dụng

Thứ sáu, 27/07/2012 - 14:42

(Thanh tra)- Nợ xấu ngân hàng (NH) lớn, doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận vốn NH, trong khi hàng hóa tiêu thụ còn chậm, tồn kho nhiều, sức mua trên thị trường chưa có nhiều dấu hiệu tăng… vẫn đang là những thách thức lớn đối với mục tiêu tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm.

Cầu tín dụng và khả năng hấp thụ vốn thấp

Theo Thống đốc NH Nhà nước (NN) Nguyễn Văn Bình, mục tiêu trong 6 tháng cuối năm tăng trưởng tín dụng phải đạt được mức từ 8 - 10% so với cuối năm 2011 mới tạo lực cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chặn đà suy giảm. Như vậy, nếu chốt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm là 0,76% (so với cuối năm 2011) thì “hạn ngạch” tín dụng những tháng còn lại cả năm từ 7,4 - 9,4%, bình quân mỗi tháng, tín dụng phải tăng 1,23 - 1,56%. Đây thực sự là bài toán khó trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp và dư địa của chính sách tiền tệ đang bị thu hẹp.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 của Chính phủ thông qua các giải pháp như cơ cấu lại nợ, mở rộng đối tượng cho vay và hạ lãi suất tín dụng dành cho 4 nhóm đối tượng được ưu tiên và hạ trần lãi suất huy động theo xu hướng giảm của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thời gian qua, đặc biệt là mới đây các NH thương mại (TM) đã giảm lãi suất nợ cũ về mức dưới 15%/năm, bước đầu giúp cho DN có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn NH, hỗ trợ nguồn vốn lưu động của DN.

Tuy nhiên, nguồn tài chính hỗ trợ cho tổng cầu vẫn còn khá khiếm tốn. Biện pháp được xem là “đánh trúng” khó khăn hiện tại của DN và giải quyết việc ứ đọng đầu ra (đặc biệt là hàng tồn kho vật liệu xây dựng...) là đẩy nhanh vốn đầu tư cho các dự án ngân sách Nhà nước chỉ có quy mô vốn khá nhỏ 2.000 tỉ đồng. Hơn nữa, việc giãn thuế VAT ứng với tổng giá trị khoảng 12.000 tỉ đồng chỉ chiếm 0,5% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế nên cũng không hỗ trợ được nhiều cho DN. Hệ quả là, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế mặc dù đã cải thiện nhưng vẫn còn yếu, biểu hiện ở tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng gần đây tuy đã tăng nhẹ, nhưng tính chung 6 tháng đầu năm vẫn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.

Điểm “nghẽn” lớn nhất của dòng vốn tín dụng hiện nay là nợ xấu NH. Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, hiện nợ xấu toàn ngành NH lên tới 10% GDP, con số này theo NHNN cung cấp là 8,6% tổng dư nợ tín dụng (hiện khoảng 2,6 - 2,7 triệu tỷ đồng). Riêng số dư nợ cho vay bất động sản trên toàn quốc tính đến thời điểm cuối năm 2011 được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia xác nhận không phải xấp xỉ 200.000 tỉ đồng như báo cáo của các NHTM mà lên tới 348.000 tỉ đồng. Ước tính có đến 50% số dư nợ cho vay đó đang có nhiều tiềm năng trở thành nợ khó đòi. Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN cũng thừa nhận tỉ lệ nợ khó đòi này lên đến 40%.

Dù lãi suất huy động và cho vay đã giảm so với đầu năm, nhưng lãi suất huy động dài hạn lại đang có xu hướng dâng cao và lãi suất cho vay vẫn cao hơn so với mức công bố. Diện DN được vay vốn ưu đãi không nhiều; nợ cũ giảm về dưới 15% theo chỉ đạo của NHNN mới chỉ một số NH lớn (chủ yếu là NH quốc doanh) thực hiện và mỗi NH thực hiện một kiểu với nhiều điều kiện khá khắt khe nên hầu hết các DN và hộ kinh doanh vẫn phải chịu mức lãi suất cao 18 - 20%. Trong khi đó, cầu tín dụng ở mức thấp do DN gặp khó khăn trong mở rộng đầu tư, hàng tồn kho lớn, khả năng hấp thụ vốn thấp…

Kết hợp chặt chẽ các gói hỗ trợ kích cầu


Để phá thế đóng băng tín dụng và kích cầu vốn, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ và NHNN phải đưa ra thông điệp rõ ràng về các giải pháp giải quyết số nợ xấu này. Như thế, sẽ tạo điều kiện để bảng cân đối tài sản của cả NH và DN lành mạnh hơn nhằm cải thiện quan hệ mua bán đang đóng băng nhiều tháng qua.

Trong điều kiện bình thường, chênh lệch lãi suất chỉ ở mức 3% là NH sống khỏe. Nhưng, với tình hình DN khó khăn như hiện nay, chênh lệch đầu vào và đầu ra đến 7 - 8% (áp dụng với lãi suất cho vay thỏa thuận, thậm chí có những NH tới hơn 10% là không thể chấp nhận được). NHNN đã dùng biện pháp hành chính để siết chặt đầu ra của các NHTM thì phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ, coi việc cứu DN cũng là cứu NH. Đồng thời, NHNN cũng nên sử dụng công cụ kiểm soát thị trường lãi suất bằng áp tỷ lệ chênh lệch đầu vào đầu ra ở mức hợp lý từ 3 - 4% để tạo ra sự thống nhất một mặt bằng lãi suất chung toàn hệ thống NH, tuân thủ sự tăng, giảm theo cung - cầu thị trường thay vì can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính. 

Cần có sự phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ để hỗ trợ DN, thị trường trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp và dư địa của chính sách tiền tệ đang bị thu hẹp. Cụ thể, Chính phủ cần linh hoạt hơn nữa trong chi tiêu đầu tư công nhằm bù đắp phần thiếu hụt tín dụng, bảo đảm mức tổng đầu tư toàn xã hội theo kế hoạch, góp phần duy trì nguồn lực tăng trưởng trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư trong kế hoạch năm 2012; thực hiện ứng chi một phần vốn đầu tư cho những dự án xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách Nhà nước của năm 2013. Đặc biệt, tập trung tăng đầu tư công vào các dự án xây dựng cơ bản ở vùng nông thôn đã có sẵn kế hoạch triển khai thực hiện, có tốc độ giải ngân và khả năng hấp thụ vốn nhanh.


Hà Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Khủng hoảng thiếu Oxy – Oxy quý hơn Vàng

Khủng hoảng thiếu Oxy – Oxy quý hơn Vàng

(Thanh tra) - Oxy rất cần thiết cho mọi hoạt động sống của con người. Khi cơ thể không được nhận oxy đầy đủ, có thể để lại những hệ quả nghiêm trọng. Sự khan hiếm oxy đang diễn ra trên thế giới bởi những tác động của biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố liên quan đến con người.

Liên Hương

21:27 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm