Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tiếp cận với xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản

Thứ tư, 10/08/2011 - 17:35

(Thanh tra) - Ông N.Hasegawa, Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế điện tử Nikkei (Nhật Bản) cho biết: Theo khảo sát của trang trực tuyến kinh doanh Nikkei, trong các nước châu Á, Việt Nam dẫn đầu về sự hấp dẫn như một cơ sở sản xuất, xếp thứ ba về mức hấp dẫn như một thị trường tiêu thụ, chỉ sau Ấn Độ và Inđônêxia. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp Nhật, môi trường đầu tư tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều trở ngại.

Để thu hút đầu tư, cần bảo đảm cung cấp mặt bằng và hạ tầng khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn. Ảnh minh họa

Ngày 10/8, tại Hà Nội diễn ra hội thảo “Kịch bản phục hồi và tái thiết Nhật Bản - Xu hướng đầu tư ra nước ngoài” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thời báo Kinh tế Nikkei và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng tổ chức. Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hội thảo sẽ đưa ra các khuyến nghị, các định hướng chính sách thu hút đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong giai đoạn tới.

Nhật Bản và xu hướng đầu tư ra nước ngoài


Theo ông N.Hasegawa, Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế điện tử Nikkei, chìa khóa đầu tiên cho sự tái thiết của Nhật Bản là châu Á. Hiện Nhật Bản đang phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa, dẫn đến việc thu hẹp thị trường trong nước, đi cùng với sự thiếu hụt lao động. Đồng yên cao nên khó khăn trong xuất khẩu. Bên cạnh đó là vấn đề thiếu hụt điện sau đợt thảm họa ảnh hưởng đến sự hoạt động ổn định của các nhà máy. Xu hướng đầu tư ra nước ngoài, trao đổi về bí quyết và kỹ thuật, sử dụng lợi thế của sự tăng dân số trẻ… đang là giải pháp được lựa chọn.

Hội thảo “Kịch bản phục hồi và tái thiết Nhật Bản - Xu hướng đầu tư ra nước ngoài”


Cùng bàn về xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Nhật Bản chú trọng đến hoạt động FDI nhằm tận dụng nguồn lao động rẻ, tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào sẵn có ở nước tiếp nhận để giảm chi phí sản xuất. Thông qua hoạt động FDI, Nhật Bản không những thực hiện chuyển giao công nghệ nhằm kéo dài tuổi thọ sản phẩm, tăng thu lợi nhuận mà còn có thể tránh được hàng rào bảo hộ mậu dịch của nước sở tại.

Cũng theo ông Tạ Ngọc Tấn, trong tương lai, Nhật Bản vẫn chọn thị trường châu Á làm nơi đầu tư trọng tâm. Luồng FDI của Nhật vào khu vực này chiếm tới 23% tổng đầu tư của Nhật. Trong thời gian tới, dòng FDI từ Nhật Bản vào các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á sẽ còn tăng do sự tăng trưởng cao cùng tính năng động của khu vực này. Xu hướng này là một cơ hội lớn đối với Việt Nam trong việc tăng cường thu hút FDI của Nhật.

Còn nhiều khó khăn, rào cản...


Ông N.Hasegawa, Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế điện tử Nikkei cho biết: Theo khảo sát của trang trực tuyến kinh doanh Nikkei, trong các nước châu Á, Việt Nam dẫn đầu về sự hấp dẫn như một cơ sở sản xuất, xếp thứ ba về mức hấp dẫn như một thị trường tiêu thụ, chỉ sau Ấn Độ và Inđônêxia.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, môi trường đầu tư tại Việt Nam vẫn còn nhiều trở ngại. Theo bà Hikaru Oguchi, đại diện Công ty Luật Nishimura & Asahi, hệ thống pháp lý đang phải chạy theo sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, do đó thường xuyên sửa đổi; tồn tại nhiều điểm không thống nhất giữa các cấp khác nhau của các văn bản quy phạm pháp luật; đặc biệt là sự không nhất quán giữa văn bản pháp luật và mức độ thực thi. Bên cạnh đó là chức năng khác nhau của pháp luật, hệ thống giải quyết các tranh chấp không tương xứng, sự khác nhau về văn hóa…

…  Và tỉnh táo trước những cơ hội

Cơ hội là rất lớn, thách thức hãy còn nhiều, nhưng việc tỉnh táo lựa chọn những cơ hội để phát triển bền vững vẫn là vấn đề rất đáng quan tâm. Trước đây, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí chủ trương xây dựng Việt Nam trở thành một căn cứ gia công lắp ráp tại khu vực, gắn với chuỗi sản xuất của Nhật. Trong quá trình đầu tư, Nhật đã mang theo một phần năng lực sản xuất, góp phần vào sự phát triển thị trường Việt Nam, đồng thời tạo nên một mạng lưới liên kết không chỉ trong nước mà trong toàn khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với việc công nghệ gia công lắp ráp đã làm cho nhập siêu tăng nhanh, giá trị gia tăng sản xuất trong nước thấp, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ hạn chế. Các nhà máy gia công lắp ráp quy mô lớn sử dụng nhiều lao động giản đơn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có những chính sách thỏa đáng nhằm phát triển mạnh khối doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, vì vậy dẫn đến tình trạng mạng lưới lắp ráp trong nước đã hình thành mà không có doanh nghiệp phụ trợ bản địa cung ứng thiết bị phụ kiện đủ chất lượng nên vẫn phải nhập khẩu. Do đó, phát triển công nghiệp phụ trợ đang trở thành một nội dung quan trọng của Sáng kiến chung Nhật Bản - Việt Nam.

Theo TS Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương, đã đến thời điểm thích hợp đối với cả Việt Nam và Nhật Bản để thu hút doanh nghiệp Nhật đầu tư vào công nghiệp chế tạo bên cạnh công nghiệp hỗ trợ. Ông Trần Tuấn Anh cũng cho biết, tại Việt Nam đã có một số điều kiện ban đầu đáp ứng ở quy mô phù hợp, nếu chuẩn bị tốt điều kiện trong nước thì có thể sớm đón làn sóng đầu tư thứ 3 từ Nhật.

Để thành công trong thu hút các công ty Nhật phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế tạo, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, điều kiện hạ tầng phù hợp, chú ý phát triển các trường dạy nghề có chất lượng, đào tạo mạnh tiếng Nhật. Bên cạnh đó, để phát triển các khu công nghiệp chế tạo chuyên sâu đòi hỏi có sự hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân của hai nước, bảo đảm cung cấp mặt bằng và hạ tầng khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn, giá thấp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp của Nhật đầu tư kinh doanh lâu dài.


Năm 2011, cam kết ODA của Nhật Bản cho Việt Nam vay đạt 1,76 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Nhật Bản hiện có 1.560 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam, dẫn đầu trong số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Là nhà tài trợ song phương ODA lớn nhất của Việt Nam, Nhật Bản chiếm tới 80% tổng ODA của Việt Nam, một trong năm nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam hiện nay với tổng số vốn đầu tư đăng ký chiếm khoảng 11% tổng FDI của cả nước.
Ngày 1/7 vừa qua, Nhật Bản và Việt Nam đã tiếp tục ký kết để triển khai giai đoạn 4 của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, tập trung vào 6 nhóm vấn đề: Điện lực, lao động, công nghiệp phụ trợ, thuế, hải quan, an toàn thực phẩm…


Đại Dương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm