Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tập đoàn Định An bị “bêu tên” chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội

Công Thắng - Phạm Hoa

Thứ sáu, 08/11/2024 - 16:30

(Thanh tra) - Tập đoàn Định An là một doanh nghiệp ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 609,1 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đang bị Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Hà Nội “bêu tên” vì... nợ BHXH.

Dự án cao tốc Bắc Nam - một công trình của Tập đoàn Định An

BHXH thành phố Hà Nội vừa công bố danh sách các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)… từ 1 tháng trở lên trên địa bàn tháng 9/2024 (số liệu tính đến hết ngày 30/9/2024 theo C12-TS lấy ngày 5/10/2024).

Điều làm dư luận quan tâm là trong danh sách công khai nợ BHXH, có xuất hiện tên của Tập đoàn Định An. Được biết, Tập đoàn Định An là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành xây dựng, đã tham gia thi công nhiều dự án trọng điểm quốc gia.

Theo công bố của BHXH Hà Nội, Tập đoàn Định An có địa chỉ trụ sở tại tầng 9, toà nhà Hudland, số 6 Nguyễn Hữu Thọ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đang có 3 tháng chậm đóng BHXH với số tiền hơn 712,87 triệu đồng.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Tập đoàn Định An tiền thân là Công ty TNHH Định An được thành lập vào ngày 20/4/2010. Địa chỉ trụ sở chính của công ty tại tầng 2, số nhà 149 đường Nhạc Sơn, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Người đại diện theo pháp luật là ông Cao Đăng Hoạt.

Thời điểm thành lập, công ty có vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm: Ông Cao Đăng Hoạt góp 1,3 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 72,22%) và bà Trần Thị Nguyệt Ánh góp 500 triệu đồng (tỷ lệ 27,78%).

Tháng 10/2013, công ty nâng vốn điều lệ lên 5,6 tỷ đồng. Trong đó, ông Cao Đăng Hoạt góp 1,3 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 72,22%) và bà Trần Thị Nguyệt Ánh góp 1,68 tỷ đồng.

Đến tháng 8/2016, công ty tiếp tục nâng vốn điều lệ của công ty từ 5,68 tỷ đồng lên 818 tỷ đồng. Cụ thể, ông Cao Đăng Hoạt góp 572,6 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 70%), bà Trần Thị Nguyệt Ánh góp 163,6 tỷ đồng (tỷ lệ 20%) và Phạm Văn Quý góp 81,8 tỷ đồng (tỷ lệ 10%).

Từ tháng 8/2020, công ty chuyển địa trụ sở chính về Biệt thự 10 HUD8 đại lộ Trần Hưng Đạo, phường Pom Hán, thành phố Lào Cai. Tổng số lao động theo đăng ký thuế là 8 người.

Ngày 11/2/2022, Công ty TNHH Định An đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Định An. Trụ sở chính của công ty đặt tại Biệt thự 10 HUD8 đại lộ Trần Hưng Đạo, phường Pom Hán, thành phố Lào Cai. Người đại diện pháp luật công ty vẫn là ông Cao Đăng Hoạt.

Đến tháng 6/2022, Công ty TNHH Tập đoàn Định An chuyển địa chỉ trụ sở chính về tầng 9, toà nhà HudLand, số 6 Nguyễn Hữu Thọ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp là xây dựng công trình đường bộ.

Tập đoàn Định An bị nhắc tên trong danh sách nợ bảo hiểm xã hội

Tập đoàn Định An kinh doanh ra sao?

Năm 2023, Tập đoàn Định An ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 609,1 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán hàng của công ty là hơn 594,8 tỷ đồng và hơn 14,2 tỷ đồng doanh thu cung cấp dịch vụ. Lợi nhuận gộp của công ty đạt hơn 18,9 tỷ đồng, tăng 55,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của Tập đoàn Định An là hơn 921,1 triệu đồng, giảm 33% so với cùng kỳ. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty giảm 63,3% từ mức hơn 1,79 tỷ đồng xuống còn hơn 657,6 triệu đồng.

Sau khi trừ đi các chi phí, kết thúc năm 2023 Tập đoạn Định An báo lãi sau thuế gần 1,85 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng tài sản của Tập đoàn Định An đến cuối năm 2023 là gần 1.506,5 tỷ đồng, tăng hơn 925 tỷ đồng sau 12 tháng, tương đương mức tăng gấp gần 2,6 lần. Tập trung chủ yếu nằm ở tài sản ngắn hạn với hơn 1.406,8 tỷ đồng.

Thời điểm cuối năm 2023, Tập đoàn Định An có gần 111 triệu đồng tiền mặt, hơn 588,6 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Các khoản phải thu ngắn hạn của công ty hiện ghi nhận gần 610,3 tỷ đồng. Trong đó, chiếm phần lớn là phải thu ngắn hạn của khách hàng hơn 142,1 tỷ đồng, và phải thu ngắn hạn khác hơn 392,6 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của công ty tính đến cuối năm 2023 là gần 163,7 tỷ đồng. Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang chiếm chủ yếu, với hơn 163,27tỷ đồng. và nguyên liệu, vật liệu gần 426 triệu đồng.

Vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Định An tính đến cuối năm 2023 là hơn 161,97 tỷ đồng. Như vậy, hiện hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (D/E) của công ty là gấp 8,3 lần. Tỷ lệ D/E cao cho thấy doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn vay để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh.

Hoạt động kinh doanh cũng như tài sản của Tập đoàn Định An đều ở mức con số lên tới cả ngàn tỷ đồng, nhưng việc để nợ thuế BHXH hơn 712,87 triệu đồng tới mức bị BHXH thành phố Hà Nội “bêu tên” thì quả là điều… đáng trách.

Chậm đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm

Khoản 1 Điều 17 Luật BHXH 2014 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

- Trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN.

- Chậm đóng tiền BHXH, BHTN.

- Chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHTN.

- Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện BHXH, BHTN.

- Sử dụng quỹ BHXH, quỹ BHTN không đúng pháp luật.

- Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động.

- Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về BHXH, BHTN.

- Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về BHXH, BHTN.

Như vậy, hành vi chậm đóng BHXH thuộc một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong BHXH.

Doanh nghiệp chậm đóng BHXH sẽ bị xử lý thế nào?

Căn cứ khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với:

Người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN.

Bên cạnh đó, tại Khoản 7 Điều 39 Nghị định 12/20222/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

- Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội;

- Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng

Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội

Như quy định nêu trên, cá nhân khi có hành vi chậm đóng BHXH sẽ bị phạt từ 12% đến 15% tổng số tiền đóng BHXH bắt buộc nhưng không quá 75 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải nộp lại số tiền chậm nộp và tiền lãi chậm nộp. 

*Lưu ý: Đối với tổ chức, mức phạt sẽ gấp 02 lần cá nhân theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

“Tết may, vay đủ được đầy” cùng Mcredit với tổng giá trị giải thưởng lên đến 365 triệu đồng

“Tết may, vay đủ được đầy” cùng Mcredit với tổng giá trị giải thưởng lên đến 365 triệu đồng

(Thanh tra) - Để giúp khách hàng đón một năm mới đủ đầy không lo toan, Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) triển khai chương trình khuyến mại “Tết may, vay đủ được đầy” từ ngày 26/12/2024 – 25/01/2025 với hàng ngàn quà tặng hấp dẫn với tổng giá trị lên đến 365 triệu đồng.

Ngọc Anh

08:26 27/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm