Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng trưởng GDP 6,7%: Kết quả nổi bật hay vẫn là thách thức lớn?

Thứ sáu, 13/10/2017 - 06:21

(Thanh tra)- Cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước ngày 12/10, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ nhưng đề nghị giải trình rõ khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% vì còn nhiều khó khăn, thách thức…

Toàn cảnh phiên họp UBTVQH. Ảnh: TN

Tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước

Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế vĩ mô đang được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

“Kết quả nổi bật năm 2017 là tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%, hoàn thành mục tiêu đề ra, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước với khoảng cách lớn, trên 1 điểm phần trăm; quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 225 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 2.400 USD”, báo cáo nêu rõ.

Nổi lên là tăng trưởng cao ở khu vực công nghiệp và xây dựng (7,6%). Khu vực dịch vụ tăng mạnh (7,6%) với sự khởi sắc của dịch vụ bán buôn, bán lẻ trong nước (tăng 8,7%), khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 13 triệu lượt khách, tăng 30%.

Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phục hồi, tăng 2,9%, trong đó đóng góp chính là ngành thủy sản, tăng 5,5%...

Đánh giá về khả năng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng 6,7%, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây vẫn là thách thức lớn. Vì những nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2017 gồm tiêu dùng của người dân, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo hiện không còn nhiều dư địa. Ngoài ra, thiên tai, bão, lũ lụt vẫn là thách thức đối với tăng trưởng của khu vực nông nghiệp.

Yếu tố, nguồn lực nào bảo đảm tăng trưởng?

Cho ý kiến, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, việc phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2017 không phải đơn giản. Muốn đạt được chỉ tiêu này, tăng trưởng quý 4 phải đạt từ 7,4-7,5%. Cho nên, Chính phủ cần rà soát, đánh giá thêm về cơ sở, phương pháp đạt được mục tiêu này, cách thức bảo đảm tăng trưởng bền vững cũng như những khó khăn có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đặt vấn đề, cần phân tích yếu tố, nguồn lực để đảm bảo tăng trưởng 6,7% cả năm. Rồi nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch tăng trưởng nhưng giá trị tuyệt đối đóng góp vào ngân sách là như thế nào để từ đó lý giải thuyết phục quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cần phải giải trình rõ ràng với Quốc hội vì sao tăng thu ngân sách chỉ có 2,3% mà tăng trưởng GDP đạt 6,7%. Vì trong cơ cấu thu ngân sách Nhà nước (NSNN), thu nội địa đều giảm, vốn đầu tư giải ngân chậm…

Hơn nữa, rủi ro tiềm ẩn trong nền kinh tế vẫn còn, chưa giảm như bội chi ngân sách kéo dài, dẫn đến nợ công cao, thu không đủ chi phải đi vay. Chưa kể, bội chi cao tác động tới các yếu tố khác của nền kinh tế như tạo sức ép lên lãi suất, lạm phát. Rồi nợ xấu trong hệ thống ngân hàng còn cao.

Thêm vào đó, “tiến độ thực hiện cổ phần hóa còn chậm so với yêu cầu; cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chưa thực chất, chưa nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp này. Số DNNN sở hữu 100% vốn mặc dù giảm, nhưng tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các DN cổ phần hóa vẫn còn cao”, báo cáo Chính phủ nêu.

Không cổ phần hóa bằng mọi giá

Tính đến hết tháng 8/2017, đã hoàn thành cổ phần hóa 18 DNNN, đã công bố giá trị DN và đang xây dựng phương án cổ phần hóa 12 DNNN, đang tiến hành xác định giá trị 14 DNNN. Ước cả năm 2017 có thể hoàn thành cổ phần hóa 38/44 DNNN phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra.

Còn về thoái vốn, mới bán phần vốn Nhà nước tại 26 DN với tổng giá trị theo sổ sách là 863,8 tỷ đồng (bằng 95,1% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11.815,3 tỷ đồng.

Dẫn ví dụ về cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chủ trương cổ phần hóa là đúng, nhưng không nhất thiết cổ phần hóa bằng mọi giá, nhất là những DN lớn, có thương hiệu nổi tiếng. “Cần chú ý xem sau khi cổ phần, nhà đầu tư mới có tiếp tục giữ hay xóa mất thương hiệu trước đó”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Thời gian còn lại của năm 2017 chỉ còn hơn 2 tháng. Theo Chủ tịch Quốc hội, các chính sách được thực hiện trong thời gian này sẽ có tác động tới cả năm 2018 và xa hơn là cho cả nhiệm kỳ. Do vậy, Chính phủ cần có những chính sách không chỉ hướng tới hoàn thành chỉ tiêu trong năm nay, mà phải tính đến cho cả năm sau và cho cả nhiệm kỳ.

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ngân sách Trung ương có khả năng hụt thu năm thứ 3 liên tiếp

Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS), năm 2017, ước thực hiện thu NSNN cả năm vượt 2,3% (27,3 nghìn tỷ đồng) so với dự toán đã thể hiện những nỗ lực cao trong điều hành của Chính phủ và quyết tâm với tinh thần trách nhiệm cao của ngành tài chính. Tuy nhiên, số tăng thu so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, trong khi thu ngân sách Trung ương khó đạt dự toán.

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm TCNS lưu ý, đây là năm thứ 3 liên tiếp, ngân sách Trung ương có khả năng hụt thu, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương khó được đảm bảo, mục tiêu giảm bội chi NSNN hết sức khó khăn.

Còn về thực hiện chi NSNN ước cả năm bằng 101,7% dự toán, tăng 23.320 tỷ đồng. Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, Chính phủ đã điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, nhiều khoản chi đã phát huy hiệu quả. Song việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lúng túng, vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN giải ngân chậm nhất trong 5 năm gần đây…


Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm