Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phải giải bài toán vùng nguyên liệu

Thứ hai, 14/02/2011 - 23:28

(Thanh tra)- Không những thu hút hàng trăm nghìn lao động và hàng nghìn doanh nghiệp đầu tư, tổng kim ngạch xuất khẩu từ mây, tre đan còn có bước nhảy vọt trong các năm 2007, 2008 lần lượt là 219 và 224,7 triệu USD… Tuy nhiên, bảo tồn và phát triển các làng nghề mây, tre đan ở vùng nông thôn chưa được quan tâm, đầu tư và hỗ trợ thỏa đáng dẫn tới một số làng nghề có nguy cơ mất nghề.

Nguồn nguyên liệu thiếu và không ổn định


Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nghề mây, tre đan là một trong những nguồn thu nhập quan trọng trong kinh tế hộ gia đình, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày, góp phần tạo việc làm xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho một bộ phận đáng kể người dân nông thôn, đặc biệt là người dân sống dựa vào rừng.


Thống kê cho thấy, nghề này thu hút khoảng 342.000 lao động tại 732/2.017 làng nghề trên cả nước (chiếm 24%) và hơn 1.000 doanh nghiệp quan tâm đến sản xuất và xuất khẩu thủ công mỹ nghệ trong đó có mây, tre đan. Ước tính lượng nguyên liệu cần cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu hàng năm vào khoảng 400 - 500 triệu cây tre nứa và 60.000 - 80.000 tấn mây, song nguyên liệu. Tổng kim ngạch xuất khẩu mây, tre đan có bước nhảy vọt trong thời gian gần đây với trên 219 triệu và gần 225 triệu USD năm 2007 và 2008. Chính vì vậy, mây tre là một trong những loài cây chủ lực trong xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế nông thôn ở Việt Nam trong gian đoạn tới.


Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ, diện tích tre nứa cả nước có khoảng gần 1.395 nghìn ha (chiếm khoảng 10,5% diện tích rừng toàn quốc), còn diện tích song mây ước tính năm 2005 là gần 382.000 ha với sản lượng thu hoạch được khoảng 36.510 tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ thực tế khoảng 70.000 tấn/năm. Như vậy, trên 33.000 tấn phải nhập khẩu mỗi năm.

Tổng cục Lâm nghiệp dự báo, thị phần sản phẩm mây tre đan của Việt Nam trên toàn thế giới trong giai đoạn 2010 - 2015 khoảng 12%. Sản phẩm mộc gia dụng từ tre, nứa; ván sàn và tre ghép; rèm với tốc độ tăng trưởng năm khoảng 8%; đũa và măng khoảng 4% và 2% nên nhu cầu nguyên liệu đến năm 2020 cần ít nhất 1 tỷ cây tre nứa 1 năm. Vì vậy, ngoài diện tích rừng tự nhiên khoảng 1,3 triệu ha và 88.000 ha rừng trồng thì từ nay đến năm 2020 cần phải trồng mới thêm khoảng 60.000 ha tre luồng.


Các chuyên gia nhận định, đa số rừng tự nhiên có mây tre hiện thuộc quản lý của tổ chức Nhà nước, kế hoạch sử dụng lâm sản ngoài gỗ bền vững và công tác gây trồng bổ sung ít được quan tâm, hơn nữa thiếu quy hoạch và quản lý nên hiện trạng là khai thác quá mức. Trong khi đó, mặc dù Bộ NN&PTNT đã có Đề án Bảo tồn và Phát triển lâm sản ngoài gỗ giai đoạn 2006 - 2020 và Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam 2006 - 2020, trong đó mây, tre được xác định là nhóm lâm sản ngoài gỗ có thế mạnh, nhưng hiện nay vẫn chưa có chính sách riêng hỗ trợ việc trồng nhóm cây này. Thêm vào đó, doanh nghiệp mây, tre đan rất khó tiếp cận nguồn vốn vay vì chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, không có khả năng thế chấp tài sản và chưa có thói quen thực hiện quản lý sản xuất bằng những tiêu chuẩn quốc tế, vì vậy rất hạn chế để phát triển thị trường quốc tế; hạn chế trong quy hoạch đất đai; kế hoạch chi tiết, phân bổ nguồn lực cũng như trách nhiệm chưa được xác định rõ ràng.

Phải giải bài toán nguyên liệu


Theo nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (CASRAD), để bảo tồn và phát triển ngành mây tre đan ở Việt Nam trong thời gian tới cũng như tạo cơ sở để thực hiện các mục tiêu cụ thể trong Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam, giải pháp đầu tiên là phải xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu. Đây chính là cơ sở để ổn định sản xuất và giá thành sản phẩm, đồng thời tạo điều kiện để trồng rừng nguyên liệu, giải quyết việc làm cho người lao động trồng cây, nguyên liệu… đúng theo mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 mức thu nhập từ mây tre chiếm 20 - 30% trong kinh tế hộ gia đình nông thôn miền núi.


Bên cạnh đó, theo TS Đào Thế Anh, phải đầu tư cho đội ngũ nghệ nhân, thợ đã có bậc nghề cao để họ vừa có nhiệm vụ sáng tác mẫu mã sản phẩm, vừa là lực lượng chính trong công tác đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ làm ra các sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng đáp ứng nhu cầu của nhiều loại thị trường. Ngoài ra, Nhà nước cùng doanh nghiệp tăng cường đầu tư về vốn, khoa học, công nghệ và xúc tiến thương mại để nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm; quan tâm nhiều hơn nữa về chế độ tiền lương, phúc lợi xã hội, thuế, trợ cấp để tăng thu nhập cho người lao động. Song song với đó, cần thành lập tổ chức nghề nghiệp quản lý, điều phối về sản xuất, kinh doanh hàng mây tre đan như hiệp hội các nhà sản xuất, kinh doanh dưới sự quản lý điều hành của Hiệp hội Mây tre đan Việt Nam bảo đảm mua bán lành mạnh nguyên liệu và sản phẩm cũng như phân chia công bằng lợi nhuận; phải có một trung tâm làm đầu mối trong việc mua bán tập trung các nguyên liệu thô giúp giảm giá nguyên vật liệu, bảo đảm nguồn cung ổn định, đồng thời ngăn chặn sự cạnh tranh không lành mạnh...

Hữu Oanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm