Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Ngành Nông nghiệp cần phải nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”

Lê Phương

Thứ tư, 30/06/2021 - 21:58

(Thanh tra) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã chỉ đạo như vậy tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 diễn ra ngày 30/6 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: LP

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, tiếp tục làm đứt gãy các chuỗi cung ứng vật tư, sản phẩm nông nghiệp trong nước và quốc tế, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng mạnh, vượt kế hoạch đề ra, đạt kết quả cao 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó nông sản chính 10,4 tỷ USD, tăng 13,3%; thủy sản 4,05 tỷ USD, tăng 12,5%; lâm sản 8,7 tỷ USD, tăng 61,5%.

Có những mặt hàng với kim ngạch xuất khẩu tăng cao như cao su, chè, hồ tiêu, hạt điều, rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm… Trong đó, cao su, chè, rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 155 nghìn tấn, giảm 6,7%), nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 499 triệu USD, tăng 40,5%). Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,1 tỷ USD (+74,8%), mây, tre, cói thảm đạt khoảng 447 triệu USD (+78,8%); tôm 1,66 tỷ USD, tăng 8,5%.

Về thị trường xuất khẩu, có 4 thị trường (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc) nhập khẩu NLTS lớn nhất của Việt Nam, trong đó 2 thị trường lớn nhất (Mỹ và Trung Quốc) thời gian qua được duy trì tốt.

Mỹ là thị trường đứng đầu tiêu thụ NLTS của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt khoảng 6,7 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 27,9% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Trong đó, chủ yếu là gỗ và sản phẩm gỗ, chiếm khoảng 60,6% trong tổng giá trị xuất khẩu NLTS vào thị trường Mỹ.

Trung Quốc  là thị trường lớn thứ 2, với kim ngạch xuất khẩu NLTS trong 6 tháng đầu năm khoảng 4,75 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 19,6% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành.

Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng mạnh, vượt kế hoạch đề ra, đạt kết quả cao 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: LP

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trong nửa đầu năm 2021, trong nước đã xây dựng được 6 mô hình về “hoàn thiện và mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị” (lúa vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cà phê vùng Tây Nguyên).

Ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu trong năm 2021, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,2-3,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS năm 2021 khoảng 45 tỷ USD (cao hơn kế hoạch giao là 3 tỷ USD).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu toàn ngành trong 6 tháng cuối năm phải nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa giữ đà tăng trưởng.

Mục tiêu cả năm 2021, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3 - 3,2%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,2 - 3,5%. Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt tăng 1,55%, sản lượng lúa trên 43,19 triệu tấn; giá trị sản xuất chăn nuôi trên 5,93%, sản lượng thịt lợn cả năm ước đạt khoảng 4,1 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm ước đạt trên 1,9 triệu tấn; giá trị sản xuất thủy sản tăng 4%.

Phấn đấu tổng sản lượng thủy sản 8,7 triệu tấn (nuôi trồng 4,82 triệu tấn, khai thác 3,9 triệu tấn). Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 3,75%; sản lượng gỗ khai thác trên 18 triệu m3, đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu.

Để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS năm 2021 khoảng 45 tỷ USD (cao hơn Chính phủ giao 3 tỷ USD), Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm. Trong đó, lâm sản và đồ gỗ là ngành hàng được đánh giá là có triển vọng gia tăng giá trị cao nhất trong năm nay, phấn đấu đạt kinm ngạch xuất khẩu 14 tỷ USD.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cùng các bộ tổng kết để có kịch bản thường trực ứng phó khi thị trường biến động đồng thời có tư duy mới kích hoạt cả hệ thống trong kết nối thông tin, dữ liệu giữa cung và cầu. Người tiêu dùng biết được rõ ràng xuất xứ nguồn gốc nông sản, trung tâm thương mại hiểu rõ vùng nguyên liệu trong từng thời điểm.

Đặc biệt, cần tính toán lại thời vụ, tránh trùng thời vụ với nước mà Việt Nam xuất khẩu nông sản sang đó, thậm chí là những nước xuất khẩu sang thị trường đó. “Nếu làm chủ lịch thời vụ, chủ động thông tin cung - cầu thì chắc chắn nông sản không bị ùn ứ, dù trong bối cảnh có hay không có dịch Covid-19”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm