Theo dõi Báo Thanh tra trên
Khánh An
Thứ ba, 31/12/2024 - 12:00
(Thanh tra) - Tăng trưởng GDP năm 2024 không những có thể đạt được mục tiêu kỳ vọng 7% mà có thể cao hơn, đặt nền tảng vững chắc cho kế hoạch bứt phá mạnh mẽ của nền kinh tế.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối về đích đúng hẹn đã truyền cảm hứng, niềm tin và động lực cùng những bài học kinh nghiệm cho các dự án lớn của quốc gia trong thời gian tới
Bước xoay chuyển quyết liệt
“Một năm quá nhiều cảm xúc”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ vào những ngày cuối năm 2024, khi các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu thực hiện kế hoạch 2025 của Chính phủ không chỉ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP theo quyết nghị của Quốc hội.
Nghị quyết 158/2024/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đã quyết nghị, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu khoảng 7 - 7,5%. Cùng với đó, nghị quyết của Quốc hội cũng xác định nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cũng phải nói thêm, đây là lần đầu tiên trong nghị quyết của Quốc hội khi phân giao chỉ tiêu kế hoạch có thêm mục tiêu phấn đấu, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao để tối đa hóa đà phục hồi của nền kinh tế.
“Chính phủ đang đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, một mục tiêu rất cao, với quyết tâm rất cao, để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nhưng quyết tâm này dựa trên những thành tựu rất lớn của năm 2024, điều mà chúng ta đã không hình dung được khi bước vào năm 2024 với vô vàn khó khăn”, ông Hiếu chia sẻ.
Còn nhớ, quý I năm 2024 kết thúc trong sự lo âu và trầm lắng. 73,9 ngàn doanh nghiệp rút lui, cao hơn đáng kể so với con số 59,9 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và trở lại thị trường; huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26% (cùng thời điểm năm 2023 tăng 1,99%)... Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân dù vượt qua mức tăng rất thấp là 1,3% của năm 2023 nhưng vẫn ở mức rất thấp là 4,2%...
Thời điểm đó, ông Hiếu không giấu lo ngại về một năm vô cùng khó khăn khi nhắc tới những tấm biển cho thuê cửa hàng xuất hiện nhiều trên các dãy phố trung tâm Hà Nội và TPHCM.
“Giờ có thể khẳng định quyết tâm đặt mục tiêu tập trung tăng trưởng lên trên ổn định vĩ mô, không hy sinh tăng trưởng để ổn định vĩ mô trong điều hành kinh tế năm 2024 của Chính phủ là quyết định sáng suốt. Nhờ vậy, nhiều giải pháp chính sách thúc đẩy tăng trưởng được thực hiện quyết liệt, như giảm thuế VAT 2%, giảm lãi suất ngân hàng, các giải pháp thúc đẩy đầu tư công, thúc đẩy tiêu dùng; giãn, hoãn thuế, phí cho doanh nghiệp… ”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Tư duy điều hành dồn lực cho tăng trưởng thay vì lo thâm hụt ngân sách, lo mất cân đối thu chi đã tạo nên sức bật cho nền kinh tế. Tốc độ tăng GDP được cải thiện qua từng quý. Cùng với sự trở lại mạnh mẽ của thị trường thế giới, xuất khẩu tăng mạnh, dòng vốn FDI trở lại mạnh mẽ… Tăng trưởng GDP năm 2024 không những có thể đạt được mục tiêu kỳ vọng 7% mà có thể cao hơn, đã tạo niềm tin vững chắc để thực hiện Nghị quyết 158/2024/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Nền tảng tư duy mới
Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối hoàn thành sau hơn 6 tháng thi công thần tốc không chỉ là một dấu ấn quan trọng của ngành Điện. TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng coi đây là “bài học quý báu” của tư duy phát triển.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 519 km, 1.177 vị trí cột, đi qua 211 xã/phường của 43 huyện thuộc 9 tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng. “Dự án mất khoảng 4 tháng làm thủ tục. Tốc độ được gọi là thần kỳ so với quy trình, thủ tục bình thường, với sự chỉ đạo trực tiếp, ngày đêm của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan; nhưng cũng để thấy những tồn tại trong quy trình, thủ tục đã được nhận diện, nhưng cũng cần phải tháo gỡ để không chỉ có 1 dự án đạt được kỳ tích”, ông Kiên nói.
Trong năm 2025, theo ông Kiên, đầu tư công vẫn sẽ tiếp tục ở vai trò “dẫn dắt đầu tư tư”, nhất là khi một số dự án quy mô lớn đang được đặt vào đường ray. Thậm chí, ông Kiên tin rằng, nếu năm tới triển khai được Dự án Đường sắt Hà Nội - Lào Cai với tốc độ và quyết tâm như dự án đường dây 500 kv mạch 3, nền kinh tế sẽ đạt được mục tiêu tăng trường 8%.
“Đây không phải là triển khai 1 dự án mà là thay đổi tư duy trong cơ chế, chính sách và điều hành kinh tế. Bài học về cách thức phát triển trong biến động đã được xác lập qua giai đoạn dịch bệnh, qua những khó khăn của giai đoạn đầu phục hồi kinh tế. Vì yêu cầu thực tiễn cuộc sống, cơ chế, chính sách sẽ phải thay đổi để phù hợp”, ông Kiên khẳng định.
Số lượng lớn các văn bản pháp luật vừa được sửa đổi trong năm 2024 đang gửi đi thông điệp tích cực về nỗ lực, quyết tâm hoàn thiện thể chế.
Trong đó, số lượng các luật liên quan đến các hoạt động đầu tư, kinh doanh chiếm đa số, như: Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Xử lý vi phạm hành chính...
Không những thế, nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa đã được đưa ra, với mục tiêu rất cụ thể là giải phóng nguồn lực đất đai, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Có thể sẽ có độ trễ trong triển khai, nhưng ông Hiếu cũng như ông Kiên đều tin rằng, năm tới, việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của các bộ, ngành địa phương sẽ có sự thay đổi về chất.
Vì mặc dù mục tiêu vẫn là tăng trưởng trước, ổn định kinh tế vĩ mô sau như năm 2024, nhưng với một tư duy mới, đó là tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, đó là từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm...
“Không có đất cho sự ngần ngừ, sợ trách nhiệm. Điểm ách tắc nhất của giai đoạn trước sẽ được tháo gỡ dứt điểm. Niềm tin kinh doanh sẽ trở lại”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Nền tảng cho các bước tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới đang được tạo lập vững chắc cho giai đoạn phát mới: Giai đoạn cả nền kinh tế vươn mình cùng sự phát triển của đất nước.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Năm 2024, dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân tỉnh Nam Định, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh không những duy trì ổn định mà còn có sự tăng trưởng khá ấn tượng.
Trung Hà
(Thanh tra) - Được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) chính thức bổ nhiệm ông Phạm Duy Hiếu giữ chức vụ Tổng Giám đốc ABBANK kể từ ngày 01/01/2025.
PV
Lê Phương
Hải Hà
Trần Quý
Lâm Ánh
PV
Trần Quý
Chu Tuấn
Chu Tuấn
Phương Anh
Tuấn Sơn
Chính Bình
Trung Hà
Trung Hà