Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Năm 2011, cơn sốt vàng có tái diễn?

Thứ bảy, 01/01/2011 - 22:03

Năm 2010 khép lại với những diễn biến thất thường của thị trường vàng. Thị trường trong nước liên tục chứng kiến những "cơn điên" của giá vàng. Năm 2011, giá vàng được dự báo sẽ còn tăng. Mối lo ngại về cơn sốt vàng trong năm tới liệu có tái diễn?

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), TS Cao Sỹ Kiêm đã có cuộc trao đổi với Tầm Nhìn xung quanh vấn đề này.


Thưa ông, năm qua, thị trường vàng diễn biến thất thường, lúc tăng kỷ lục, lúc giảm bất ngờ. Theo ông, nguyên nhân nào khiến thị trường có một năm chao đảo như vậy?

- Đúng là giá vàng năm qua rất thất thường, nó biểu hiện rất phức tạp. Sự phức tạp này diễn ra cả thị trường trong nước lẫn thị trường thế giới.

Thứ nhất, vàng tăng lên theo cung cầu. Trong năm qua, tình hình thế giới có chuyển biến nhưng không đều, chậm hơn so dự kiến. Chính vì thế nảy ra lạm phát cao và thất nghiệp nhiều. Một số nước dùng đồng tiền của mình để đẩy khó khăn ra ngoài hay nói cách khác là phá giá đồng tiền của mình để làm xuất khẩu, đẩy khó khăn ra ngoài, phục vụ lợi ích của mình. Giá đồng tiền thấp xuống, đặc biệt giá USD, các nước dự trữ nhiều USD sẽ phải đẩy ra, giữ vàng vào.

Vàng là giá trị vật chất tương đối ổn định, khi tiền giấy yếu người ta nghĩ ngay đến vàng. Nhất là ở những nước Trung Đông dầu mỏ nhiều, dự trữ USD lớn. Trong khi đó, các nước sản xuất vàng sợ mất tài nguyên, sản xuất ít đi. Khi nguồn cung ít đi, nguồn cầu nhiều lên dứt khoát giá vàng thế giới tăng lên.

Còn ở Việt Nam, do là nước không sản xuất được vàng, nhập vàng để tiêu thụ, cho nên giá vàng thế giới tăng lên thì vàng trong nước cũng tăng.

Lý do thứ hai xuất phát từ trong nước. Như đã nói, nước ta không sản xuất được vàng. Tuy vậy, ta lại có nhiều người có tiền, và khi đồng Việt Nam mất giá, USD cũng mất giá thì người ta nghĩ ngay đến vàng.

Nhưng có một yếu tố nguy hiểm của ta là yếu tố tâm lý. Do thông tin không có, kinh doanh của ta không đi vào bền vững mà chộp giất nhiều, găm giữ, đầu cơ, ăn hớt của nhau...  Cho nên ở Việt Nam, có điều rất nghịch lý là lúc giá vàng lên cao nhất cũng là lúc nhiều người mua nhất, lúc giá thấp nhất cũng là lúc nhiều người bán nhất.

Do đó, có lúc giá vàng trong nước tăng khoảng 2 -3 triệu đồng/lượng so với thế giới là hoàn toàn do tâm lý.

Thử làm một phép tính, nếu giá vàng thế giới là 1.300 USD/ounce, cộng thêm phí vận chuyển, tỷ giá mua ngoài... giá vàng về trong nước là 36 triệu đồng/lượng là hợp lý. Nếu lên đến 38 triệu đồng/lượng là không hợp lý. Số chênh lệch 2 triệu đồng đó là do găm giữ đầu cơ, đồn thổi, buôn lậu... thì cần phải triệt 2 triệu đó. Còn việc giá hình thành đúng như 36 triệu thì mình phải chấp nhận thị trường.

Ngoài ra, cũng cần nói đến cách điều hành của cơ quan quản lý. Nếu giá vàng trong nước dưới giá vàng thế giới thì mình xuất ra, trên giá vàng thế giới thì mình nhập vào. Cách điều hành của mình là phải theo thông lệ, theo thị trường. Nếu không cẩn thận là mình làm thiệt hại cho đất nước.

TS Cao Sỹ Kiêm trao đổi với phóng viên về mối lo ngại cơn sốt vàng trong năm tới

Trong năm 2011, giá vàng, bạc sẽ diễn biến ra sao, thưa ông? 

- Giá vàng sẽ còn tăng trong năm 2011. Vì 5 đồng tiền lớn trên hế giới là USD, Euro, Yen, Nhân dân tệ... nhất là USD đang giảm thì người ta vẫn nghĩ đến đầu tư vàng. Tuy rằng, giá vàng có thể không vọt lên nhưng cũng sẽ không xuống. Vàng có thể biến động theo sơ đồ hình Sin.

Vậy năm tới sẽ còn tái diễn những cơn sốt vàng không, thưa ông?

- Sốt hay không là do cách điều hành của mình. Nếu không điều hành giỏi sẽ có cơn sốt. Thí dụ như, nếu nhập được thường xuyên, có cơ chế nhập, chấp nhận cơ chế thị trường thế giới thông nhau với thị trường trong nước. Khi thị thế giới lên, thị trường trong nước lên, thế giới xuống, thị trường trong nước mình xuống, cơ chế nhập khẩu, xuất khẩu vàng hợp lý theo thị trường... Bên cạnh đó, công tác dự báo, phán đoán thị trường, tính toán về cung cầu thị trường phải kỹ càng, cẩn thận.

Nếu phán đoán không kỹ, đến một thời điểm nào đó, mà chưa có đủ lượng nhập sẵn sàng can thiệp và thị trường đang vọt lên theo đồn thổi là nó sốt thôi. Ngày 9/11/2010, khi giá vàng lên cao đến 38 triệu đồng/lượng. Ngay buổi trưa hôm đó, NHNN tuyên bố nhập vàng, lập tức giá xuống ngay.

Như ông vừa nói, cơn sốt giá vàng năm qua, có một phần từ hậu quả của hiện tượng đầu cơ. Vậy cần có biện pháp gì để ngăn chặn hiện tượng này, thưa ông?

- Những người mua vàng, gây ra cơn sốt là những nhà đầu cơ. Đây mới là những người có nhiều tiền, chứ dân tình không có, dân tình cũng bị mắc mưu của bọn đầu cơ.

Những người có hàng nghìn nghìn lượng vàng là những tay buôn bán lậu liễm, bán đất, bán gạt, đại gia... Cho nên khi vàng lên giá, ta tuyên bố nhập vàng là họ sợ ngay, nếu không có can thiệp là giá sẽ tiếp tục vọt.

Cho nên với bọn đầu cơ, phải chống nó bằng cách công khai minh bạch chính sách, chủ động dự báo, dự đoán thị trường, tính toán cung cầu thị trường chính xác.

Xin cảm ơn ông !

Theo VietNamNet

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm