Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Muộn nhất trong quý II/2024 phải có cơ chế chính sách về phát triển điện gió ngoài khơi

T.Vân

Thứ năm, 04/04/2024 - 15:00

(Thanh tra)- Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) nhằm phổ biến thông tin đến các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân, được tổ chức tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội nghị, ảnh: BCT

Quy hoạch điện VIII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện các Bộ, ban, ngành: Ban Kinh tế Trung ương; Ủy ban Khoa học và Môi trường Quốc hội; Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Khoa học Công nghệ; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương; UBND các tỉnh, thành phố cùng các sở, ban, ngành; các Tập đoàn năng lượng (EVN, PVN, TKV) và các cơ quan truyền thông.

Tại Hội nghị, ông Tô Xuân Bảo – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng, kết quả đạt được của Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Cụ thể, tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/04/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề để các địa phương trên cả nước, các Tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư tư nhân có cơ sở triển khai phát triển điện lực, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp với xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp; đồng thời, thể hiện quyết tâm, nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương và các cơ quan, bộ, ngành liên quan và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng và phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị.

Bản Kế hoạch này đã được Bộ Công Thương chi tiết hóa nhiều nội dung của Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg, trong đó đã xác định cụ thể tiến độ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên của ngành Điện giai đoạn tới năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 để làm cơ sở triển khai và điều hành phát triển nguồn điện (gồm có dự án điện khí trong nước, khí LNG, thủy điện vừa và lớn, thủy điện tích năng...).

Đối với các dự án lưới điện truyền tải, đã xác định được giai đoạn vận hành cũng như hình thức đầu tư các dự án (nhà nước hoặc xã hội hóa) để làm cơ sở đầu tư phát triển lưới điện truyền tải, đảm bảo đồng bộ với phát triển nguồn điện cũng như cải thiện, nâng cao chất lượng, độ tin cậy của lưới điện truyền tải.

Xác định danh mục các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện sinh khối và điện sản xuất từ rác) phù hợp với quy mô công suất tính toán, phân bổ cho các địa phương.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã xác định rõ 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng. Trung tâm 01 tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình và khu vực lân cận (quy mô khoảng 2.000 MW) và Trung tâm 02 tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh và mở rộng lân cận trong tương lai.

Đối với nguồn điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, xử lý những khó khăn, vướng mắc và báo cáo các cấp có thẩm quyền để xem xét xác định cụ thể các dự án điện gió ngoài khơi trong thời gian tới. Việc phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ được phát triển theo đúng quy mô phân bổ cho từng địa phương đã được nêu tại Quyết định phê duyệt số 262/QĐ-TTg ngày 01/04/2024.

Đối với các dự án điện mặt trời đã được phê duyệt quy hoạch và đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư, Bộ Công Thương đã báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc khi xem xét, đánh giá tính pháp lý các dự án, đảm bảo không được phép hợp thức hóa các sai phạm.

Tham luận tại hội nghị, đại diện UBND các địa phương (Sóc Trăng, Ninh Thuận, Lạng Sơn, Lai Châu, Quảng Ngãi), đại diện các Tập đoàn năng lượng (EVN, PVN) đều thống nhất và cho biết sẽ có kế hoạch cụ thể để tổ chức, triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời cũng đề xuất, kiến nghị các cơ chế chính sách liên quan để thực hiện tốt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện XIII.

Cần sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Quy hoạch điện VIII có vai trò rất quan trọng không chỉ trong việc định hướng phát triển ngành Điện nói riêng và ngành năng lượng nói chung, nhất là trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu và theo cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh của đất nước.

Ngày 15/5/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch điện VIII làm tiền đề cho việc triển khai nhiều dự án quan trọng và ưu tiên đầu tư trong ngành Điện; tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong Quy hoạch này mới chỉ công bố tổng công suất nguồn, các loại hình nguồn điện, cơ cấu các nguồn điện, các dự án điện lớn kể cả dự án nguồn và truyền tải; chưa xác định được danh mục chi tiết và quy mô công suất các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo; trong khi đó, các dự án này chủ yếu nằm ở các địa phương, đây là cơ sở các địa phương lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo chương trình phát triển điện lực quốc gia.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ Công Thương đã khẩn trương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương triển khai xây dựng, hoàn thiện Đề án Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, bảo đảm cẩn trọng, kỹ lưỡng, cập nhật đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ. Sau 7 lần trình Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024.

Sở dĩ Bộ Công Thương đã có 7 lần trình lên Thủ tướng Chính phủ dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch này do đây là lần đầu tiên Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành điện được lập theo quy định của Luật Quy hoạch. Cùng với đó, do tính đặc thù của Ngành sự liên quan, kết nối rất chặt chẽ của Quy hoạch điện VIII với các quy hoạch ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau các quy hoạch cấp tỉnh nên Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng. Bên cạnh đó, sự phối hợp thực hiện có lúc chưa thực sự chặt chẽ của một số địa phương với Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng Kế hoạch cũng làm cho thời gian hoàn thiện Kế hoạch bị kéo dài”- tư lệnh ngành Công Thương lý giải và cho biết thêm, nhiều địa phương đề xuất danh mục dự án quá lớn (có địa phương đề xuất 5-7 lần, thậm chí 10 lần so với quy mô công suất phân bổ và không thực hiện xếp hạng ưu tiên) nên Bộ Công Thương không có cơ sở để xem xét, đánh giá, thẩm tra để xây dựng danh mục dự án, bảo đảm yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Mặc dù 46 địa phương đã gửi văn bản và được Bộ Công Thương tổng hợp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/04/2024 nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, danh mục dự án một số loại hình nguồn điện của các địa phương vẫn chưa đạt công suất nguồn điện được phân bổ trong thời kỳ quy hoạch, cần tiếp tục cập nhật, bổ sung để hoàn thiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Đại diện các tập đoàn nêu ý kiến tại hội nghị

Hiện nay, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2152/BCT-ĐL ngày 02/04/2024 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị tiếp tục phối hợp cung cấp số liệu bổ sung, gửi về Bộ Công Thương trước ngày 10/04/2024 để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 30/04/2024.

Nhấn mạnh kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII tuy chưa hoàn thiện, song theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Kế hoạch này đã bám sát các định hướng, mục tiêu của Quy hoạch điện VIII; cập nhật đầy đủ các nội dung cơ bản của các Nghị quyết có liên quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với tầm nhìn dài hạn. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng và kịp thời, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng xanh, sạch và bền vững; đồng thời là kim chỉ nam cho việc phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian tới nhằm từng bước hiện thực hóa cam kết trung hòa Cacbon vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi năng lượng và xu thế phát triển chung của thế giới.

Những nhiệm vụ trọng tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch điện VIII

Việc Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được phê duyệt mới chỉ là kết quả bước đầu, để tổ chức thực hiện thành công Kế hoạch này, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tư lệnh ngành Công Thương đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương cùng các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và Tập đoàn, Tổng công ty, Hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tập trung thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:

Đối với các Bộ, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công cần nghiên cứu đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án điện đặc thù như: Điện khí, điện gió ngoài khơi, các dự án sản xuất hydrogen/amoniac sử dụng nguồn năng lượng tái tạo hay dự án xuất khẩu điện gió ngoài khơi; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách có liên quan, nhất là chính sách liên quan tới các cơ chế tài chính, cơ chế giá điện, cơ chế khuyến khích để hỗ trợ thực hiện; Xây dựng các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất, nội địa hóa thiết bị của ngành để phát triển ngành năng lượng mới một cách đủ động và đảm bảo giá thành điện năng hợp lý.

Đối với các địa phương cần khẩn trương rà soát, cập nhật, điều chỉnh Quy hoạch tỉnh, bảo đảm thống nhất với Quy hoạch điện lực cũng như các quy hoạch ngành quốc gia; đồng thời, rà soát, cập nhật các Quy hoạch, Kế hoạch chuyên ngành của địa phương, nhất là quy hoạch, Kế hoạch về sử dụng đất, Quy hoạch xây dựng để sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, khẩn trương thực hiện việc lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhất là các dự án điện quy mô lớn, điện nền và dự án truyền tải.

Các địa phương cần bố trí quỹ đất cho phát triển các công trình điện theo quy định của pháp luật về đất đai; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án nguồn điện, lưới điện theo quy định.

Đối với 17 địa phương chưa gửi, hoặc gửi muộn văn bản đề xuất phát triển danh mục các dự án năng lượng tái tạo cần phải khẩn trương rà soát, hoàn thành việc cung cấp/bổ sung các dữ liệu bảo đảm các tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ và gửi về Bộ Công Thương trước ngày 10/4/2024 để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trước 30/4/2024.

“Trong quá trình đề xuất, đề nghị các địa phương bám sát các tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Công Thương tại Văn bản số 2152/BCT-ĐL ngày 02/4/2024, bảo đảm phù hợp với quy mô công suất đã được phân bổ và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tuyệt đối không hợp thức hóa các sai phạm”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý và nhấn mạnh thêm, sau Hội nghị này, Bộ Công Thương sẽ có một buổi họp nhằm rà soát lại, đánh giá thực trạng và phân loại những dự án đã được triển khai hoặc đã hoàn thành mà không có trong Quy hoạch điện VIII, hoặc có trong Quy hoạch điện VII; Quy hoạch điện VII điều chỉnh không đúng trình tự, thủ tục pháp luật để có biện pháp xử lý, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng và các Hiệp hội ngành nghề, cần có trách nhiệm chủ động nghiên cứu, đề xuất và tích cực tham gia với các cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng, ban hành các quy định, cơ chế chính sách khả thi để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các cơ chế lựa chọn các nhà đầu tư cho dự án nguồn điện lớn, dự án điện gió ngoài khơi, dự án truyền tải, cơ chế đặc thù cho các dự án thủy điện tích năng…

Riêng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) tập trung mọi nguồn lực để triển khai công trình đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Phố Nối (Hưng Yên) bảo đảm tiến độ theo kế hoạch trong tháng 6/2024; đồng thời, chủ động đề xuất triển khai thực hiện dự án truyền tải điện biên giới Việt - Lào và các dự án truyền tải khu vực phía Bắc được đề ra trong Quy hoạch điện VIII.

Các tập đoàn kinh tế, kể cả tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước cần chủ động nghiên cứu danh mục các dự án trong Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch này (bao gồm dự án nguồn và dự án truyền tải) để đề xuất các cơ quan chức năng xem xét, chấp thuận cho tham gia triển khai thực hiện, đặc biệt là các dự án năng lượng mới như điện gió ngoài khơi, điện khí, thủy điện tích năng, các dự án điều chế nguyên liệu mới thay cho nguồn nguyên liệu hóa thạch…

Đối với các đơn vị chức năng có liên quan thuộc Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tập trung làm tốt công tác truyền thông, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng và các nội dung cốt lõi của Kế hoạch này tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác phát triển trong nước và quốc tế nhằm tạo đồng thuận xã hội, thống nhất về tầm nhìn, định hướng phát triển và hành động, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Kế hoạch đề ra..

Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch hiệu quả, tuân thủ theo đúng quy định của Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan, đảm bảo không để thiếu điện trong mọi tình huống. Tập trung nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế chính sách liên quan, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế, góp phần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó trọng tâm là: Khung giá của các loại hình điện năng; cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp; cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái; cơ chế, chính sách phát triển điện khí, điện gió, điện sinh khối và điện sản xuất từ rác thải; cơ chế chính sách để có thể huy động nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực truyền tải…

Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Bộ cần chủ động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các dự án nguồn điện trong kế hoạch thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. “Đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc đã quyết định đầu tư nhưng nếu đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, thi hành bản án (nếu có) chỉ được tiếp tục triển khai thực hiện sau khi đã thực hiện đầy đủ các khuyến nghị, kết luận của cơ quan chức năng và phải được cấp thẩm quyền chấp thuận theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, tham mưu trong thời gian sớm nhất việc hoàn thành xây dựng các cơ chế chính sách về phát triển điện gió ngoài khơi phục vụ xuất khẩu, sản xuất hydrogen, amoniac xanh, phù hợp với định hướng phát triển nêu tại Quy hoạch điện VIII; muộn nhất là trong quý II/2024 phải có đầy đủ cơ chế, chính sách này”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm