Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Loại bỏ độc quyền, tạo “sân chơi” bình đẳng

Thứ sáu, 13/04/2012 - 10:21

(Thanh tra)- Mặc dù, nhiều doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã được cổ phần hóa hoặc chuyển sang DN TNHH một thành viên, nhưng rất ít đơn vị làm ăn có hiệu quả. Thậm chí, tình hình tài chính của khối DNNN ngày càng đáng lo ngại, nhất là những DN thua lỗ kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, mất vốn.

DNNN còn nhiều hạn chế, bất ổn

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, phần lớn tài sản của nhiều tập đoàn kinh tế Nhà nước được hình thành từ vốn vay (có đến 58% giá trị tài sản của 9 tập đoàn xuất phát từ nguồn vốn này). Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp xây dựng là 2 đơn vị có hệ số an toàn vốn thấp, tỷ lệ tài sản hình thành từ vốn vay ngân hàng cao nhất, xấp xỉ 80% đang kinh doanh thua lỗ.

Tính chung, toàn khối DNNN vốn vay các nguồn đã lên đến hơn 52 tỷ USD. Tình hình hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của DNNN như đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ còn nhiều hạn chế, bất ổn.

Điều đáng nói, trong khi DNNN phải sử dụng tới 2,2 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu năm 2009, thì DN ngoài quốc doanh chỉ cần 1,2 đồng vốn và DN FDI là 1,3 đồng (mức trung bình của toàn bộ DN Việt Nam là 1,5 đồng); năm 2010, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu các tập đoàn kinh tế, tổng Cty mới đạt 16,5%. Trong 10 năm qua, tỷ suất lợi nhuận trên tổng nguồn vốn của khu vực DNNN chưa năm nào vượt quá 6%, trong khi các DN FDI luôn duy trì ở mức trên dưới 10%.

Đáng lo ngại là, tình trạng DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng Cty lớn làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ còn do đầu tư tràn lan ra ngoài ngành, thiếu minh bạch, vi phạm về quản lý tài chính. Điển hình là vụ “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), gây thiệt hại gần 907 tỉ đồng…

Tiếp theo là hoạt động kinh doanh của EVN với số lũy kế lỗ đến ngày 30/6/2011 là 31.565 tỷ đồng. Trong đó, lỗ năm 2010 là 23.647 tỷ đồng. Các chỉ số hoạt động kinh doanh của EVN cũng đáng lo ngại: Đến ngày 31/12/2010, nợ phải trả là 239.761 tỷ đồng (trong đó nợ ngắn hạn gần 65.500 tỷ đồng); tỷ lệ nợ phải trả/tổng nguồn vốn chiếm 79,3%; đầu tư tài chính dài hạn gần 50 nghìn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thu về chỉ 541 tỷ đồng (tỷ lệ lợi nhuận trên vốn bằng 1,08%).

Phải loại bỏ độc quyền

Tình trạng kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ, thiếu minh bạch về tài chính của DNNN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng Cty Nhà nước lớn, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh năng lực cán bộ, quản trị doanh nghiệp yếu kém, thiếu chiến lược đầu tư lâu dài, nặng về mục tiêu trước mắt… là do DNNN được hưởng quá nhiều ưu đãi về quyền lợi và nghĩa vụ. Từ lợi thế được hỗ trợ vốn Nhà nước, vay vốn ưu đãi Nhà nước, tiếp cận đất đai thuận lợi giá thấp, ưu đãi thuế… đến quyền ghi thu, ghi chi; kinh doanh độc quyền các ngành, hàng Nhà nước quản lý (nắm và chi phối quyền, cơ hội kinh doanh): Điện, than, xăng dầu, dầu khí, các loại quặng…; quyền định giá, đấu thầu… Ngoài ra, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo tập đoàn kinh tế, tổng Cty Nhà nước đều do bộ chủ quản hoặc Chính phủ quyết định.

Trong khi đó, cơ chế quản lý, giám sát của Nhà nước còn chưa chặt chẽ, hiệu lực chưa cao. Cụ thể, các cơ quan giám sát, quản lý thị trường thuộc bộ, mà bộ đó lại có xu hướng bảo vệ cho các tập đoàn, tổng Cty có liên quan nên dễ dàng bỏ qua. Hoặc, đại diện chủ sở hữu trong DNNN, Bộ Tài chính quản lý cũng là chủ DN; bộ chuyên ngành cũng quản lý DN; thậm chí, hội đồng quản trị cũng một phần đại diện chủ sở hữu rồi cử một vài cá nhân làm đại diện chủ sở hữu. Cuối cùng, DNNN vẫn là sở hữu chung, không có trách nhiệm rõ ràng. Do đó, khi có sự việc xảy ra thường đổ lỗi cho nhau. Vấn đề công khai minh bạch cũng chưa có quy chế chặt chẽ, nghiêm khắc để các DNNN thực hiện.

Vì vậy, các tập đoàn kinh tế, DNNN dễ tự tung, tự tác mà không sợ chịu trách nhiệm. Kinh doanh thua lỗ đã có Nhà nước bù, hoặc xin tăng giá, không sợ phá sản DN. Cũng xuất phát từ cơ chế xin - cho cùng các mối quan hệ trên - dưới đã tạo cơ hội cho nạn tham nhũng phát triển. Theo đó, tài sản, tiền vốn của Nhà nước bị lợi dụng, thất thoát ngày một lớn vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Chính vì thế, việc tái cơ cấu DNNN, theo các chuyên gia, trước hết là phải loại bỏ mọi đặc quyền. Đồng thời, chỉ giữ lại một số DNNN then chốt ở một số ngành nhất định, chuyển những ngành, lĩnh vực kinh doanh còn lại cho các thành phần kinh tế khác tham gia, trên cơ sở có cơ chế quản lý, giám sát, kiểm soát của Nhà nước chặt chẽ, minh bạch, có hiệu lực. Có như vậy, mới tạo ra sự bình đẳng, lành mạnh giữa DNNN với DN ngoài Nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

 
Quý I/2012, Thanh tra Chính phủ đã ban hành 11 kết luận chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm về kinh tế tại các tập đoàn kinh tế (gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Hóa chất…) với tổng số tiền lên tới 30.720 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về cho ngân sách 3.712 tỷ đồng, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý trên 27.008 tỷ đồng.
 
                                                                                        
    Hà Phong

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mẫu xe đáng mua nhất phân khúc VinFast VF 8 ưu đãi tới gần 270 triệu dịp cuối năm

Mẫu xe đáng mua nhất phân khúc VinFast VF 8 ưu đãi tới gần 270 triệu dịp cuối năm

(Thanh tra) - Kể từ khi ra mắt thị trường, VinFast VF 8 luôn được đánh giá là mẫu D-SUV đáng tiền bậc nhất phân khúc khi mang đến cho người dùng những trải nghiệm đắt giá nhờ tích hợp hàng loạt công nghệ và tiện nghi đỉnh cao. Trong mùa mua sắm cuối năm nay, sức hút của “vua phân khúc” tiếp tục được tăng cao nhờ loạt ưu đãi lớn từ hãng xe Việt.

TC

10:53 14/12/2024
Prife International - từng bước chinh phục thị trường trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và làm đẹp

Prife International - từng bước chinh phục thị trường trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và làm đẹp

(Thanh tra) - Prife International – Thương hiệu toàn cầu về sức khỏe và sắc đẹp vừa vinh dự nhận 4 giải thưởng “Rising Star Sales Revenue – Rising Star Company Of The Year – Rising Star Product Of The Year – Rising Star International Growth” do Hiệp hội bán hàng trực tiếp MDDA Malaysia bình chọn năm 2024.

Liên Hương

10:25 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm