Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Làm gì để có được nhân tài trong kinh doanh

Thứ năm, 18/10/2012 - 17:42

(Thanh tra) - Đề xuất xây dựng Luật Về nhân tài đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận. Đó là thông tin vừa được Ban Tổ chức Hội thảo “Công tác nhân tài trong sản xuất, kinh doanh” ngày 18/10 cho biết.

Quang cảnh hội thảo

Công tác nhân tài trong kinh doanh còn nhiều bất cập

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Hồ Đức Việt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: Nguồn tài nguyên nhân lực và nhân tài đã trở thành thứ tài sản lớn nhất và cũng là nhân tố quan trọng nhất để phát triển mỗi quốc gia. Một số nước trong khu vực như Singapore, Trung Quốc… đã xây dựng và thực hiện chiến lược nhân tài của mình như một động lực phát triển quốc gia mạnh mẽ và bền vững.

Việt Nam có chủ trương, thực hiện quyết định xây dựng chiến lượng quốc gia về nhân tài khá muộn và chậm so với nhiều nước trong khu vực. Việc nhận diện doanh nhân tài năng hiện vẫn được xem là dễ dàng hơn so với các dạng nhân tài khác vì có thể lượng hóa được. Song, trên thực tế đã xảy ra hiện tượng có một số doanh nhân hôm trước còn được báo chí, dư luận ca ngợi, hôm sau đã trở thành đối tượng của các cơ quan tư pháp. Trong cơ chế thị trường, hiện tượng đó đã diễn ra ở nhiều nước. Từ góc độ nghiên cứu khoa học, hội thảo hướng tới đề xuất các chính sách, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và hoàn thiện cơ chế quản lý để giảm thiểu hiện tượng đó.

Theo các đại biểu tham dự hội thảo, vấn đề sử dụng, đãi ngộ và phát triển nhân tài hiện là vấn đề khó nhất, có nhiều thách thức nhất trong công tác nhân tài của nước ta hiện nay.

Thực tiễn cho thấy, việc phát hiện, thu hút và đào tạo được nhân tài đã khó, song việc sử dụng, phát huy, phát triển được họ còn khó hơn rất nhiều. Nhân tài trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh là một thứ “hàng hóa” đặc biệt, được săn lùng bởi các đối thủ cạnh tranh và các doanh nghiệp giàu mạnh từ các nước.

Nhiều đại biểu tham gia hội thảo cũng đồng tình với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, Việt Nam có “lịch sử” không coi trọng giới kinh doanh.

Trong khi đó, trong nước vẫn còn tồn tại thói quen bố trí sử dụng cán bộ theo tiêu chí người nhà, thân quen, thâm niên công tác…

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đổi mới nhận thức, thói quen và xây dựng, hoàn thiện các chính sách, cơ chế, thể chế quản lý về vấn đề này là rất cần thiết.

Cần chiến lược đào tạo và môi trường để phát triển

Đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước “Cơ sở lý luận, thực tiễn của Chiến lược Quốc gia về nhân tài trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được Bộ Chính trị phân công Ban Tổ chức Trung ương chủ trì nghiên cứu xây dựng. Hội thảo “Công tác nhân tài trong sản xuất, kinh doanh” nhằm tìm ra cơ sở lý luận và thực tiễn của Chiến lược Phát triển nhân tài của Việt Nam trong lĩnh vực đặc thù này.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến thẳng thắn và có ý nghĩa thực tế sâu sắc quanh việc nhận biết, phát hiện, thu hút đúng nhân tài; vấn đề giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài; sử dụng, đãi ngộ và phát triển nhân tài trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Chiếc lược của FPT đặc biệt nhấn mạnh cần có những “nhân tài hành động”. Theo ông, Việt Nam không thiếu chiến lược tốt nhưng cần phải có những người thực sự hành động. Nhân tài là người đưa được giải pháp cho vấn đề.

TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định: Để có nhân tài trong kinh doanh, cần tạo môi trường thuận lợi (cả môi trường pháp lý và môi trường kinh tế với các mô hình tăng trưởng, cơ cấu tăng trưởng…). Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện hỗ trợ, đánh giá, khuyến khích về mặt kinh tế và đánh giá, tôn vinh, đãi ngộ thích hợp.

GS.TS Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. “Đào tạo từ ít đến nhiều, từ lao động chất lượng kém đến chất lượng cao. Từ lao động chất lượng cao ấy sẽ nảy nở ra các nhân tài”. Bên cạnh đó, việc xây dựng môi trường tạo nên tài năng cũng quan trọng không kém. Chỉ có một môi trường lành mạnh mới đào tạo nhân tài hiệu quả. “Làm thế nào để tôn vinh nhân tài trong sản xuất kinh doanh nói riêng và trong xã hội nói chung. Cần coi nhân tài là động lực để phát triển đất nước” - GS Dương Phú Hiệp khuyến cáo.

Cũng tại hội thảo, nhiều đề xuất, giải pháp lớn về công tác nhân tài cần thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 đã được phân tích, trao đổi, đặc biệt là các giải pháp để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và phát triển nhân tài trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh của Việt Nam, cả ở trong và ngoài nước.

Đại Dương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm