Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khối doanh nghiệp FDI tăng trưởng xuất khẩu cao

Thứ sáu, 22/06/2012 - 06:34

(Thanh tra)- “Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tạo ra ít nhiều năng lực xuất khẩu (XK) cho Việt Nam. Bản thân FDI XK và các doanh nghiệp (DN) Việt Nam gắn với FDI cũng có những hưởng lợi nhất định. Tuy nhiên, câu chuyện FDI gắn với thương mại Việt Nam còn nhiều vấn đề đáng bàn”, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định.

Kim ngạch XK 5 tháng đầu năm ước đạt gần 42,9 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ. Một nghịch lý đáng lưu ý trong hoạt động này, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, là sự tăng trưởng của khối DN FDI đạt 23,2 tỷ USD, tăng 43,7% và chiếm áp đảo tổng kim ngạch XK của cả nước.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho rằng: “Đây là vấn đề rất đáng lưu ý và cần phải “mổ xẻ” xem xu hướng này có tiếp tục diễn ra trong năm 2012 hay không? Có cần đưa ra chính sách quản lý không? Chấp nhận để FDI có thị phần lớn trong XK hay hỗ trợ cho DN trong nước có mức tăng trưởng? Đây là bài toán khó và cần có lời giải rõ ràng”.

Cùng quan điểm trên, ông Võ Trí Thành cho rằng, FDI có tạo ra ít nhiều năng lực XK cho Việt Nam. Bản thân FDI XK và các DN Việt Nam gắn với FDI cũng có những hưởng lợi nhất định. Tuy nhiên, về nhập khẩu, câu chuyện FDI gắn với thương mại Việt Nam còn nhiều vấn đề đáng bàn.

“Khi Việt Nam gia nhập WTO, nhập khẩu sẽ tăng lên do FDI nhập khẩu thiết bị máy móc, hàng trung gian sản xuất… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho Việt Nam là liệu FDI có làm tăng khả năng cạnh tranh và năng lực sản xuất trong nước hay không? Thực tế, thời gian gần đây, khối FDI đã góp phần làm tăng nhập siêu, nhưng lại không làm tăng được năng lực sản xuất của Việt Nam là bao nhiêu. Chính vì vậy, chúng ta không quan tâm đến số lượng FDI nhưng cần phải quan tâm tới chất lượng FDI. Mà chất lượng FDI chính là tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế Việt Nam, khả năng cạnh tranh trong nước và năng lực XK”, ông Võ Trí Thành lý giải.

Cũng theo chuyên gia này, một trong những mục tiêu chính của thu hút đầu tư FDI là DN nước ngoài chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý cho Việt Nam. Mặc dù vậy, sức lan tỏa của FDI về công nghệ, kỹ năng quản lý còn rất là hạn chế.

Ông Thành lý giải, xu hướng đi lên của các nước đang phát triển, trừ một số nước đặc thù, tất cả đều phải trải qua giai đoạn quan trọng là tạo dựng ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tác, chế biến phát triển. Và khi đó, sự tham gia của FDI rất quan trọng, góp phần nâng cao công nghệ, năng lực quản lý…Ngoài ra, bên cạnh ngành công nghiệp, các nước đang phát triển cũng cần quan tâm tới dịch vụ bởi dịch vụ làm cho khả năng cạnh tranh tăng lên.

“Ở đây, dịch vụ không thuần túy chỉ là dịch vụ mà phải lan tỏa sang các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp… Nếu theo nghĩa ấy, ở Việt Nam dịch vụ chỉ có ở ngành du lịch, một số ngành bùng nổ như: Tài chính, ngân hàng, bất động sản… Nhưng, sự lan tỏa từ dịch vụ sang tạo dựng khả năng cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam thì chưa thật tốt. Không những thế, ở lĩnh vực bất động sản thì có những thời điểm lại góp phần rất lớn vào bất ổn vĩ mô của Việt Nam…”, ông Thành nhấn mạnh.

Bàn về FDI, một số ý kiến chuyên gia còn quan ngại về việc một số DN FDI đã lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư kinh doanh ở Việt Nam để trốn thuế, không những gây thất thu thuế cho Nhà nước mà còn dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa khối DN này và DN trong nước. Khảo sát từ Bộ Tài chính cho thấy, hiện có đến 20 - 30% DN FDI đang hoạt động kê khai có kết quả kinh doanh lỗ liên tiếp từ 2 - 3 năm, thậm chí 5 năm.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Xét về tổng thể nền kinh tế, việc các DN FDI ngày càng có ưu thế trong XK và mang về giá trị XK lớn cho nền kinh tế không phải là điều đáng lo ngại mà cần được khuyến khích. Tuy nhiên, nếu so sánh tương quan với DN trong nước thì đây lại là điều thiệt thòi, đáng suy ngẫm”.

Hiện, phần lớn thị phần các ngành công nghiệp giá trị sản xuất lớn, từ công nghiệp ô tô đến hàng tiêu dùng, phần lớn đều do các DN FDI chi phối.

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam chia sẻ: “Tính riêng ngành thép, nhiều DN FDI của Nhật và Hàn Quốc với 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, với ưu thế công nghệ hiện đại, công suất lớn lại được các công ty mẹ hỗ trợ về vốn, quản lý… đã khiến cho DN thép trong nước bị chèn ép, khó cạnh tranh về giá. Vì vậy, ngành thép của Việt Nam sẽ khó tồn tại và phát triển được ngay trên sân nhà”.

Có thể nói, đầu tư FDI rất cần thiết cho quá trình phát triển của đất nước. Song để thực sự bảo đảm lợi ích của quốc gia, Việt Nam cần đánh giá và nhìn lại hoạt động đầu tư nước ngoài trong suốt những năm qua, đặc biệt từ khi gia nhập WTO nhằm mục đích vừa bảo đảm thu hút đầu tư vừa bảo vệ chiến lược phát triển DN trong nước.


Thành Ngô

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm