Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hoàn thành hầu hết công việc chuyển giao từ các bộ

Hoàng Nam

Thứ bảy, 28/10/2023 - 21:48

(Thanh tra) - Theo số liệu của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban), tính đến năm 2023, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 doanh nghiệp đã tăng thêm trên 150 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản tăng trên 130 nghìn tỷ đồng so với thời điểm năm 2018.

Dự án Cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc đã được Ủy ban đã chọn để thí điểm xây dựng Đề án Tái cơ cấu Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, trong đó, có đề xuất phương án tái cơ cấu các khoản nợ của dự án. Ảnh: Hoàng Nam

Sau khi Ủy ban tiếp nhận chuyển giao 19 tập đoàn, tổng công ty từ các bộ, các đơn vị này đều sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển liên tục, ổn định, tổng vốn Nhà nước vẫn được bảo toàn, phát triển cả về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước; giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động cũng tăng lên; góp phần vào phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,871 triệu tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 103,310 nghìn tỷ đồng; tổng giá trị nộp ngân sách Nhà nước hợp nhất đạt 227,990 nghìn tỷ đồng, tăng cao so với các năm trước.

Năm 2023, ước tính về thị phần trong nước, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban đã đóng góp khoảng 48% điện năng, 50% xăng dầu bán lẻ, 100% khí khô, 70% khí hóa lỏng, 70% phân bón...

Các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải, logistics (hàng không, đường sắt, hàng hải) đã nỗ lực rất lớn để bảo đảm nhu cầu về giao thông, vận tải cho đời sống của nhân dân, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, các tập đoàn, tổng công ty đã giữ vai trò nòng cốt, bảo đảm nhu cầu thông tin liên lạc và tiên phong trong chuyển đổi số, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển xã hội số, chính phủ số và nền kinh tế số. Đến năm 2023, ước tính về thị phần, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban chiếm khoảng 49% vận tải hành khách hàng không nội địa; quản lý 21/22 cảng hàng không dân dụng trên cả nước; 16% hàng hóa vận tải biển; 100% điều hành và vận tải giao thông đường sắt; 45% thuê bao di động; 41% băng rộng cố định mặt đất; về khối vận chuyển đạt 126 triệu lượt hành khách; 114,5 triệu tấn hàng hóa.

Trong giai đoạn 2018 - 2023, tổng giá trị đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty ước đạt 769,969 nghìn tỷ đồng. Nhiều dự án lớn, quan trọng đã được triển khai thực hiện, góp phần không nhỏ vào xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực. Tiêu biểu như các dự án trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng: Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng; Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái, các công trình lưới điện 500kV Vĩnh Tân, Sông Hậu - Đức Hòa, Long Phú - Ô Môn; hoàn thành đầu tư và vận hành với công suất cao Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 từ ngày 27/4/2023.

Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đã tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; Dự án Xây dựng nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Dự án Mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài; Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi… Qua đó, đầu tư hoàn thiện hệ thống đường bộ quốc gia, nhất là các tuyến cao tốc trục Bắc-Nam, các tuyến cao tốc kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm.

Không chỉ thể hiện được vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban còn tạo nhiều việc làm cho người lao động, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia.

Đánh giá chung về kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc trong thời gian qua, lãnh đạo Ủy ban cho rằng, đơn vị đã hoàn thành xử lý hầu hết công việc khi nhận chuyển giao từ các bộ còn dở dang, phức tạp, vướng mắc, tồn đọng qua nhiều thời kỳ; công tác xử lý các tồn tại, yếu kém của nhiều dự án, doanh nghiệp đã có những tiến triển quan trọng và đạt nhiều kết quả tích cực.

Với mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, Ủy ban đã tăng cường kiểm tra, giám sát về tài chính doanh nghiệp, đốc thúc doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư lớn, quan trọng, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước; chủ động đề xuất và phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã tồn tại từ nhiều năm để thúc đẩy tiến độ nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp; tích cực tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật; chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty chủ động triển khai chiến lược Chuyển đổi số doanh nghiệp; 2 doanh nghiệp thuộc Ủy ban là VNPT và Mobifone đã tham gia tích cực vào triển khai thực hiện cChiến lược Chuyển đổi số quốc gia, thực hiện tốt vai trò dẫn dắt trong xây dựng hạ tầng số, phát triển kinh tế số đất nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm