Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

GRDP bình quân đầu người gấp 1,5 lần so với đầu nhiệm kỳ

Thứ ba, 10/11/2020 - 06:35

(Thanh tra) - 5 năm qua (giai đoạn 2016-2020), tốc độ tăng GRDP bình quân ước đạt 6,64%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt trên 42 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015.

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt khoảng 13.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015. Ảnh: Bùi Bình

Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá

Tốc độ tăng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 6,64%/năm, cao hơn giai đoạn trước (5,71%/năm). GRDP bình quân đầu người năm 2020 dự ước đạt trên 42 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; dự ước năm 2020, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,13% (giảm 4,48% so với năm 2015); công nghiệp - xây dựng chiếm 26,88% (tăng 1,43%); dịch vụ chiếm 47,21% (tăng 3,09%), thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,78%.

Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân giai đoạn đạt trên 4,5%/năm, cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành lâm nghiệp và thủy sản.

Hình thành, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao sản có quy mô lớn gắn với từng bước hình thành thị trường tiêu thụ ổn định cho 10 sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, gồm: Vùng quế gần 78.000ha (tăng 30.000ha so với năm 2015); măng tre Bát Độ trên 6.600ha (tăng 2.800ha so với năm 2015); sơn tra gần 10.000ha; lúa đặc sản chất lượng cao 3.000ha (tăng 500ha so với năm 2015); ngô tập trung 15.000ha; vùng trồng dâu, nuôi tằm gần 1.000ha; vùng cây ăn quả gần 10.000ha (trong đó cây ăn quả có múi 3.576ha, tăng gần 2.000ha so với năm 2015); chè trên 8.000ha (trong đó chè shan vùng cao trên 1.700ha, chè giống tiến bộ kỹ thuật 3.500ha); vùng gỗ nguyên liệu trên 220.000ha; đàn trâu, bò gần 130.000 con; vùng nuôi trồng thủy sản trên 2.600ha và trên 2.000 lồng cá.

Nhiều mô hình phát triển cây ăn quả đạt hiệu quả cao. Ảnh: Bùi Bình

Phát triển, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP; thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, hàng năm trồng trên 15.000ha rừng các loại, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 62% năm 2015 lên 63% năm 2020, xếp thứ 4 cả nước.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng trên phạm vi toàn tỉnh và đạt kết quả nổi bật, toàn diện, trở thành điểm sáng trong các tỉnh vùng Tây Bắc, đã có huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến hết năm 2020 có 76/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thu hút thêm được 123 dự án sản xuất công nghiệp, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 42.504 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt khoảng 13.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015; chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 8,6%/năm; cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch đúng hướng. Công nghiệp nông thôn phát triển nhanh, là điểm sáng trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, đã cấp chủ trương đầu tư cho 47 dự án trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, với tổng số vốn đăng ký 17.026 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước đạt 20.500 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2015, vượt 10% mục tiêu nghị quyết; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 6,07%/năm.

Lượng khách du lịch đến tỉnh năm 2019 đạt 727.000 lượt người (khách quốc tế 150.000 lượt người), gấp 1,6 lần so với năm 2015, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 480 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2015.

Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 62.500 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, vượt 3,3% mục tiêu nghị quyết. Thực hiện 78 dự án ODA và NGO với tổng mức đầu tư gần 2.100 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, nông nghiệp; thu hút được 11 dự án FDI, nâng số dự án FDI toàn tỉnh lên 27 dự án với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Đã huy động, đầu tư tổng nguồn vốn 12.317 tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trong đó: Nâng cấp, cải tạo 9,35km đường quốc lộ; nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới 138,5km đường tỉnh, trên 73km đường đô thị và trên 3.359km đường giao thông nông thôn. Đến hết năm 2019, đã kiên cố hóa đường đến trung tâm 148/157 xã, có thể đi lại thuận tiện được 4 mùa. Hệ thống hạ tầng điện, thủy lợi, nước sạch, thông tin và truyền thông tiếp tục được đầu tư, từng bước hoàn thiện, phục vụ nhu cầu sản xuất và nhu cầu sử dụng của người dân...

Năm 2020, khởi công dự án nhà máy sản xuất, chế biến đá vôi trắng Vũ Gia Yên Bái, với tổng mức đầu tư hơn 2.240 tỷ đồng. Ảnh: Bùi Bình

Ông Đoàn Hữu Phung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 5 năm qua, kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đạt được kết quả khả quan là do kế thừa, phát huy các thành tựu mang tính nền tảng của các giai đoạn trước và những yếu tố thuận lợi mới, nhất là tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Yên Bái luôn tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành, vừa phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo, vừa tăng cường kỷ luật, kỷ cương, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025

Giai đoạn 2020 - 2025, Yên Bái đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân trên 7,5%/năm trở lên, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt trên 65 triệu đồng. Đến năm 2025, có thêm 2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 78% số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới; trên 30% số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao; trên 10% số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng từ 9%/năm trở lên; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khoảng 30.000 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt từ 7.000 tỷ đồng trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 100.000 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 28%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 6,2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia) giảm bình quân trên 4%/năm...

Nhiệm kỳ tới, Yên Bái đặt mục tiêu quyết tâm trở thành tỉnh khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng vào năm 2030.

Bùi Bình

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm