Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đừng để kinh doanh tử tế lại thiệt thòi

Thứ sáu, 23/03/2018 - 06:25

(Thanh tra)- Thúc đẩy liêm chính phải bằng hành động, chính sách cụ thể, chứ không thể nói suông, nhất là “đừng để doanh nghiệp (DN) càng minh bạch càng thua thiệt”, “kinh doanh tử tế lại thiệt thòi”…

PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao (bên trái) và ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI (bên phải). Ảnh: TN

Không tin chống tham nhũng sẽ tốt cho kinh doanh

Nói về kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua, Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever khái quát, “đã làm được nhiều hơn những gì đã nói”.

“Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực, nhất là trong cải thiện môi trường kinh doanh, hạn chế hành vi “bôi trơn”, hối lộ; xây dựng liêm chính để DN không còn là nạn nhân mà thực sự là tác nhân chống tham nhũng, từ đó hỗ trợ DN hoạt động”, ông Giles Lever nhận định.

Dù vậy, tham nhũng vẫn là nguyên nhân kìm nén sự phát triển kinh tế của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Theo báo cáo chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới thường niên, Việt Nam đứng thứ 81 về đạo đức và tham nhũng; xếp thứ 109 về các khoản chi không chính thức và hối lộ trong tổng số 137 nước.

Khảo sát xây dựng Báo cáo đánh giá “thúc đẩy hành động liêm chính giữa DN và Chính phủ tại Việt Nam” cũng nhận thấy, “sự thờ ơ và hoài nghi về chống tham nhũng vẫn còn phổ biến và làm suy yếu những nỗ lực đang được thực hiện”.

Nhiều DN, nhất là các DN nhỏ và vừa không tin chống tham nhũng sẽ tốt hơn cho việc kinh doanh. Ngược lại, họ tin rằng, “nếu không hối lộ sẽ gây nhiều khó khăn, khó có thể tồn tại và bảo đảm hoạt động kinh doanh”.

Từ kinh nghiệm xét xử, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ, thành viên Hội đồng tư vấn các dự án Luật cho Chính phủ cho hay, DN vừa và nhỏ chịu sức ép tiêu cực vì bị đòi hối lộ hay còn gọi là phí bôi trơn, chi phí không chính thức. DN lớn, có tiềm lực thì lại chủ động bắt tay với quản lý Nhà nước để tiêu cực, để tạo lợi thế cạnh tranh, lợi thế kinh doanh của mình trước các DN khác, mà chúng ta gọi là nhóm lợi ích.

“Hiện nay, nhiều DN thiếu tin tưởng vào sự liêm chính trong kinh doanh. Rất nhiều người cho rằng, nếu liêm chính thì sẽ thất thế, thua thiệt so với người khác không liêm chính”, PGS.TS Trần Văn Độ lưu ý.

Thực tế, các DN phải đối mặt với mâu thuẫn giữa bảo đảm đạo đức kinh doanh và tạo ra lợi nhuận, nhất là họ lo ngại về rủi ro khi tố cáo tham nhũng và thiếu nguồn lực để giải quyết các yêu cầu hối lộ.

Qua phỏng vấn một số DN đa quốc gia, không nhiều DN ký hợp đồng trực tiếp với DN Việt Nam mà thường thông qua các DN trung gian từ các quốc gia khác có hoạt động tại Việt Nam cho thấy sự lo ngại của các DN đa quốc gia đối với các rủi ro hối lộ cao ở Việt Nam.

Hành động, không nói suông

Vậy cách thức nào để chống tham nhũng hiệu quả? Làm thế nào để thúc đẩy liêm chính trong DN?. Theo ông Độ, phải tạo được lòng tin liêm chính cho DN bằng chính sách cụ thể để xử lý các vấn đề hiện nay.

“Chúng ta chỉ nói suông đề nghị các anh, các bạn phải liêm chính, không được đưa hối lộ, phải thế này, phải thế kia mà thực tế làm ngược lại thì mãi mãi vẫn thế thôi. Chúng ta giáo dục phải bằng hành động, bằng hành vi quản lý Nhà nước, bằng hành vi xử lý của cơ quan bảo vệ pháp luật và bằng chính sách cụ thể”, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao nói.

Đi cùng với việc sửa đổi chính sách, quy trình, tránh tình trạng “càng minh bạch càng thua thiệt”, “kinh doanh tử tế lại thiệt thòi”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, DN không thể ngồi chờ bộ máy tốt hơn.

“Trong quá trình này, DN phải rất chủ động tham gia xây dựng chính sách tốt, kiến nghị những giải pháp. Thực tế, khi xây dựng soạn thảo các văn bản pháp luật, đôi khi chỉ cần bỏ 1 từ thôi, thay đổi một vài câu chữ sẽ giảm gánh nặng cho DN, thậm chí giảm những khoản mờ, sự hành về thủ tục rất nhiều”, ông Tuấn lưu ý.

DN cũng cần tham gia giám sát đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật; tăng cường đối thoại thẳng thắn với các cơ quan Nhà nước; thay đổi văn hóa kinh doanh, quan tâm đến vấn đề quản trị DN…

Ông Đậu Anh Tuấn còn nhắc đến vai trò rất quan trọng của các hiệp hội DN. “Chắc chắn từng DN một nói về vấn đề thuế, thanh tra, kiểm tra… ở VN có thể anh thắng được 1 lần, có thể anh bảo vệ được quyền lợi trong 1 vụ việc nhưng lâu dài về sau thì rất rủi ro, nên hiệp hội DN cần mạnh lên để đứng ra tham gia vào các vấn đề chính sách cũng là giải pháp rất là lớn”, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh.

Khuyến nghị hướng tới sáng kiến liêm chính, báo cáo cũng đưa ra nhiều giải pháp như tăng cường hợp tác giữa Chính phủ và DN; hoàn thiện các quy định pháp luật để cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tăng cường liêm chính; hỗ trợ DN xây dựng và hoàn thiện hệ thống tuân thủ, kiểm soát rủi ro/chống hối hộ.

“Cũng cần tăng cường giáo dục về kinh doanh liêm chính cho thế hệ trẻ - đội ngũ kế cận của các doanh nhân và nhà quản lý, nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho một môi trường kinh doanh lành mạnh trong tương lai”, bà Nguyễn Thị Kim Liên, chuyên gia về liêm chính DN cấp cao nhấn mạnh thêm.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm