Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý gas

Thứ năm, 05/07/2012 - 18:42

(Thanh tra)- Cùng với xăng dầu, dường như liên Bộ Công thương - Tài chính vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong quản lý mặt hàng gas vốn đang “gây sóng”dư luận.

PV Gas độc quyền?

Lâu nay, người tiêu dùng thấy bất bình bởi giá luôn tăng, giảm đồng loạt, dù nguồn cung cấp gas cho các doanh nghiệp (DN) không giống nhau, kho bãi, quãng đường vận chuyển cũng khác…

Gần đây nhất, giá gas bán lẻ trên thị trường tăng từ 11.000 - 13.000 đồng/bình 12kg.  Lý do các doanh nghiệp (DN) đưa ra là vì thuế nhập khẩu tăng 5% thay vì 0% trước đó.

Đáng nói, Công ty Cổ phần Năng lượng Đại Việt (Vinagas) không nhập khẩu gas, nhưng vẫn tăng giá bán lẻ lên 12.000 đồng/bình 12kg. Lý giải về việc này, ông Lê Phúc Đại, Tổng Giám đốc Vinagas cho biết, DN không nhập khẩu mà lấy nguồn từ Tổng Công ty khí Việt Nam (PV Gas). Có điều, giá bán của PV Gas đã bao gồm thuế nhập khẩu. “Đại diện PV Gas giải thích rằng, cộng thuế nhập khẩu vào để dễ so sánh giá trong nước và giá nhập khẩu. Tuy nhiên, khi hạch toán thì PV Gas lại không đóng thuế”, ông Phúc Đại giải thích.

Hiện, PV Gas chiếm tới 80% thị phần phân phối. Không chỉ lấy nguồn từ Nhà máy Dinh Cố và Dung Quất, PV Gas còn nhập khẩu với số lượng rất lớn. Với thị phần lớn như vậy, ông Phúc Đại cho hay, hầu hết các DN đều phụ thuộc vào PV Gas thông qua đấu thầu. Ngoài giá CP (giá thế giới) quy định trung bình khoảng 722 USD/tấn, các DN sẽ đấu thầu giá premium (gồm cước vận chuyển, bảo hiểm…) với giá bình quân khoảng 90 USD/tấn…

Việc đấu giá gas sản xuất trong nước đang cho thấy sự bất hợp lý. Thực chất, chỉ có 150.000 tấn gas (50% sản lượng của Dung Quất) và 200.000 tấn (70% sản lượng của Dinh Cố) được đem đấu giá, phần còn lại được ưu tiên phân phối cho các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với lý do để các DN xây dựng hệ thống phân phối, bán lẻ…

Liệu các công ty con của PVN sau khi được ưu tiên nguồn hàng này có thật sự phát triển hệ thống bán lẻ hay lại đi bán sỉ để hưởng chênh lệch?

Ngoài ra, với lượng gas lớn vừa nhập vừa lấy từ trong nước, PV Gas hoàn toàn có khả năng điều phối thị trường ở những thời điểm giá thế giới tăng. Do đó, không hẳn cứ giá thế giới tăng là giá trong nước phải lập tức tăng theo.

Chưa kể, nhiều khi các DN gas đồng loạt giảm giá nhằm giành giật thị trường, như đợt giảm giá 3.000 đồng/kg vừa qua.

Ông Đỗ Trung Thành, Phó phòng Kinh doanh Saigon Petro cho biết, DN vừa tăng giá bán lẻ thêm 11.000 đồng/bình 12kg ngay sau khi có quyết định tăng thuế nhập khẩu.

Ông Thành tiết lộ, chỉ có 5 DN lớn được đăng ký giá trực tiếp với Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính như: Saigon Petro, Petrolimex… Còn lại, các DN chỉ đăng ký với Sở Tài chính kèm theo giải trình. “Việc quản lý giá như vậy không tránh khỏi “tiền trảm hậu tấu”. Một số DN đã lợi dụng tăng giá bán lẻ trước, sau đó mới đăng ký. Ngoài ra, gas cũng có thương hiệu nên khó tránh khỏi việc lợi dụng điều này để bán giá cao hơn các loại gas thông thường”, ông Thành nói.

Trách nhiệm từ đâu?

Ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, giá gas trong nước đôi lúc cao hơn giá thế giới là do tổ chức thị trường. Thị trường gas Việt Nam hiện có quá nhiều DN đầu mối đã dẫn đến khó kiểm soát, cạnh tranh không lành mạnh.

Theo Nghị định 107/2007, Bộ Công thương có trách nhiệm quản lý mạng lưới phân phối, lượng gas lưu thông thị trường trong nước… Tuy nhiên, một lãnh đạo của Bộ này khăng khăng: “Bộ chỉ quản lý hệ thống phân phối. Ví như DN này om hàng, không bán thì quản lý thị trường sẽ kiểm tra lượng tồn kho, từ đó quyết định phạt. Còn việc PV Gas có chi phối thị trường hay không, dẫn đến giá cả như thế nào là thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính…”.

Vị này cho biết thêm: “Nếu muốn giá gas minh bạch theo thị trường thì toàn bộ lượng gas sản xuất trong nước phải được đem đấu giá, chứ cứ độc quyền để trong ngành sang chiết với nhau 50% và chỉ đấu giá 50% là không được”.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương khẳng định: Dù PV Gas chiếm thị phần lớn, nhưng DN này mua gas của Nhà máy Dinh Cố với giá CP chứ không hề được mua rẻ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá phản bác: Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính về việc quản lý giá, nhưng tại Nghị định 107/2007 cũng quy định rất rõ ràng phải có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và các cơ quan khác, trong đó có Bộ Công thương để kiểm tra việc chấp hành về giá gas. Ngoài ra, Bộ Công thương còn có trách nhiệm quản lý mạng lưới gas, trong đó có thị phần của PV Gas…  “Giá bán gas của PV Gas bao gồm cả thuế nhập khẩu là theo quy định của Nghị định 107/2007. Còn việc PV Gas chiếm thị phần lớn như thế nào, mạng lưới phân phối ra sao thì thuộc trách nhiệm Bộ Công thương”, ông Thỏa nhấn mạnh.

Rõ ràng, cần thiết phải có những quy định mới để làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan nhằm hướng tới sự phát triển lành mạnh thị trường gas, tránh tình trạng “đùn đẩy trách nhiệm” trước dư luận.


Thành Ngô

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm