Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dự kiến sửa đổi, bổ sung 31 điều Luật Quản lý thuế

Thứ hai, 27/02/2012 - 22:46

(Thanh tra)- Luật Quản lý thuế (QLT) số 78/2006/QH11 ra đời được hơn 4 năm, được đánh giá là có vai trò quan trọng trong điều hành chính sách thuế, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật QLT, đã phát sinh nhiều bất cập, vướng mắc. Do vậy, Bộ Tài chính đã có đề xuất sửa đổi, bổ sung để đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiện đại hoá công tác QLT, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng với điều kiện thực tiễn Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Mới đây, Tổng cục Thuế đã thông báo dự kiến sửa đổi, bổ sung 31 điều liên quan đến 3 nhóm vấn đề gồm: Đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế; phục vụ mục tiêu cải cách - hiện đại hoá và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của QLT để phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan.

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật QLT lần này chính là việc thể chế hoá Nghị quyết số 25/NQ-CP và Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ vào lĩnh vực QLT.

Nghị quyết số 25/NQ-CP cho phép doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, hộ, cá nhân kinh doanh được giảm tần suất kê khai từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm đối với người nộp thuế quy mô vừa (bao gồm DN vừa và nhỏ, hộ, cá nhân kinh doanh) được kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) 3 tháng/lần, các DN lớn kê khai thuế GTGT 1 tháng/lần. Theo quy định của Luật QLT hiện hành, chỉ quy định kê khai theo tháng, theo năm hoặc theo từng lần phát sinh, chưa có quy định khai theo quý và nội dung này sẽ được sửa đổi.

Tương tự, về thời gian giải quyết thủ tục hoàn thuế, Nghị quyết số 25/NQ-CP yêu cầu rút ngắn thời hạn giải quyết đối với trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” từ 15 ngày làm việc xuống còn 6 ngày. Trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống còn 40 ngày. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế từ 5 ngày làm việc xuống còn 3 ngày.

Ngoài ra, điều chỉnh cơ chế giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo nguyên tắc quản lý rủi ro, tạo thuận lợi hoàn thuế nhanh theo kê khai của DN và thu hẹp diện phân loại hồ sơ “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” để tăng tính tự giác và trách nhiệm của DN.

Một số nội dung khác trong dự thảo Luật QLT (sửa đổi, bổ sung) lần này cũng được sửa đổi để phục vụ các nội dung, phục vụ mục tiêu cải cách - hiện đại hoá và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế, điển hình là việc bổ sung cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) trong chống chuyển giá.

Cụ thể, bổ sung nguyên tắc quản lý rủi ro trong công tác QLT làm cơ sở cho việc áp dụng thống nhất các kỹ thuật, nghiệp vụ QLT tiên tiến để thực hiện phân loại, phân khúc người nộp thuế theo các tiêu thức về chấp hành pháp luật. Từ đó có biện pháp ưu tiên trong thực hiện thủ tục hành chính thuế đối với người nộp thuế; giúp người nộp thuế chấp hành tốt hơn cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Dự thảo Luật QLT còn bổ sung quy định về cơ chế phân loại mã số, xác định trị giá, xác định xuất xứ hàng hóa trước khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu.

Tương tự, trong lĩnh vực hải quan, Công ước Kyoto khuyến nghị cơ quan hải quan phải có cơ chế phán quyết trước về thuế cho phép các DN xuất nhập khẩu được áp dụng cơ chế xác định trước về thủ tục xuất nhập khẩu (bao gồm áp mã phân loại hàng hoá (mã HS), giá tính thuế, xuất xứ hàng hoá) để bảo đảm sự thống nhất trong thương mại quốc tế. Cơ chế này tạo điều kiện cho cơ quan hải quan tăng hiệu quả quản lý; giảm tranh chấp giữa DN và cơ quan hải quan.

Ngoài ra, việc xử lý các vi phạm pháp luật về thuế sẽ được thắt chặt hơn trước như thu hẹp phạm vi áp dụng thời gian ân hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; gia hạn nộp thuế, bổ sung quy định nộp dần tiền thuế đối với trường hợp nộp thuế không có khả năng nộp đủ tiền thuế một lần; sửa đổi các nội dung về QLT (thời hạn khai, nộp thuế và công tác thanh tra thuế) để đồng bộ với một số luật khác như Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật Thanh tra...

Kim Anh (Nguồn: Tổng cục Thuế)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc vượt kế hoạch năm 2024, thu hút vốn đầu tư kỷ lục

Vĩnh Phúc vượt kế hoạch năm 2024, thu hút vốn đầu tư kỷ lục

(Thanh tra) - Với sự nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành và địa phương, đến tháng 11/2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận thành tích ấn tượng trong việc thu hút đầu tư cả FDI và DDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt con số kỷ lục, vượt gần 50% so với kế hoạch năm 2024.

Chính Bình

16:53 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm