Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Doanh nghiệp Hà Tĩnh hồi sinh sau lũ dữ

Thứ sáu, 28/01/2011 - 21:19

(Thanh tra)- Hai đợt lũ liên tiếp trong tháng 10/2010 đã làm cho nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Hà Tĩnh lao đao. Nhưng, với sự năng động, sáng tạo và nỗ lực không mệt mỏi, các DN đã gượng dậy, hồi sinh sau cơn lũ dữ, sản xuất kinh doanh khởi sắc trước thềm Xuân mới.

Công nhân Nhà máy Gạch Tuynel Sơn Bình đang khẩn trương phục hồi sản xuất sau lũ.

Doanh nghiệp lao đao vì lũ

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết: “Hai đợt lũ lụt vừa qua đã gây thiệt hại nặng cho nhiều DN sản xuất, kinh doanh. Hàng hoá, cơ sở hạ tầng của nhiều DN bị lũ cuốn trôi. Một số DN buộc phải ngừng sản xuất, kinh doanh, làm chậm tiến độ hợp đồng. Sau lũ, đường sá nhiều nơi bị phá hỏng, giá cả nguyên liệu, chi phí vận chuyển, nhân công tăng cao càng khiến DN khó khăn”.

Dù đã có phương án chuẩn bị chống lũ, nhưng do nước lên quá nhanh, Nhà máy Gạch Tuynel Sơn Bình, Hương Sơn, đã bị nước làm hỏng hàng chục vạn viên gạch mộc chưa nung, thiệt hại lên tới 1,6 tỷ đồng. Nhà máy Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh (đóng ở TP Hà Tĩnh) bị "ngâm" 6 ngày ròng rã, có điểm ngập sâu gần 1m. Trên 10 nghìn két bia bị ngâm trong lũ, 15 tấn men (nguyên liệu chính, nhập từ Úc), 170 nghìn lít thành phẩm đang bắt đầu quy trình lên men bị hư hỏng hoàn toàn. Chưa kể, 830 nghìn lít bán thành phẩm đang ở giai đoạn tồn trữ bị ảnh hưởng... 
  
Các DN ngành Xây dựng cũng bị lũ gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh
   
Sau lũ, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đồng bào cả nước, các DN Hà Tĩnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực khắc phục hậu quả, từng bước phát triển sản xuất - kinh doanh. 

Kỹ sư  Phạm Thành Trung khắc phục hệ thống máy móc cho Nhà máy Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh.

Ông Trần Quang Trung, Giám đốc Nhà máy Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh cho biết: “Ngay khi mới bị ngập nước, nhiều máy móc đã được anh em khẩn trương tháo đưa đi sấy để khắc phục. Tiếp đó, các kỹ sư của Nhà máy và Tổng Cty ra giúp đỡ khắc phục theo thứ tự ưu tiên như: Hệ thống chiết bia, hệ thống nấu, lò hơi, máy nén khí, máy thu hồi CO2... Sau khi nước rút, chúng tôi đã khẩn trương tập trung nước rút đến đâu, lau chùi, phục hồi, sửa chữa thiết bị đến đó, nhanh chóng tái khởi động dây chuyền sản xuất”. Đến nay, những mẻ bia của Nhà máy đã lại có mặt tại thị trường, phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết.
   
Sau khi khắc phục xong hậu quả lũ lụt, các DN ngành Xây dựng cũng đã khẩn trương tăng nhịp độ sản xuất bù đắp những thiệt hại do lũ. Nhờ đó, năm 2010, Cty Cổ phần Gạch ngói Cầu Họ (Cẩm Xuyên), Nhà máy Gạch Tuynel Tân Phú và Nhà máy Gạch Tuynel Phù Việt (Thạch Hà) đã sản xuất được trên 100 triệu viên gạch, doanh thu gần 70 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 5 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 2,5 triệu đồng/tháng. Các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động được DN đóng nộp đầy đủ, kịp thời.
   
Điều chúng tôi ghi nhận được là tinh thần, ý chí vượt khó, sự năng động, sáng tạo của các DN trong việc khắc phục hậu quả để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ông Phạm Hoành Sơn, Giám đốc DN Tư nhân Hoành Sơn cho biết: “Là DN kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, chúng tôi gặp nhiều rủi ro, nhất là do thiên tai. Sau lũ, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn quyết định giãn nợ, khoanh nợ đối với nhiều DN nhỏ; cho bà con nông dân mua nợ xi măng, vật liệu xây dựng, phân bón để giải quyết khó khăn trước mắt. Khi bà con làm ra tiền sẽ trả lại, DN không tính lãi”.
 
Còn theo ông Nguyễn Minh Tân, Giám đốc Nhà máy Gạch Tuynel Sơn Bình, để nhanh chóng phục hồi sản xuất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đơn vị đã có chế độ động viên cán bộ, công nhân làm tăng ca, huy động thêm nguồn lao động tại chỗ tăng cường sản xuất. Đến tháng 11, nhịp độ sản xuất đã trở lại bình thường. 
  
Có thể nói, sự hồi sinh của các DN đã góp phần làm cho Hà Tĩnh khắc phục nhanh hơn hậu quả của thiên tai. Hiện nay, trên khắp các ngả đường, những chuyến hàng của nhiều DN đang được chuyển đi để phục vụ cho bà con. Một mùa Xuân mới ấm áp lại đang về.

Việt Dũng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nam: Đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết

Hà Nam: Đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết

(Thanh tra) - Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết, các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có kế hoạch tăng lượng hàng nhập lên 10 - 20% (tùy từng mặt hàng) so với dịp Tết năm 2024.

CB

12:33 12/12/2024
SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm