Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cơ hội tái cơ cấu theo hướng hiệu quả hơn

Thứ năm, 05/05/2011 - 05:57

(Thanh tra)- Theo chỉ đạo của chính phủ, các tập đoàn, tổng Cty Nhà nước phải đi đầu quyết liệt rà soát, cắt giảm đầu tư công để đẩy mạnh việc kiềm chế lạm phát nhưng không để ảnh hưởng đến tăng trưởng của Doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh nội lực suy giảm, công nợ, thua lỗ nhiều, quản trị DN hạn chế thì đây là cơ hội để các DN Nhà nước tái cơ cấu và hoạt động theo hướng hiệu quả hơn.

Nội lực suy giảm đáng lo ngại
   
Đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế, các tập đoàn, tổng Cty Nhà nước được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ lớn của nhiều tập đoàn, tổng Cty Nhà nước đang ở mức báo động.

Ngoài Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) đang được tập trung tái cấu trúc hoạt động do thua lỗ lớn, hiện đang có nhiều tập đoàn, tổng Cty kêu lỗ đề nghị cho điều chỉnh giá bán sản phẩm để “chống” lỗ. Điển hình là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu năm nay xin tăng giá điện vì tiếp tục lỗ và giá bán điện đang thấp hơn nhiều so với thị trường. Từ ngày 1/3/2011, giá điện đã chính thức tăng 15,26%, nhưng EVN vẫn kêu còn lỗ lớn. Thực ra, không phải đến năm nay EVN mới kêu bị thua lỗ, trước đó, tổng kết năm 2010, EVN đã công khai lỗ hơn 8.000 tỷ đồng.

Nhiều tổng Cty, tập đoàn khác như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Cty Xăng dầu (Petrolimex)… cũng kêu lỗ nặng. Trong đó, riêng Petrolimex tính đến ngày 31/3/2011 lỗ đến 2.600 tỷ đồng từ việc bán xăng dầu… Ngoài ra, còn nhiều DN hoặc Cty con của các DN Nhà nước khác cũng đang rơi vào tình trạng thua lỗ. Theo số liệu Kiểm toán Nhà nước công bố cuối năm 2010, kết quả kiểm toán 183/242 DN hạch toán độc lập thuộc 20 tổng Cty Nhà nước cho thấy, 88% (161/183) DN có lãi. Bên cạnh đó, tình hình công nợ, nhất là nợ xấu, nợ đọng của các tập đoàn, tổng Cty Nhà nước cũng rất đáng lo ngại. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của 20 tổng Cty này bình quân là 1,8 lần, tại một số DN trực thuộc lên tới hơn 10 lần, thậm chí 30 lần. Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2008, tổng nguồn vốn của 20 tổng Cty gần 137.500 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả hơn 86.000 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ có 48.000 tỷ đồng.

Quí I/2011, nhiều tập đoàn, tổng Cty Nhà nước càng khó khăn hơn. Đặc biệt là EVN, riêng về mua điện, than của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) và TKV, hiện còn nợ tới 6.600 tỷ đồng. Trong khi đó, Tập đoàn FPT quyết định rút lại kế hoạch đầu tư mua lại 60% cổ phần của EVN Telecom khiến EVN hết hy vọng số vốn này của FPT sẽ cứu nguy cho lĩnh vực viễn thông vốn đang lỗ nặng, càng đẩy EVN vào thế bí tắc…
     
Tình trạng thua lỗ, nợ nần ngày một gia tăng của các tập đoàn, tổng Cty Nhà nước có nguyên nhân là đầu tư lớn, nhưng tràn lan, đầu tư ra ngoài nhiệm vụ chính, trong khi năng lực quản trị kém khiến hiệu quả đầu tư, kinh doanh thấp.

Cắt giảm đầu tư công là cơ hội tái cơ cấu đầu tư
    
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Cao Viết Sinh, việc thắt chặt đầu tư, không cho chuyển nguồn vốn từ năm trước sang năm sau và không cho ứng trước năm sau vào năm trước đòi hỏi các nhà đầu tư, chủ đầu tư phải sắp xếp, cơ cấu lại dự án (D.A). Đây là cơ hội để các tập đoàn, tổng Cty Nhà nước tái cơ cấu đầu tư, những D.A không hiệu quả, dàn trải dứt khoát phải cắt giảm. Đây cũng là một chủ trương của Chính phủ trong tái cơ cấu kinh tế.
     
Xây dựng và giao thông chiếm lượng đầu tư lớn nhất, nhưng lượng vốn cắt giảm không nhiều bởi lâu nay DN ở 2 ngành này luôn trong tình trạng thiếu vốn. Ở ngành Giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết, lượng vốn cắt giảm chủ yếu ở các D.A sử dụng trái phiếu Chính phủ. Cụ thể sẽ cắt giảm 50% vốn của các D.A trái phiếu Chính phủ cho ngành Giao thông từ 20.000 - 25.000 tỷ đồng xuống còn 11.000 tỷ đồng. Số vốn này sẽ được ưu tiên cho các D.A có thể hoàn thành trong năm nay để phát huy ngay tác dụng về kinh tế - xã hội. Các D.A đang ở khâu chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư và khởi công mới sẽ ngưng hoàn toàn. Riêng ngành Xây dựng hiện vẫn còn đang rà soát và chưa có DN nào công bố con số cắt giảm.
     
Đối với các tập đoàn, tổng Cty Nhà nước, mức cắt giảm lớn nhất được công bố tính đến nay là EVN. Trong đó, kế hoạch đình hoãn, giãn tiến độ gần 300 công trình và hạng mục với tổng số vốn 12.572 tỷ đồng. Bên cạnh đó, EVN cũng thực hiện thoái vốn ở các Cty cổ phần với tổng số tiền 414 tỷ đồng; giảm cấp vốn cho đầu tư xây dựng hơn 11.500 tỷ đồng. PVN công bố con số đình hoãn, giãn tiến độ đầu tư đến thời điểm này là 64 D.A với tổng giá trị 6.600 tỷ đồng, giảm khoảng 5% so với kế hoạch đầu tư năm 2011. Đó là những D.A chưa cấp thiết hoặc chưa thu xếp được vốn đầu tư do lãi suất vay vốn tăng cao so với dự kiến. Petrolimex cũng tạm dừng một số D.A đầu tư mới, dừng nâng cấp trụ sở để ưu tiên vốn cho các D.A phục vụ sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm cung cấp đủ nguồn xăng dầu theo hạn ngạch được cấp (8 triệu tấn m3 sản phẩm) cho nền kinh tế…
    
Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, đến nay vẫn chưa có số liệu tổng hợp đầy đủ, nhưng qua công bố ở một số DN Nhà nước lớn, chắc chắn sẽ vượt qua con số cắt giảm 37.000 tỷ đồng hồi năm 2008. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao, nếu các tập đoàn, tổng Cty Nhà nước không mạnh tay cắt giảm đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, không những khó khăn cho Nhà nước mà bản thân các DN cũng bỏ qua cơ hội tái cơ cấu hoạt động của mình để có hiệu quả hơn. Bởi nếu cắt giảm đầu tư công chỉ làm qua quýt, đối phó sẽ khó kéo giảm được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Và tình hình bất cập cũ vẫn tái diễn, các DN dù có tăng trưởng cao, nhưng hiệu quả vẫn thấp và nhiều bất ổn “nội lực” khó lường.

Quân Miện

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nam: Đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết

Hà Nam: Đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết

(Thanh tra) - Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết, các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có kế hoạch tăng lượng hàng nhập lên 10 - 20% (tùy từng mặt hàng) so với dịp Tết năm 2024.

CB

12:33 12/12/2024
SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm