Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 6,8%

Phương Hiếu

Thứ năm, 06/06/2024 - 20:32

(Thanh tra) - Báo cáo nhanh về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 5 năm 2024 cho thấy, tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, trong 5 tháng đầu năm 2024 cả 3 lĩnh vực chính của ngành Công Thương (gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước) đạt được kết quả rất khả quan, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế.

5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: TT

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,0%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%), đóng góp 6,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,2%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,9%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 5,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,4%), làm giảm 0,8 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng trên diện rộng với 55 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 8 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá như Phú Thọ, Bắc Giang, Bình Phước, Hà Nam, Hải Phòng, Khánh Hòa, Trà Vinh, Thanh Hóa, Hải Dương, Hải Phòng…

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm như Hà Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Cà Mau, Sơn La, Hòa Bình, Lâm Đồng, Gia Lai …

Theo báo cáo nhanh của lực lượng quản lý thị trường cả nước, từ ngày 15/4/2023 đến 14/5/2024, đã kiểm tra 7.352 vụ, phát hiện, xử lý 4934 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách trên 57 tỷ đồng.  

Chỉ số sản xuất của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 24,0%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 20,1%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,6%; sản xuất kim loại tăng 13,2%; ngành dệt và ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí cùng tăng 12,7%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước như thép thanh, thép góc, vải dệt từ sợi tự nhiên, đồng hồ thông minh, thép cán, phân u rê, phân hỗn hợp N.P.K…

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/5/2024 tăng 1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,2% so với cùng thời điểm năm trước tiếp tục cho thấy những tín hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất công nghiệp.

Về tình hình cung ứng điện, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia tháng 5 (tính đến ngày 30/5) tăng trưởng 11,72% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 30/5), tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia tăng trưởng 12,27% so với cùng năm 2023. Trong ngày 29/5/2024, do nhu cầu phụ tải tăng cao, sản lượng hệ thống điện ngày ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu năm (1,008 tỷ kWh), cao hơn 9,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Để đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN rà soát, cập nhật các yếu tố đầu vào như tốc độ tăng trưởng phụ tải điện, thời tiết (nhiệt độ, thủy văn), tiến độ nguồn - lưới điện, khả năng cung ứng nhiên liệu (than, khí, dầu), sự tăng trưởng mạnh của các nhóm ngành công nghiệp kết hợp với nhu cầu sử dụng điện tăng cao khi nền nhiệt độ tăng.

Về xuất nhập khẩu hàng hóa, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong 5 tháng đầu năm tiếp tục khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Trong tháng 5, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,2%; nhập khẩu tăng 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,01 tỷ USD…

Dự báo nguồn cung xăng dầu quý II năm 2024

Tổng nguồn cung xăng dầu từ hai nguồn sản xuất và nhập khẩu quý II năm 2024 ước khoảng 7,1 triệu tấn, tương đương khoảng 8,875 triệu m3/tấn xăng dầu các loại (trong đó: Petrolimex và PVOIL ước khoảng 4,035 triệu m3/tấn).

Theo báo cáo từ các thương nhân, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước ước thực hiện quý II năm 2024 khoảng 6,35 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.

Ước tiêu thụ quý II năm 2024 khoảng 6,3 triệu m3/tấn (bình quân khoảng 2,1 triệu m3/tấn/tháng). Tồn kho xăng dầu khoảng 1,7-1,8 triệu m3/tấn. 

Có được kết quả trên theo đánh giá của Bộ Công Thương là do hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm.

Bên cạnh đó là kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI giúp tăng năng lực sản xuất trong nước; sự phục hồi của thị trường thế giới, dần chuyển sang trạng thái mới, thích ứng với những biến động lớn các năm 2022, 2023; số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng.

Ngoài ra, các kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại về kinh tế, đặc biệt với các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Trung Quốc... đã giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước, được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (tín hiệu mới tích cực khi doanh nghiệp trong nước tăng trưởng xuất khẩu gần gấp 2 lần doanh nghiệp FDI) và niềm tin được củng cố nhờ môi trường kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và xu hướng phục hồi của thị trường thế giới.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm