(Thanh tra) - Đưa ra cái nhìn toàn diện về các loại tranh chấp thương mại, và kinh nghiệm giải quyết tranh chấp thương mại trong khủng hoảng kinh tế là chủ đề của hội thảo “Những cảnh báo về các tranh chấp thương mại trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế”.
Hội thảo do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức ngày 28/6 đã đem đến cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, luật sư, trọng tài viên và những nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách một bức tranh tổng thể về thực trạng tranh chấp thương mại hiện nay.
Theo nhận định, nguyên nhân dẫn đến các tranh chấp về hợp đồng, tranh chấp trong nội bộ của doanh nghiệp có nguyên nhân bắt nguồn từ tình hình kinh tế khó khăn kéo theo tình trạng không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch thương mại.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, bối cảnh khó khăn của nền kinh tế đã làm phát sinh các nguy cơ tranh chấp thương mại. Trong lĩnh vực đầu tư FDI, từ năm 2007 đến nay, tổng vốn đăng ký của các nhà đầu tư FDI chưa được giải ngân khoảng 100 tỷ USD, điều này đã dẫn tới tình trạng một số dự án bị hủy bỏ, đình hoãn, rút giấy phép... do đó diện tích đất năm trong quy hoạch rơi vào tình trạng quy hoạch “treo”. Vì vậy, nó gây ra nguy cơ tranh chấp giữa chính quyền địa phương với nhà đầu tư FDI; giữa chính quyền địa phương, nhà đầu tư FDI với người nông dân bị thu hồi đất.
Mặt khác, tranh chấp thương mại giữa chủ doanh nghiệp FDI với người lao động, chủ nợ và các bên liên quan cũng có dấu hiệu gia tăng do tình trạng một số doanh nghiệp FDI phá sản, đóng cửa; chủ sở hữu và người quản lý bỏ về nước. Trong lĩnh vực xuất khẩu, việc buôn bán với các đối tác nước ngoài thiếu minh bạch cũng ẩn chứa nhiều rủi ro dẫn đến tranh chấp thương mại quốc tế.
Theo khuyến cáo của VIAC, các doanh nghiệp có thể giải quyết các tranh chấp này tùy thuộc vào những yếu tố như: Lợi ích kinh tế mà các bên đạt được, khả năng giải quyết tranh chấp chính xác, khách quan, khả năng thi hành kết quả giải quyết tranh chấp và khả năng giữ uy tín kinh doanh, bí mật kinh doanh, khả năng duy trì quan hệ hợp tác giữa các bên…
Trong các phương thức thương lượng, trung gian hòa giải, trọng tài hoặc tòa án, theo riến sỹ Phan Chí Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết được ưa chuộng nhất trên thế giới với những ưu điểm riêng có của nó.
Còn theo luật sư Châu Huy Quang, trọng tài viên của VIAC, để ngăn ngừa các tranh chấp thương mại trong thực hiện hợp đồng kinh tế, các doanh nghiệp cần điều tra cẩn trọng các thông tin về đối tác, tình hình tài chính của đối tác, tính pháp lý và tiền sử giao dịch, cần xây dựng chế tài và các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng như bảo lãnh, đặt cọc, ký cược, thế chấp...; đánh giá và loại bỏ các căn cứ mà đối tác có thể thoái thác nghĩa vụ hợp đồng...
H.Y