Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần một diễn đàn thật sự về thông tin kinh tế

Thứ hai, 20/06/2011 - 10:16

(Thanh tra) - Chúng tôi không có đủ tài liệu nói riêng về báo chí kinh tế Việt Nam. Nhưng sau 1986, chúng ta chính thức mở ra kỷ nguyên kinh tế thị trường thì báo chí kinh tế Việt Nam bắt đầu viết theo những chuẩn mực mới.

Hai mặt của một đồng xu

Một cuộc họp báo hạn chế với vài phóng viên được xem là “phóng viên kinh tế”. Tại sao hạn chế? Có lẽ những người tổ chức cuộc họp báo không muốn nghe nhiều câu hỏi từ nhà báo mà chỉ muốn cung cấp thông tin “giải độc” liên quan đến một vụ án kinh tế nghiêm trọng của một ngân hàng và một công ty tư nhân. Thời gian đã phủ một lớp bụi lên sự kiện này, nhưng sẽ là một bài học cho những người yêu thích viết về kinh tế: Hầu hết các phóng viên dự cuộc họp vào năm 2002 này đã bị phê bình hoặc bị kỷ luật, có người đã “giã từ vũ khí”, không viết về kinh tế nữa. 

Tất nhiên, tiêu cực trong giới nhà báo kinh tế ở đâu cũng có. Vào những năm 20 của thế kỷ trước, nhiều phóng viên của Wall Street Journal đã nhận tiền hối lộ của các nhà đầu tư để viết có lợi cho các cổ phiếu nào đó. Vụ bê bối của nhà báo chứng khoán bị phanh phui tại cuộc điều trần của Quốc hội Mỹ vào năm 1932. 

Tuy vậy, đó cũng chỉ là một mặt của đồng xu. Lịch sử báo chí thế giới và báo chí Việt Nam không thể nào viết đủ về các nhà báo chống những tiêu cực liên quan đến kinh tế, trong đó chống tham nhũng luôn đứng hàng đầu. Cách đây mấy năm vụ nhà báo Lan Anh (báo Tuổi Trẻ) viết về tiêu cực trong mua bán thuốc tây cũng là một ví dụ. 

Từ năm 1902, tờ McClure của Mỹ đã đăng loạt bài chống tham nhũng trong chính quyền Mỹ với tựa “ Nỗi ô nhục của các thành phố”, khiến tờ này phải đóng cửa vì bị bao vây tài chính sau 19 số báo.

Báo kinh tế không phải PR

Viết báo kinh tế không phải là viết PR. Vào năm 1914, gia đình tỉ phú  Rocketfeller đã thuê nhà báo Ivy Lee làm các chiến dịch “PR”, thay đổi công luận về những người bị chết trong các cuộc biểu tình của công nhân khai thác mỏ ở Colorado. Như vậy, ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, báo chí đã bị lôi cuốn vào các chiến dịch PR của các công ty, với mong muốn làm thay đổi công luận theo hướng có lợi cho các công ty.

Thật ra sức lan tỏa của báo chí kinh tế mạnh và rộng hơn thực chất của nền kinh tế. Ví dụ: Tăng trưởng GDP Việt Nam là 6,5%, thì đối với báo chí kinh tế nó không đơn thuần là tỉ lệ so sánh giữa năm sau và năm trước… Sức lan tỏa này sẽ tác động trở lại qua các “tầng lọc”: nghiên cứu và chính sách, để rồi tăng thêm giá trị cho nền kinh tế như sự minh bạch và bền vững.

Thiếu một nhật báo kinh tế… đủ mạnh

Trong hạn chế của bài này, chúng tôi chỉ muốn khẳng định báo chí kinh tế đã có một lịch sử lâu dài, gắn chặt với phát triển của nền kinh tế thị trường. Năm 1568 gia đình Fugger xuất bản một bản tin thông báo cho khách hàng về các tin tức có thể tác động vào các nền kinh tế Âu châu. Các bản tin này được xem là tờ báo kinh tế đầu tiên trong lịch sử báo chí kinh tế phương Tây.

Chúng tôi không có đủ tài liệu nói riêng về báo chí kinh tế Việt Nam. Nhưng sau 1986, chúng ta chính thức mở ra kỷ nguyên kinh tế thị trường thì báo chí kinh tế Việt Nam bắt đầu viết theo những chuẩn mực mới. Ví dụ chúng ta đã không viết “lấy được” theo kiểu: Xuất khẩu… triệu đôla - rúp (một đơn vị tiền tệ làm các nhà báo kinh tế thế giới từng điên đầu). Hay dùng các từ ngữ ác cảm với giới thương mại tư. 

Từ năm 1991, tại trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, tờ Thời Báo Kinh tế Sài gòn ra đời, được xem như tuần báo kinh tế đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh, sau khi đất nước thống nhất năm 1975. 

Xét về báo chí kinh tế, chúng ta rất lạc hậu so với thế giới. Những năm 1700 cả báo chí Anh và báo chí các thuộc địa Mỹ bắt đầu đăng thông tin về “tàu đến tàu đi”, với lịch cảng đến, cảng đi và hàng hóa. Mãi đến năm 1991 (gần 3 thế kỷ sau), Thời Báo Kinh tế Sài gòn mới mở mục “tàu đến, tàu đi” đăng các loại hàng hóa xuất - nhập qua cảng. Nguồn chính thức lấy từ các báo cáo của Hải quan. Mục này là một trong những mục ưa thích của bạn đọc tờ báo, nhưng cũng gặp nhiều rào cản vì tâm lí “cái gì dính đến số liệu đều bí mật.” Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã ngưng cung cấp số liệu này một thời gian, sau đó phải nhờ đến sự can thiệp của UBND TP, nguồn thẩm quyền (Cơ quan Hải quan) mới tiếp tục cung cấp thông tin hữu ích này.

Sau đó nhiều tờ tuần báo kinh tế nối tiếp xuất hiện như: Thời Báo Kinh tế Việt Nam, Đầu tư, Nhịp cầu đầu tư, Doanh nhân Sài Gòn… Tuy nhiên, điều đáng tiếc là chúng ta vẫn chưa có một nhật báo kinh tế đủ mạnh để phản ánh chuyển động kinh tế hàng ngày của một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Các chuyên trang kinh tế hay chứng khoán của các nhật báo thời sự không đủ tập trung cho lĩnh vực vừa đòi hỏi chuyên môn, vừa phải đáp ứng tính hấp dẫn này. 

Nói tóm lại chúng ta cần một diễn đàn thật sự (hay một nguồn đáng tin cậy nói theo thuật ngữ báo chí) về thông tin kinh tế, ở đó trước hết mọi khái niệm về kinh tế phải minh bạch thì mới mong thực tiễn minh bạch được. 

Báo kinh tế không phải báo PR như nhiều người nghĩ. Theo chúng tôi biết, vài nhật báo đã “bán trang” theo nghĩa đen, để làm PR (thường gọi là “thông tin kinh tế”), là một “hạ chuẩn” về nghề nghiệp.

 TS. Trần Ngọc Châu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm