Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

56% doanh nghiệp nhận thấy cơ hội từ thiên tai và biến đổi khí hậu

Thái Hải

Thứ tư, 16/09/2020 - 22:30

(Thanh tra)- Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo công bố báo cáo “Thích ứng để thành công - Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Quỹ Châu Á tại Việt Nam, tổ chức ngày 16/9.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: TH

Biến đổi khí hậu tác động mạnh tới doanh nghiệp

Báo cáo chỉ ra, hầu hết các doanh nghiệp đều nhận thấy những hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra thường xuyên hơn. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là những ngành có hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với thay đổi thời tiết hơn cả và cũng bày tỏ sự quan tâm nhiều nhất. Những hiện tượng đáng lo ngại nhất bao gồm: Nắng nóng kéo dài, mưa lớn kèm theo bão/áp thấp nhiệt đới và ngập lụt ở những nơi trước đây hiếm khi xảy ra.

54% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, đã bị gián đoạn sản xuất kinh doanh do thiên tai; 51% số doanh nghiệp cũng bị giảm năng suất lao động, do thời tiết khắc nghiệt và suy giảm doanh thu.

Rủi ro từ thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH) còn làm gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất kinh doanh, đình trệ mạng lưới phân phối, thiệt hại cơ sở vật chất và thiếu nhân lực. 33% doanh nghiệp từng gặp khó khăn do vùng nguyên liệu sản xuất bị thiệt hại.

Bên cạnh rủi ro, 56% doanh nghiệp đã nhận thấy cơ hội từ thiên tai và BĐKH. Trong đó, khoảng 30% nhận định đã đến lúc tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất; 17% cho rằng đây là cơ hội để tạo ra sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới, đồng thời, phát triển thêm thị trường cho sản phẩm đang có. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Các doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng đầu tư để cải thiện mức độ tuân thủ về môi trường

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI, đối mặt với những tác động, thiệt hại gây ra bởi các hiện tượng của rủi ro thiên tai và BĐKH, theo điều tra năm 2019, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động như điều chỉnh giờ làm việc do thời tiết khắc nghiệt, đào tạo cán bộ, nhân viên về ứng phó với rủi ro thiên tai và BĐKH, tham gia ứng cứu, khắc phục sau thiên tai…

Các doanh nghiệp cũng đã sử dùng một số sản phẩm bảo hiểm như bảo hiểm cơ sở vật chất, máy móc và hàng hoá, bảo hiểm gián đoạn sản xuất kinh doanh và các bảo hiểm khác.

Kết quả điều tra cho thấy, trong số 10.356 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 44,5% doanh nghiệp sử dụng một loại sản phẩm bảo hiểm nhất định để phòng ngừa rủi ro và giảm thiểu thiệt hại BĐKH.

Phát hiện quan trọng từ điều tra cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng đầu tư để cải thiện mức độ tuân thủ về môi trường. Trung bình các doanh nghiệp sẵn sàng chi trả lên tới 7,32% chi phí hoạt động cho việc thân thiện với môi trường.

Báo cáo cho thấy, để thúc đẩy doanh nghiệp gia tăng đầu tư thân thiện hơn với môi trường, chính quyền nắm vai trò rất quan trọng để tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và nâng cao chất lượng lao động tại các địa phương, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Đồng thời, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tận dụng các cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong bối cảnh hội nhập thế giới hiện nay.

Theo đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 dần có thể được kiểm soát nhưng những tác động về BĐKH sẽ vẫn diễn ra lâu dài, mang đến những rủi ro lớn đối với doanh nghiệp. Bởi vậy, lần đầu tiên, Quỹ Châu Á phối hợp với VCCI xây dựng báo cáo mong muốn mang đến bức tranh tổng thể về vấn đề này, giúp doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý có cơ sở giải quyết các thách thức do BĐKH.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm