Bà Lê Thị Hồng được mẹ là bà Nguyễn Thị Cót ủy quyền khiếu nại (theo giấy ủy quyền ngày 20/6/2023).
Theo đơn khiếu nại, gia đình bà Nguyễn Thị Cót có thửa đất thổ cư, được cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) năm 2010.
Năm 2022, thực hiện Dự án Khu đô thị Đông Hải, thành phố Thanh Hóa, gia đình bị thu hồi 86,9m2 đất, nhưng chỉ được bồi thường là đất trồng cây lâu năm cùng thửa đất ở; bà Lê Thị Hồng không đồng ý và khiếu nại được bồi thường toàn bộ diện tích thu hồi 86.9m2 là đất ở (nội dung khiếu nại trong quá trình giải quyết lần đầu).
Tuy nhiên, tại biên bản làm việc đối thoại ngày 25/10/2023 với đoàn xác minh Sở Tài nguyên và Môi trường, bà Lê Thị Hồng khiếu nại và đề nghị được bồi thường diện tích 65,5m2 là đất ở trong tổng diện tích bị thu hồi.
Nội dung khiếu nại của bà Lê Thị Hồng đã được Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa giải quyết (lần đầu) tại Quyết định số 8522/QĐ-UBND ngày 20/9/2023, trong đó có các nội dung: Thửa đất bà Lê Thị Hồng khiếu nại có nguồn gốc là đất thổ cư sử dụng trước năm 1980, được cấp GCN QSDĐ năm 2010; diện tích thực tế tại thời điểm thu hồi là 635,1m2 đất, tăng 165,24m2 đất so với GCN QSDĐ, được UBND phường Đông Hải xác định nguyên nhân tăng là do sai số khi đo đạc tại thời điểm cấp GCN QSDĐ.
Diện tích thu hồi năm 2022 là 86,9m2đất, trong đó xác định 65,5m2 đất nằm trong GCN QSDĐ và 21,4m2 đất nằm ngoài GCN. Phần diện tích đất thu hồi không có công trình nhà ở, vị trí thuộc phía sau khu đất, thời điểm kiểm kê đang sử dụng vào mục đích trồng cây. Do đó, UBND thành phố Thanh Hóa bồi thường, hỗ trợ là đúng quy định tại Khoản 6, Điều 103, Luật Đất đai năm 2013.
Việc bà Lê Thị Hồng khiếu nại và đề nghị bồi thường 86,9m2 đất ở là không có cơ sở.
Không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa, bà Lê Thị Hồng tiếp tục có đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh.
Kết quả xác minh, cho thấy, thứ nhất, thửa đất của hộ ông Lê Bá Điều, bà Nguyễn Thị Cót đã được Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa cấp GCN QSDĐ số BC 961279 từ năm 2010 với tổng diện tích 1.069,5m2 đất (trong đó tại trang 2, GCN QSDĐ ghi mục đích sử dụng có 1.004m2 đất ở và 65,5m2 đất trồng cây lâu năm). Tuy nhiên, xem xét tại sơ đồ thửa đất trên trang 3, GCN QSDĐ không thể hiện vị trí cụ thể đối với phần sử dụng làm đất ở và đất trồng cây lâu năm; sau khi biến động giảm diện tích thửa đất do tặng cho con, hộ ông Điều, bà Cót không đề nghị cấp lại GCN QSDĐ mà thực hiện việc đăng ký biến động tại trang 3, GCN QSDĐ. Như vậy, nếu căn cứ vào GCN QSDĐ, thì không thể xác định được vị trí đất ở và đất trồng cây lâu năm ngoài thực địa.
Thứ hai, hộ ông Lê Bá Điều, bà Nguyễn Thị Cót đã được Nhà nước công nhận quyền sử dụng 404,36m2 đất ở trong tổng diện tích thửa đất, diện tích đất có công trình xây dựng xác định tại thời điểm thu hồi đất thực hiện dự án là 200,3m2; theo kết quả đo đạc của Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa ngày 20/11/2023, hộ ông Điều, bà Cót đã xây dựng các công trình là 311,4m2. Như vậy, nếu xác định 311,4m2 là đất ở theo hiện trạng đang sử dụng đất, thì còn lại 92,92m2 đất ở chưa xây dựng công trình đang nằm lẫn với diện tích đất trồng cây lâu năm, lớn hơn phần diện tích bà Lê Thị Hồng đang đề nghị được bồi thường là đất ở (404.36m2 được công nhận là đất ở trong GCN QSDĐ - 311,4m2 đất xây dựng công trình).
Thứ ba, thửa đất đang khiếu nại có nguồn gốc sử dụng thuộc trường hợp thửa đất ở có vườn, ao; có nhiều mục đích sử dụng (đất ở, đất trồng cây lâu năm). Pháp luật đất đai hiện hành chỉ quy định việc xác định diện tích đất ở và phần diện tích đất còn lại theo hiện trạng sử dụng (Điều 103, Luật Đất đai 2013), không quy định về việc xác định vị trí các loại đất trong cùng thửa đất. Theo đó, người sử dụng đất có quyền định đoạt về tài sản của mình khi đã được Nhà nước trao QSDĐ thông qua việc cấp GCN QSDĐ và chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định (Điều 196, Bộ luật Dân sự 2015).
Từ những phân tích trên, việc UBND thành phố Thanh Hóa căn cứ vào hiện trạng thời điểm kiểm kê đang sử dụng vào mục đích trồng cây để bồi thường là đất trồng cây lâu năm là chưa phù hợp với thực tế. Do tại thời điểm kiểm kê phần diện tích đất ở chưa xây dựng công trình là 204,06m2, đang nằm lẫn trong đất trồng cây lâu năm, không xác định được vị trí đất ở và đất trồng cây lâu năm. Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể cách xác định vị trí từng loại đất trong cùng thửa đất mà hiện trạng sử dụng đất đang cùng mục đích sử dụng (đất trồng cây). Do đó, việc xác định loại đất để bồi thường giải phóng mặt bằng phải dựa trên nguyên tắc thỏa thuận và theo hướng có lợi cho người có đất bị thu hồi.
Theo kết luận của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, năm 2022, thực hiện Dự án Khu đô thị Đông Hải, UBND thành phố Thanh Hóa đã thu hồi 86,9m2 đất của hộ ông Lê Bá Điều, bà Nguyễn Thị Cót, trong đó có 65,5m2 nằm trong GCN QSDĐ và 21,4m2 nằm ngoài GCN QSDĐ.
Đối chiếu với các quy định của pháp luật và kết quả xác minh nêu trên, việc bà Lê Thị Hồng (được bà Nguyễn Thị Cót ủy quyền) khiếu nại và đề nghị được bồi thường 65,5m2 đất là đất ở trong tổng diện tích đất thu hồi 86,9m2 là có cơ sở.
Từ kết quả thẩm tra xác minh, kết luận và các căn cứ pháp luật nêu trên, ngày 1/12/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã quyết địnhh bà Lê Thị Hồng (được bà Nguyễn Thị Cót ủy quyền) khiếu nại và đề nghị được bồi thường 65,5m2 đất là đất ở trong tổng diện tích 86,9m2 đất UBND thành phố Thanh Hóa thu hồi của hộ ông Lê Bá Điều, bà Nguyễn Thị Cót để thực hiện Dự án Khu đô thị Đông Hải, thành phố Thanh Hóa là có cơ sở.
Huyền Anh