Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Người đứng đầu tiếp dân đã hứa phải làm, dứt khoát phải chỉ đạo giải quyết vụ việc”

Hương Giang (Thực hiện)

Thứ sáu, 04/02/2022 - 06:36

(Thanh tra) - Để khiếu nại, tố cáo tiếp tục “hạ nhiệt” thời gian tới, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào đặc biệt nhấn mạnh, "người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tiếp dân đã nói, đã hứa là phải làm, dứt khoát phải chỉ đạo tập trung giải quyết vụ việc".

Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào

Tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2021 tiếp tục giảm rõ rệt cả về số lượng lượt người, số lượt đoàn đông người và số đơn thư.

Là người có nhiều năm làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nguyên Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào cũng cảm nhận công tác này có chuyển biến tích cực.

“Những năm gần đây, khiếu nại, tố cáo đã giảm hơn trước nhiều, tuy tính chất vẫn phức tạp, còn nhiều vụ đông người, nhiều vụ việc kéo dài, nhưng rõ ràng, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm nhiều hơn, chỉ đạo quyết liệt hơn công tác này”, ông nhận định.

Viện lý do bận để không tiếp dân là không được

+ Ông đánh giá như thế nào về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo?

Chúng ta có hành lang pháp lý quy định rất rõ về trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Năm 2014, Bộ Chính trị cũng ban hành Chỉ thị 35-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và năm 2019 có Quy định 11-QĐ/TW về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

Theo quy định, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải tiếp dân định kỳ hàng tháng, tiếp dân đột xuất khi cần thiết. Thực tế đã chứng minh, ở những nơi mà người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tích cực tiếp dân, chỉ đạo giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo thì tình hình khiếu nại, tố cáo ở nơi đó giảm, ít những vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài.

Khi người đứng đầu tiếp dân, trực tiếp lắng nghe ý dân, chỉ đạo quyết liệt thì khiếu nại, tố cáo được giải quyết nhanh hơn, tốt hơn. Như báo chí từng phản ánh, có vụ khiếu nại kéo dài 20 năm, Chủ tịch tỉnh tiếp dân chỉ 30 phút, vụ việc đã được giải quyết.

Nói cho cùng, là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền mà một tháng không dành 1 buổi, 1 ngày để tiếp dân với lý do bận là không hợp lý. Nhiều đồng chí lãnh đạo, bận mấy cũng vẫn tiếp dân rất đều đặn, ví dụ cố Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh, khi làm lãnh đạo TP Đà Nẵng, ông tiếp dân hàng tuần và nhiều vụ việc đã được giải quyết ngay.

+ Báo cáo giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác tiếp dân cho thấy có Chủ tịch tỉnh không tiếp dân trong 18 tháng liên tục. Chuyện người đứng đầu “lười tiếp dân” cũng được nhiều lần nêu ở nghị trường Quốc hội. Ông nhìn nhận thế nào về việc này?

Đúng là còn có tình trạng như vậy! Tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là công việc rất khó khăn vì nhiều lý do. Đầu tiên, người dân thấy mình “oan ức” mới khiếu nại, mà “oan ức” thì thường bức xúc nên không thể hòa nhã, vui vẻ khi trình bày vụ việc, mọi bức xúc dồn lên người tiếp dân.

Thứ hai, các vụ khiếu nại, nhất là liên quan đến đất đai thì rất khó giải quyết. Điều này, buộc người đứng đầu phải nắm chắc vụ việc để trả lời, đối thoại, giải thích và chỉ đạo giải quyết. Vì thế, nếu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không nhận thức đúng trách nhiệm sẽ “ngại” tiếp dân, đùn đẩy cho cấp phó tiếp thay.

Quy định của pháp luật, quy định của Đảng đều yêu cầu người đứng đầu phải trực tiếp tiếp công dân. Nếu đùn đẩy trách nhiệm, không trực tiếp tiếp dân theo đúng quy định, không quan tâm giải quyết quyền lợi của dân thì người dân sẽ bức xúc, khiếu kiện vượt cấp.

+ Kết luận thanh tra, báo cáo giám sát mà “điểm tên” chỉ rõ địa chỉ “lười tiếp dân” sẽ có tác dụng như thế nào, thưa ông?

Trước đây, thanh tra trách nhiệm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chủ yếu là nhắc nhở, kết luận chỉ nêu chung chung, không chỉ rõ đích danh nơi làm không tốt nên hiệu quả không cao, ít tác dụng.

Những năm gần đây, kết luận thanh tra, báo cáo giám sát đã nêu đích danh nơi làm không tốt, nhất là kiến nghị xử lý nghiêm người vi phạm, đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt ở những nơi được thanh tra, giám sát.

Ví dụ, năm 2021, các cơ quan thanh tra tiến hành 1.328 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo tại 2.096 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kiến nghị xử lý hành chính 259 tổ chức, 672 cá nhân có vi phạm, một con số khá lớn!

Giải quyết dứt điểm chứ không chỉ hết thẩm quyền

+ Tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là việc rất khó, đòi hỏi người đứng đầu phải nhận thức đúng trách nhiệm của mình. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Khiếu nại, tố cáo là quyền của công dân, quyền con người. Giải quyết khiếu nại, tố cáo là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, chứ không phải “ban ơn” cho người dân.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hội danh dự. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước, đã được thể chế hóa thành quy định của pháp luật và quy định của Đảng.

Giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo vừa tôn trọng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, vừa phát huy dân chủ xã hội, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Công việc này rất khó khăn, phức tạp, nếu không nhận thức sâu sắc như thế thì làm sao làm được và tất nhiên sẽ dẫn đến chuyện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

+ Ông nghĩ sao khi một số địa phương, cán bộ lãnh đạo từ chối tiếp dân vì vụ việc đã giải quyết hết thẩm quyền?

Theo quy định của pháp luật, giải quyết khiếu nại phải đúng thẩm quyền. Sau khi có quyết định giải quyết lần 2, nếu không đồng ý, người dân có thể khởi kiện ra tòa án. Đây là cơ chế rất tiến bộ, nhưng vì nhiều lý do nên người dân còn ít sử dụng quyền này.

Tuy nhiên, chủ trương của Đảng, Nhà nước là giải quyết dứt điểm vụ việc chứ không chỉ hết thẩm quyền. Vụ việc đã giải quyết qua 2 cấp mà người dân vẫn khiếu kiện gay gắt, bức xúc thì vẫn phải tiếp dân, chỉ đạo rà soát lại, 1 lần chưa đủ có thể rà soát lần 2, tinh thần là giải quyết vừa đúng pháp luật, vừa phù hợp với thực tiễn, “thấu tình, đạt lý”, khi đã xem rất kỹ rồi mới chấm dứt giải quyết.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/3/2019 Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch 363/KH-TTCP hướng dẫn rất cụ thể về tiêu chí, trách nhiệm, quy trình rà soát, giải quyết các vụ phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã rà soát xong gần 900 vụ việc.

+ Khởi kiện ra tòa là cơ chế tiến bộ. Tại sao người dân không lựa chọn mà chủ yếu tìm đến các cơ quan hành chính để khiếu nại? Phải chẳng do tâm lý án hành chính “dân kiện quan” thì khó thắng?

Tâm lý đó cũng có, nhưng không phải lý do chính. Lý do chính là để khởi kiện ra tòa án, phải đủ điều kiện, chứng cứ, thủ tục theo quy định. Tòa án xét xử, tuyên án chỉ tuân theo pháp luật.

Còn với cơ quan hành chính, khi giải quyết khiếu nại thì vừa tuân theo pháp luật, vừa phù hợp với thực tiễn. Khiếu nại không được, nhưng nếu người dân có khó khăn thì tùy theo điều kiện, chính quyền sẽ xem xét hỗ trợ.

Ví dụ, cách đây hơn chục năm, Thanh tra Chính phủ xác minh vụ khiếu nại đòi lại đất của hàng năm hộ dân ở Tây Ninh. Do chiến tranh chống xâm lược ở biên giới Tây Nam, hàng trăm hộ dân ở giáp biên giới với Campuchia phải sơ tán. Sau này, nhà cửa, đất đai của họ do Nhà nước quản lý và giao cho người khác sử dụng.

Những người dân này không còn giấy tờ để chứng minh đòi lại đất, nhưng đúng là họ có nhà, đất ở đó. Vậy giải quyết thế nào? Thanh tra Chính phủ cùng với tỉnh kiến nghị, Thủ tướng đồng ý, chỉ đạo tỉnh Tây Ninh rà soát, căn cứ tình hình thực tế để quyết định: Nếu người dân khiếu nại thực sự có khó khăn, chưa có đất ở, đất sản xuất thì chính quyền hỗ trợ giao đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ kinh phí làm nhà ở để giải quyết khó khăn cho họ. Với vụ việc này, nếu khởi kiện ra tòa, không có chứng cứ để đòi đất thì rõ ràng tòa án sẽ bác ngay.

Phải thật cần thiết mới dùng biện pháp cưỡng chế

+ Từng nhiều năm làm công tác này, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm trong tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp?

Những vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết, tiếp dân để lắng nghe, đối thoại, kiên trì giải thích, vận động, thuyết phục người dân, không né tránh, nhưng cũng không nôn nóng.

Việc đã “nóng” thì phải làm lắng xuống và phải thật cần thiết mới dùng đến biện pháp cưỡng chế, tránh gây thêm bức xúc. Tôi từng nghe cố Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng nói rằng: Cưỡng chế, bắt bớ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo là biện pháp “hay nhất của những cán bộ dở nhất”. Tất nhiên với những trường hợp quá khích, lợi dụng khiếu nại, tố cáo để gây rối, chống phá, vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm.

Trong giải quyết phải có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất của các cơ quan có liên quan. Không có sự phối hợp, thống nhất giữa các cơ quan thì vụ việc sẽ rất khó được giải quyết.

Khi tiếp dân, nhất là với đoàn đông người, không chỉ có phương án bảo đảm an ninh trật tự mà còn phải có phương án bảo vệ sức khỏe cho người khiếu nại, tố cáo và cán bộ tiếp dân.

+ Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, TP HCM có cách tiếp dân theo hình thức trực tuyến “dân hỏi - TP trả lời” hay một số địa phương như Quảng Ninh ứng dụng công nghệ để tiếp dân trực tuyến tới tận xã. Theo ông, mô hình này có nên nhân rộng?

Tôi rất ủng hộ tiếp dân trực tuyến, không chỉ trong thời gian dịch COVID bùng phát, mà nếu sau này áp dụng cũng rất tốt.

Chúng ta đang xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, xã hội số, tỷ lệ người dân ở nước ta sử dụng internet cao thì nên tiếp dân trực tuyến để người dân không phải đi lại, đỡ tốn kém thời gian, tiền của.

Luật Khiếu nại hiện mới quy định có 2 hình thức khiếu nại là bằng đơn và trực tiếp, cần bổ sung hình thức khiếu nại trực tuyến. Trước mắt, Thanh tra Chính phủ cần có hướng dẫn để thực hiện.

Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, Trong năm 2021, có 330.971 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước gửi đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Qua xử lý có 274.988 đơn đủ điều kiện giải quyết thì có đến 212.491 là đơn kiến nghị, phản ánh (chiếm 77,3% tổng số đơn thư ). Với người dân gửi kiến nghị, phản ánh hoàn toàn có thể qua kênh trực tuyến.

Còn Luật Tố cáo quy định phải giữ bí mật danh tính người tố cáo, nên không áp dụng hình thức này.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch tỉnh Quảng Bình yêu cầu hủy quyết định khiển trách đối với Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Thọ

Chủ tịch tỉnh Quảng Bình yêu cầu hủy quyết định khiển trách đối với Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Thọ

(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vừa có quyết định về việc giải quyết khiếu nại (lần hai) của ông Trương Đình Lễ - Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn) yêu cầu Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn hủy Quyết định số 3481/QĐ-UBND ngày 27/12/2023 của UBND thị xã về việc xử lý kỷ luật viên chức quản lý đối với ông Trương Đình Lễ.

Lê Hữu Chính

15:28 21/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm