Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

UBND thành phố Lạng Sơn có giải quyết “thấu lý, đạt tình”?

Hoàng Long

Thứ ba, 09/06/2020 - 22:35

(Thanh tra)- Quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án Đầu tư xây dựng cầu Kỳ Cùng, UBND thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) có quyết định giao đất tái định cư khiến hộ gia đình có hoàn cảnh éo le hết sức băn khoăn, cho rằng vẫn chưa được quan tâm, xem xét hưởng ưu đãi theo quy định.

Bà Châm và cháu nhỏ bị bại não tại khu vực nhà, đất chuẩn bị thu hồi để thực hiện dự án. Ảnh: Hoàng Long

Khoảng 1 năm nay, bà Hoàng Thị Châm, sinh năm 1952, người dân tộc Tày, trú tại số 7, đường 17/10 phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn vẫn mang theo xấp hồ sơ để “gõ cửa” cơ quan chức năng để phản ánh về việc bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án Đầu tư xây dựng cầu Kỳ Cùng chưa thấu về lý và chưa đạt về tình.

Theo đơn thư phản ánh, hộ bà Châm bị thu hồi nhà, đất thuộc thửa đất số 21, diện tích 53,6m2, tờ bản đồ số 38, bản đồ địa chính phường Vĩnh Trại để thực hiện dự án. Theo Quyết định số 3282/QĐ-UBND ngày 8/8/2019 của UBND thành phố về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án thì gia đình bà Châm đủ điều kiện được giao 1 ô đất tái định cư do bị thu hồi đất ở, giá thu tiền sử dụng đất theo quy định.

Thế nhưng, khi mà nhiều trường hợp tương tự (hộ bà Phạm Thị Phượng, hộ bà Phạm Thu Trang...) như hộ bà Châm được phân đất mặt đường Yết Kiêu thì hộ bà Châm lại bị ấn định vào trong ngõ 1 đường Yết Kiêu, thay vì được cấp đất mặt đường như các hộ khác.

Đáng nói là, hộ bà Châm có hoàn cảnh hết sức éo le. Bà Châm đã 68 tuổi không có lương hưu, không có thu nhập ổn định nhưng đang phải gồng gánh chăm sóc 2 người tàn tật (có trợ cấp- PV), trong đó người chồng bị liệt 4 năm nay và cháu nhỏ đang bị bại não.

Hiện nay, bên cạnh việc chăm sóc 2 người khuyết tật, bà Châm chỉ trông chờ vào việc buôn bán lặt vặt nhờ nhà đang ở nằm ngoài mặt đường do không có lương hưu và thu nhập ổn định.

Bà Châm chia sẻ, nếu bị ấn định vào trong ngõ theo phương án bồi thường của UBND thành phố Lạng Sơn thì gia đình 3 người gồm người già và tàn tật không biết nương tựa vào đâu để sống do khó có thể kinh doanh buôn bán.

Gần 1 năm nay, bà Châm vừa gồng gánh mưu sinh, chăm sóc 2 người khuyết tật, vừa mang xấp hồ sơ gõ cửa cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hoàng Long

Thông tin tới Báo Thanh tra về trường hợp bà Châm, UBND thành phố Lạng Sơn cho biết, theo Quyết định số 929/QĐ-UBND ngày 20/3/2019 của UBND thành phố Lạng Sơn tại Khu tái định cư tập trung đối với các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án: Xây dựng cầu Kỳ Cùng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn quy định “2. Vị trí giao đất tài định cư: Vị trí ô đất tái định cư giao cho các hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện tương ứng với vị trí đất vị thu hồi thực hiện dự án được bố trí giao như sau... 2.3. Trường hợp các hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện giao đất tái định cư do thu hồi và được bồi thường về đất ở, vị trí đất thu hồi không có mặt tiền tiếp giáp đối với đường Trần Đăng Ninh, đường Lê Lợi, đường 17/10, đường Nguyễn Tri Phương hoặc có mặt tiền tiếp giáp nhưng chiều rộng mặt tiền nhỏ hơn 3m hoặc có diện tích nhỏ hơn 40m2 thì được giao đất tái định cư tại vị trí đường nội bộ của khu tái định cư”.

Quyết định số 929/QĐ-UBND cũng quy định: “Đối với các trường hợp đủ điều kiện giao đất tái định cư nhưng không đảm bảo các tiêu chí theo điểm 1, điểm 2, khoản 2 điều 4 của Quy chế này, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường báo cáo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án để họp thống nhất trình thành phố xem xét, giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể”.

Kiểm tra hồ sơ bồi thường cho thấy, nhà, đất bị thu hồi có chiều rộng mặt tiền thửa đất bị thu hồi của hộ bà Châm là 2,75m (nhỏ hơn 3m) nên không đủ tiêu chí được giao đất tái định cư tại vị trí đường Yết Kiêu theo quy chế giao tái định cư đã ban hành.

Được biết, ngày 5/11/2019, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư dự án đã họp giải quyết vướng mắc trong việc giao đất tái định cư, trong đó có hộ bà Phạm Thị Phượng, có vị trí tiếp giáp mặt đường là  2,98m (nhỏ hơn 3m), hộ bà Phạm Thu Trang, có vị trí tiếp giáp mặt đường là 2,90 m.

UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: “Trường hợp bà Hoàng Thị Châm cũng được đưa ra họp xét, song các tiêu chí về diện tích và mặt tiền giáp đường 17/10 nhỏ hơn hai hộ nêu trên (nhỏ hơn 0,15 cm - PV) và không còn đủ quỹ đất tái định cư mặt đường Yết Kiêu nên bố trí tại vị trí ưu tiên trong đường nội bộ”.

Tuy nhiên, về lý, bà Châm cho rằng, việc xét như vậy là chưa hợp lý do vị trí nhà, đất của gia đình có vị trí đắc địa, có giá trị hơn nhiều so với các hộ nêu trên nhưng không được đưa vào tiêu chí xem xét. Hộ gia đình cũng duy nhất 1 nhà ở tại phường Vĩnh Trại nên khi bồi thường cần xem xét cho gia đình trước. Ngoài ra, ngoài 2 trường hợp trên còn nhiều hộ gia đì nh có diện tích nhỏ hơn gia đình, tiêu chí thấp hơn nhưng vẫn được xét cấp ngoài mặt đường (có trường hợp còn gộp cả ngõ đi chung cho đủ tiêu chí)...

Về tình, hộ gia đình bà có hoàn cảnh hết sức éo le so với các hộ dân khác. Bà Châm đã nhiều tuổi, không có lương hưu, không có thu nhập ổn định, phải nuôi 2 người tàn tật nhưng lại không được xem xét ưu tiên.

Quyết định số 929/QĐ-UBND của UBND thành phố Lạng Sơn đã tạo cơ chế mở để linh hoạt trong quá trình giải phóng mặt bằng, đảm bảo công tác an sinh cho người dân buộc phải di chuyển nhà ở cho sự phát triển chung của thành phố là cần thiết và phù hợp với chủ trương của Nhà nước quan tâm tới các trường hợp yếu thế trong xã hội. Thiết nghĩ, Chủ tịch UBND thành phố cần xem xét giải quyết vụ việc của bà Châm đảm bảo “thấu tình, đạt lý”, tránh tạo tâm lý trong nhân dân, phát sinh đơn thư khiếu kiện phức tạp, kéo dài trên địa bàn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm