Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thu hồi, bồi thường 82,6m2 là đất ở cho gia đình bà Dương Thị Thơm

Lan Vy

Thứ tư, 11/05/2022 - 07:00

(Thanh tra) - Từ kết quả thẩm tra xác minh, kết luận và các căn cứ pháp luật nêu trên, ngày 27/4/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã quyết định bà Dương Thị Thơm khiếu nại, đề nghị công nhận và bồi thường diện tích 82,6m2 đất trồng cây lâu năm thành đất ở là có cơ sở.

Một góc thành phố Sầm Sơn. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Bà Dương Thị Thơm (tổ dân phố Xuân Phú, phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn) khiếu nại gia đình có thửa đất số 34, tờ bản đồ số 09, diện tích 418,6m2 sử dụng để ở từ trước năm 1980 tại phường Trung Sơn, thuộc phạm vi thu hồi đất để thực hiện dự án khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí Nam sông Mã. UBND thành phố Sầm Sơn quyết định thu hồi nhưng chỉ bồi thường 336m2 đất ở, còn 82,6m2 là đất trồng cây lâu năm là không đúng.

Bà Dương Thị Thơm khiếu nại, đề nghị xem xét nguồn gốc đất để công nhận và bồi thường diện tích 82,6m2 là đất ở.

Khiếu nại của bà Dương Thị Thơm đã được Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn giải quyết tại Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 1134/QĐ- UBND ngày 08/3/2022 với nội dung: Bà Dương Thị Thơm khiếu nại không có cơ sở.

Không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn, bà Dương Thị Thơm tiếp tục khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo bà Dương Thị Thơm trình bày: Thửa đất số 34, tờ bản đồ số 09, diện tích 418,6m2 trích đo bản đồ địa chính năm 2018 có nguồn gốc là đất ở của bố mẹ chồng tôi là ông Nguyễn Văn Thám và bà Lê Thị Ngắn sử dụng, đến năm 1979 bố mẹ tặng cho vợ chồng tôi là ông Nguyễn Minh Chỉnh và bà Dương Thị Thơm, trên đất có nhà ở và vợ chồng tôi ở từ đó đến nay. Quá trình sử dụng gia đình tôi có làm thêm 02 nhà ở và 01 quán bán hàng (hiện tại khi thu hồi đất có 02 nhà và 01 quán bán hàng).

Cũng theo bà Dương Thị Thơm: Sau khi được bố mẹ cho thửa đất trên, gia đình tôi được UBND thị xã Sầm Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đến khoảng năm 1995, 1996 thực hiện Nghị định 36/CP của Chính phủ về mở rộng đường, gia đình tôi có hiến một phần đất để làm đường, sau đó giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ thu lại và cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác cho gia đình tôi (cấp ngày 24/10/2003).

“Thửa đất của gia đình tôi sử dụng từ năm 1979 đến nay, sử dụng ổn định, không tranh chấp, không chuyển nhượng và cũng không nhận chuyển nhượng của ai; có tường rào xây bao quanh thửa đất, phía Đông giáp thửa đất ở nhà bà Mai Đặt, phía Tây giáp đường quốc lộ 47, phía Nam giáp đất ở nhà ông Phùng, phía Bắc giáp đất ở nhà ông Vũ Như Định. Gia đình tôi chỉ có thửa đất ở trên, không có thửa đất ở, nhà ở nào khác trên địa bàn phường Trung Sơn”.

Theo kết luận của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, khu đất gia đình bà Dương Thị Thơm đang khiếu nại có nguồn gốc đất sử dụng để ở trước ngày 18/12/1980, có tên chồng bà Thơm trong sổ mục kê trong hồ sơ địa chính lập theo Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ, thuộc thửa 231, diện tích 336m2.

Khu đất trên được gia đình bà Dương Thị Thơm sử dụng ổn định, có ranh giới 03 mặt giáp với 03 hộ sử dụng đất ở, được UBND phường Trung Sơn xác định không tranh chấp; 01 mặt giáp đường; quá trình sử dụng đất không bị xác định lấn chiếm đất.

Năm 2003, UBND thị xã Sầm Sơn (nay là thành phố Sầm Sơn) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà Dương Thị Thơm tại thửa đất số 143, tờ bản đồ số 03, diện tích 416,9m2, trong đó đất ở 200m2, đất vườn 216,9m2; năm 2018, số liệu đo đạc thực tế là 418,6m2 tại thửa 34, tờ bản đồ số 09, loại đất ODT.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 1, Quyết định số 4655/2017/QĐ- UBND ngày 04/12/2017 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định ban hành kèm theo Quyết định số 4463/2014/QĐ-UBND ngày 12/12/2014: “Đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013 và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ nhưng có tên trong sổ mục kê hoặc sổ đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ hoặc có các tài liệu chứng cứ khác chứng minh nguồn gốc sử dụng đất ổn định từ trước ngày 15/10/1993 thì diện tích đất ở được xác định như sau: b) Trường hợp đã sử dụng đất ổn định từ trước ngày 18/12/1980 thì diện tích đất ở được xác định theo thực tế đang sử dụng, nhưng không quá 05 lần hạn mức giao đất ở quy định tại khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 4 của quy định này”.

Khoản 1, Điều 3, Quyết định số 4463/2014/QĐ-UBND ngày 12/12/2014 của UBND tỉnh quy định hạn mức giao đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân và diện tích tổi tiểu được tách thửa đối với đất ở tại đô thị: “Tối đa 90m2/hộ tại phường thuộc thành phố, thị xã” (05 lần hạn mức giao đất ở là 450m2).

Diện tích đất thực tế gia đình bà Dương Thị Thơm đang sử dụng là 418,6m2 nhỏ hơn 05 lần hạn mức giao đất ở; vì vậy diện tích đất ở của gia đình bà Thơm được xác định là diện tích thực tế sử dụng 418,6m2.

Như vậy, việc bà Dương Thị Thơm khiếu nại, đề nghị công nhận và bồi thường diện tích 82,6m2 đất trồng cây lâu năm thành đất ở là có cơ sở.

Từ kết quả thẩm tra xác minh, kết luận và các căn cứ pháp luật nêu trên, ngày 27/4/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã quyết định bà Dương Thị Thơm khiếu nại, đề nghị công nhận và bồi thường diện tích 82,6m2 đất trồng cây lâu năm thành đất ở là có cơ sở.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND thành phố Sầm Sơn thu hồi, bồi thường đối với phần diện tích 82,6m2 là đất ở cho gia đình bà Dương Thị Thơm theo quy định.

Đây là quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Nếu bà Dương Thị Thơm không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại này thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm