Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lai Châu: Không thể tránh khỏi khiếu kiện về lĩnh vực đất đai

Bùi Bình

Thứ bảy, 25/06/2022 - 10:51

(Thanh tra) - Đó là nhận định của ông Trần Văn Hùng, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lai Châu về tình hình khiếu nại (KN), tố cáo (TC) đối với lĩnh vực tài nguyên, môi trường những tháng cuối năm 2022.

Lãnh đạo Thanh tra Sở TN&MT Lai Châu tiếp dân. Ảnh: Bùi Bình

Sở TN&MT Lai Châu vừa có báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) 6 tháng đầu năm 2022.

Theo đó, 6 tháng đầu năm, Sở TN&MT Lai Châu đã tiếp 2 lượt công dân (2 người) đến trụ sở tiếp công dân để phản ánh, kiến nghị. Đồng thời, sở cũng đã tiếp nhận 14 đơn (1 đơn KN, 13 đơn kiến nghị, phản ánh), đã xử lý 12 đơn/14 đơn. Trong đó, 7 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết.

Giải quyết 1 đơn KN (1 vụ việc) thuộc thẩm quyền giải quyết, đạt tỷ lệ 100%. Ban hành 1 quyết định giải quyết, không thu hồi cho Nhà nước, không trả lại tiền cho tập thể cá nhân, không có số người đã bị xử lý trách nhiệm và khởi tố.

Đối với 13 đơn kiến nghị, phản ánh, trong đó 6 vụ việc thuộc thẩm quyền (7 vụ việc không thuộc thẩm quyền đã chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết); trong 13 vụ việc đã giải quyết xong 12/13 vụ việc (còn 1 vụ việc đang phối hợp với cơ quan liên quan và UBND Tân Uyên trả lời công dân); nội dung kiến nghị phản ánh chủ yếu về lĩnh vực đất đai, trồng rừng.

Giám đốc Sở TN&MT Lai Châu Mai Văn Thạch đánh giá, 6 tháng đầu năm, công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC, kiến nghị phản ánh đương được cấp ủy, lãnh đạo sở quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời xử lý các thông tin kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; đã ban hành quy chế, nội quy tiếp công dân.

Sở cũng đã bố trí địa điểm tiếp công dân và cử công chức thường trực tiếp công dân và lãnh đạo sở tiếp công dân định kỳ 2 lần/tháng hoặc đột xuất khi có nội dung phức tạp cần chỉ đạo giải quyết; việc tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp qua nhiều kênh thông tin như tiếp công dân, tiếp nhận đơn, tiếp nhận qua email và tiếp nhận qua số điện thoại đường dây nóng (riêng về lĩnh vực môi trường tiếp nhận 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần). Ngoài ra, sở đã tiếp nhận và xử lý kịp thời 8 thông tin đường dây nóng; tổ chức đối thoại với công dân 3 lần tại cơ sở (tại UBND xã nơi thường trú của công dân); kịp thời xác minh thông tin phản ánh của báo chí, ý kiến cử tri.

Việc xử lý đơn KN, kiến nghị, phản ánh kịp thời, dứt điểm, đúng thẩm quyền, thời gian và quy định phối hợp thường xuyên với Ban Tiếp công dân tỉnh, các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố để kịp thời giải quyết, xử lý các vụ việc về TN&MT trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình tiếp công dân, giải quyết KN,TC, kiến nghị phản ánh đã tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn công dân hiểu, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và cơ quan hành chính Nhà nước, do đó giảm số lượt tiếp công dân và giảm số đơn so với cùng kỳ.

Dự báo về tình hình KN,TC, ông Trần Văn Hùng, Chánh Thanh tra Sở TN&MT Lai Châu nhận định, 6 tháng cuối năm 2022, sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các dự án có sử dụng đất tiếp tục được đầu tư, người có đất bị thu hồi để thực hiện dự án thì việc KN,TC, kiến nghị phản ánh của người dân không thể tránh khỏi, nhất là lĩnh vực đất đai.

Theo Chánh Thanh tra Sở, nguyên nhân là do chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện đồng bộ, thiếu cụ thể và nhất quán, thường xuyên thay đổi trong từng giai đoạn lịch sử; Luật Đất đai năm 2013 có thay đổi mạnh mẽ so với Luật Đất đai năm 2003, các văn bản quy định, hướng dẫn thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn với pháp luật về dân sự, pháp luật về KN,TC, tranh chấp đất đai tạo ra bất cập, nhất là trong chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp đất đai, dẫn đến tình trạng khó phân định thẩm quyền giải quyết

Cùng với đó, việc ban hành văn bản pháp luật về đất đai theo từng thời kỳ nhưng việc sử dụng đất theo cả giai đoạn lịch sử; chất lượng giải quyết các vụ, việc thường có phát sinh dẫn đến tình trạng KN, kiến nghị, phản ánh; việc định giá đất bồi thường, cơ chế còn bất cập, giá đất để tính bồi thường khi Nhà nước thực hiện dự án với các dự án tự thoả thuận bồi thường giá bồi thường chênh lệch cao hơn quy định của Nhà nước, từ đó phát sinh KN.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm