Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Giải quyết khiếu nại, tố cáo phải 4 đến cùng”

Hương Giang

Thứ ba, 19/10/2021 - 06:38

(Thanh tra)- Trao đổi với báo chí, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp nhấn mạnh, “giải quyết khiếu nại, tố cáo mà không thông suốt “4 đến cùng” thì khó mà giảm đáng kể và tốt lên được”.

"Người dân gọi điện, nhắn tin mà lãnh đạo nghe, trả lời thì người dân tin tưởng lắm, dù chưa biết kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ra sao", Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp nói. Ảnh: TN

Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, “4 đến cùng” gồm: Giải quyết đến cùng; giải thích đến cùng; hỗ trợ đến cùng và xử lý vi phạm đến cùng.

Khiếu nại, tố cáo giảm do dịch COVID-19, nhưng…

+ Theo báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội, năm 2021, tình hình khiếu nại, tố cáo giảm rõ hơn so với năm 2020. Phải chăng do đại dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành giãn cách xã hội nên người dân đến cơ quan Nhà nước khiếu nại, tố cáo ít hơn, thưa ông?

- Những năm gần đây, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân giảm liên tục và năm 2021 giảm rõ rệt.

Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, số lượt người giảm 21,6%; số lượt đoàn đông người giảm 9%; tổng số đơn khiếu nại, tố cáo giảm 24,4%; số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính Nhà nước giảm 22,1%.

Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương giảm nhiều nhất, với số lượt người giảm 40,6%; số vụ việc giảm 24%; số lượt đoàn đông người giảm 32,6%.

Nguyên nhân giảm có nhiều, trong đó nguyên nhân chính làm giảm số lượt người đến cơ quan Nhà nước để khiếu nại, tố cáo là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương giãn cách xã hội, tạm dừng tiếp dân tại các trụ sở tiếp dân.

Qua theo dõi, tôi đánh giá, khiếu nại, tố cáo giảm có cả nguyên nhân chủ quan. Các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước đã nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác này.

Đặc biệt, chất lượng giải quyết lần đầu được nâng cao hơn. Rất nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người chưa thuộc thẩm quyền của tỉnh thì chủ tịch tỉnh đã tiếp dân, giải quyết ngay tại cơ sở nên không phát sinh “điểm nóng”.

Hoặc có nguy cơ phát sinh “điểm nóng” thì cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức đối thoại, bước đầu tìm được lối ra, được người dân ủng hộ nên yên tâm chờ kết quả, không kéo ra Trung ương.

Một số địa phương cũng áp dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Như Lào Cai, Quảng Ninh tiếp dân trực tuyến tới tận xã.

Với các vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài thì tổ công tác của Thủ tướng trực tiếp làm việc, chỉ đạo giải quyết.

Nếu không tiếp dân tốt, giải quyết khiếu nại, tố cáo tốt thì không thể có Đại hội các cấp, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp như vậy được.

+ Trong công tác này, chuyện “lười tiếp dân”, ngại va chạm của người đứng đầu dẫn đến vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài cũng được nhắc đến nhiều?

- Năm 2021, nếu áp dụng “cứng” quy định thì tỷ lệ lãnh đạo địa phương tiếp dân định kỳ giảm rõ rệt. Nhưng rất nhiều lãnh đạo địa phương không tiếp dân ở trụ sở mà xuống vùng dịch để giải quyết các bức xúc hàng ngày của người dân. Đừng nghĩ, tiếp dân chỉ gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo. Năm nay, tiếp dân phục vụ cho phòng, chống dịch phải ưu tiên.

Tất nhiên, có một số địa phương mà các đoàn giám sát của Quốc hội đã đánh giá là chủ tịch tỉnh không tiếp dân mà ủy quyền cho cấp phó, thậm chí ủy quyền cho giám đốc sở. Như vậy là thiếu trách nhiệm với người dân.

Bí thư, chủ tịch tiếp dân không phải để ghi điểm, ghi danh, mà để nghe người dân phản ánh vụ việc, vấn đề, từ đó ra chủ trương, biện pháp giải quyết.

Với khiếu nại, tố cáo, bí thư, chủ tịch tỉnh nào cũng mong giải quyết dứt điểm, nhưng có nơi ngại va chạm, sợ sửa sai, sợ giải quyết quyền lợi cho người dân thì “dắt dây” phát sinh vụ việc mới nên né tránh, không tiếp dân, đối thoại với dân.

Thực tế, khi tổ công tác của Thủ tướng do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm tổ trưởng đến địa phương làm việc, bí thư và chủ tịch hứa sẽ tiếp dân, giải quyết dứt điểm vụ việc. Nhưng nhiều lần người dân đề nghị vẫn không được gặp chủ tịch, bí thư và đến giờ vụ việc vẫn chưa giải quyết xong.

Hay có vụ việc khi Tổng Thanh tra tiếp, người dân nói “8 năm rồi mới được gặp phó chủ tịch”. Nếu không có cuộc tiếp của Tổng Thanh tra thì chắc người dân “khó gặp” chủ tịch, phó chủ tịch.

Những việc như thế khiến người dân bức xúc, gửi đơn thư vượt tuyến lên Trung ương.

+ Trong đợt dịch này, TP HCM có cách tiếp dân theo hình thức trực tuyến “dân hỏi - TP trả lời”. Ông đánh giá như thế nào về mô hình này, có nên nhân rộng không?

- Rất tốt! Nếu TP HCM và các địa phương tiếp dân theo hình thức “dân hỏi - TP trả lời” cả trong ngày thường thì tốt biết mấy.

Người dân gọi điện, nhắn tin mà lãnh đạo nghe, trả lời thì người dân tin tưởng lắm, dù chưa biết kết quả giải quyết ra sao. Như thế, khiếu nại, tố cáo và bức xúc của người dân sẽ giảm rõ rệt bởi họ thấy mình được tôn trọng.

“Lò xo” đang bị nén

+ Tình hình khiếu nại, tố cáo dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, có khả năng tăng cao sau khi các địa phương dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội. Vậy kịch bản ứng phó sẽ như thế nào, thưa ông?

- Khiếu nại, tố cáo của người dân hiện như “lò xo” đang bị nén, nếu không có kịch bản ứng phó sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát thì tình hình sẽ diễn biến phức tạp, có thể bùng lên và các cơ quan ở Trung ương sẽ đón nhiều đoàn công dân lên khiếu kiện hơn.

Do đại dịch nên công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng bị giãn cách, chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên. Đi cùng với đó là kết quả không được như mong muốn kể cả phía người dân và cơ quan Nhà nước.

Chỉ tính riêng các vụ khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài, cả nước có trên 900 vụ đã và đang tiến hành rà soát.

Trên cơ sở kết quả rà soát này, tới đây, vụ việc nào đã giải quyết đúng thì các cơ quan thống nhất trả lời, giải thích, vận động người dân thực hiện. Vụ việc nào chưa giải quyết đúng thì có thể địa phương tự xem lại, hoặc Thanh tra Chính phủ báo cáo kiến nghị Thủ tướng giao các bộ, ngành chủ trì xem xét lại… Song, kết quả rà soát không chất lượng có khi lại xuất hiện vụ việc mới.

Hơn nữa, tôi đánh giá nếu công tác phòng, chống dịch không thực hiện tốt sẽ xuất hiện các khiếu nại, tố cáo mới liên quan đến thực hiện chính sách hỗ trợ không công bằng, thiếu minh bạch…

Vì thế, Tổng Thanh tra đã giao Ban Tiếp công dân Trung ương, các cục địa bàn nắm chắc tình hình và xây dựng phương án. Riêng Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã xây dựng phương án để đón tiếp người dân sau dịch, cũng như phối hợp với địa phương rà soát các vụ việc.

Chúng tôi đã kiến nghị Tổng Thanh tra xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định về thực hiện Cơ sở Dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo để tránh chuyển đơn lòng vòng, gây khó khăn cho người dân, cơ quan giải quyết, làm phức tạp thêm tình hình.

Chúng tôi cũng đề nghị Tổng Thanh tra chỉ đạo tăng cường tiếp dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương phía Nam; đề xuất tiếp dân trực tuyến.

+ Là cán bộ có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo ông, làm thế nào để tình hình này tiếp tục giảm?

- Tiếp dân phải gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quan điểm của tôi, để khiếu nại, tố cáo tiếp tục giảm thì các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương phải thống nhất “4 đến cùng”.

"Giải quyết khiếu nại, tố cáo mà không thông suốt “4 đến cùng” thì khó mà giảm đáng kể và tốt lên được”, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp nhấn mạnh. Ảnh: T.N

Đầu tiên là giải quyết đến cùng! Tức là, phải tập trung giải quyết đến cùng vụ việc chứ không phải chỉ hết thẩm quyền.

Thứ hai là giải thích đến cùng! Tiếp dân, giải quyết đúng pháp luật, thấu lý đạt tình rồi mà người dân vẫn tiếp khiếu thì giải thích đi, giải thích lại. Đừng bắt người dân phải hiểu biết như cán bộ.

Thứ ba là hỗ trợ đến cùng! Như khi thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội làm ảnh hưởng quyền lợi của người dân, khiến họ không có công ăn việc làm... thì hỗ trợ đến cùng, bảo đảm an sinh cho người dân.

Thứ tư là xử lý vi phạm đến cùng! Người dân làm sai thì xử lý, nhưng quan trọng hơn là phải xử lý đến cùng cán bộ vi phạm. Không thể cán bộ vi phạm chỗ này thì chuyển sang vị trí khác tương đương, thậm chí lên cao hơn.

Để làm tốt căn cơ, ngoài hoàn thiện pháp luật thì công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan Nhà nước rất quan trọng như công khai dự án, quy hoạch…

Khi thực hiện những dự án phát triển kinh tế - xã hội, người dân bị ảnh hưởng quyền lợi mà chưa đồng tình cao thì phải biết chờ đợi, lắng nghe, vận động để người dân ủng hộ. Mang quyền lực của Nhà nước để áp đặt, cưỡng chế thì hệ quả sẽ như những vụ việc phức tạp mà đến giờ chúng ta vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

+ Tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát Chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”. Ông kỳ vọng gì?

- Tôi và người dân mong muốn sau giám sát có thay đổi về cơ chế, chính sách cho phù hợp, nhất là sửa đổi Luật Đất đai, các văn bản pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cạnh đó, có đánh giá khách quan, công tâm, chỉ ra nơi làm tốt để lan tỏa, nhân rộng; nơi không làm tốt thì có ý kiến xử lý.

Tôi cũng mong các đại biểu Quốc hội giám sát thường xuyên, đeo bám đến cùng, không để các vụ việc, vấn đề rơi vào dĩ vãng.

+ Xin cảm ơn ông!

Năm 2021, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp giải quyết 17.272 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 76,3% (giảm 7,2%).

Qua giải quyết, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 13,7 tỷ đồng, 15,6ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 441,0 tỷ đồng, 41,6ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 51 tổ chức, 1.071 cá nhân; kiến nghị xử lý 571 người (trong đó có 442 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 12 vụ, 17 đối tượng (có 15 cán bộ, công chức).

Tuy nhiên, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chậm, có nhiều sai sót, nhất là ở cấp cơ sở. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra (85%); tỷ lệ thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo thấp hơn năm 2020 và thấp hơn mục tiêu đề ra (90%). 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Kim Sơn, Ninh Bình: Không để phát sinh “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo

Kim Sơn, Ninh Bình: Không để phát sinh “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo

(Thanh tra) - Chủ động nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phát hiện những vụ việc KNTC ảnh hưởng lớn tới an ninh, trật tự để giải quyết dứt điểm, không để phát sinh thành “điểm nóng”, được huyện Kim Sơn xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Trung Hà

19:47 22/11/2024
Hải Phòng: Qua đối thoại, bà Bùi Thị Nức đồng ý rút toàn bộ nội dung đơn khiếu nại (lần 2)

Hải Phòng: Qua đối thoại, bà Bùi Thị Nức đồng ý rút toàn bộ nội dung đơn khiếu nại (lần 2)

(Thanh tra) - Chiều 21/11, Chánh Thanh tra thành phố Hải Phòng Bùi Thị Hồng Vân chủ trì buổi đối thoại với bà Bùi Thị Nức có đơn khiếu nại (lần 2) gửi Chủ tịch UBND thành phố khiếu nại Quyết định số 8112/QĐ-UBND ngày 18/7/2024 của Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên về việc giải quyết khiếu nại (lần đầu).

Kim Thành

19:39 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm