Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cần sớm giải quyết dứt điểm khiếu kiện của bà Lê Thị Thanh Là

Lê Phương

Thứ ba, 03/11/2020 - 17:32

(Thanh tra)- Khiếu kiện liên quan đến khu đất tại số 1754 đường Võ Nguyên Giáp, phường 12, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có kết luận của Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; kết quả kiểm tra, rà soát của các cơ quan Trung ương. Tuy nhiên, khiếu kiện giữa các cá nhân liên quan vẫn kéo dài! Đâu là nút thắt cần gỡ?

Mới đây, Bộ TN&MT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết 2ha đất cho gia đình bà Tư bằng hình thức bồi thường giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp. Ảnh: LP

Tìm theo hồ sơ vụ việc được biết, tài liệu thể hiện khu đất đang khiếu nại có diện tích 4ha do ông Lý Văn Văng đứng tên (tại sổ địa bộ số 424), tổng diện tích 9,9ha. Năm 1966, các đồng thừa kế của ông Lý Văn Văng bán lại toàn bộ diện tích này cho 4 người (trong đó vợ chồng bà Nguyễn Thị Tư - ông Nguyễn Văn Luông mua 2ha; vợ chồng ông Trần Văn Thinh mua 2ha). Việc mua bán này có xác nhận của UBND hành chính xã Phước Lễ, tỉnh Phước Tuy (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

1 năm sau, ông Trần Văn Thinh có bán lại phần đất của mình cho vợ chồng bà Tư. Việc mua bán này chỉ có giấy tay, có chữ ký của người bán mà không có chữ ký của người mua và cũng không có xác nhận của chính quyền chế độ cũ. Tại giấy mua bán có thể hiện căn cước của bà Tư được cấp ngày 22/11/1967 tại Gò Vấp, trong khi giấy mua bán được lập trước đó 6 tháng (tức là ngày 20/5/1967). Do vậy, giấy mua bán này không thể sử dụng làm tài liệu để chứng minh có việc mua bán 2ha này.

Sau khi mua đất, gia đình bà Tư dựng 1 căn nhà tạm 28m2 và trồng cây ăn trái. Bà Tư và các con sử dụng phần đất này, còn ông Luông sinh sống tại Sài Gòn. Năm 1974, bà Tư về thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, giao lại cho gia đình bà Nguyễn Thị Bảy (người làm vườn) trông coi.

Sau ngày 30/4/1975, phần nhà đất gia đình bà Tư sử dụng thuộc phường Phước Thắng, thị xã Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai, được Nhà nước tiếp quản, sử dụng căn nhà diện tích 28m2 làm trụ sở khóm Phước Cơ, phần đất phía sau làm bãi chứa gỗ.

Ngày 25/9/1982, UBND đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo ban hành quyết định 513/QĐ-UB giao 3ha (trong số 4ha) của gia đình bà Tư để mở rộng Xí nghiệp Chăn nuôi Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là trại gà Phước Cơ) sử dụng. Trại gà đi vào hoạt động năm 1984.

Đây cũng là thời gian bà Tư làm đơn thư kiếu nại lên các cấp chính quyền để xin lại 4ha đất. Ngày 14/11/1995, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Quyết định số 1809/QĐ-UB không chấp nhận việc bà Tư khiếu nại xin lại 4ha đất với lý do: Sau năm 1975, đất bỏ hoang, không thực hiện nghĩa vụ thuế, Nhà nước quản lý và đã giao cho Trại gà Phước Cơ sử dụng.

Không đồng ý với quyết định trên bà Tư tiếp tục khiếu nại, ngày 5/7/1997, bà Tư ủy quyền cho cháu là Lê Thị Thanh Là, trú tại 821/1 khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12, TP Hồ Chí Minh “được quyền quyết định và giải quyết các vấn đề liên quan đến lô đất nói trên. Sau khi được Nhà nước trả lại lô đất trên được quyền bán và sang nhượng” (giấy ủy quyền có xác nhận chữ ký của UBND phường 1, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp).

Ngày 13/2/2000, bà Nguyễn Thị Tư làm giấy ủy quyền cho bà Lê Thị Thanh Là có nội dung “sau khi bên A được công nhận quyền sử dụng đất, bên B được phép thay mặt bên A ký tên chuyển nhượng lô đất trên (được quyền sang nhượng, mua bán) không ai có quyền tranh chấp”. Hợp đồng ủy quyền có xác nhận của Phòng Công chứng số 02 tỉnh Đồng Tháp.

Đến ngày 1/8/2011, bà Lê Thị Thanh Là làm hợp đồng ủy quyền cho ông (bà) Nguyễn Văn Bé Ba - Phạm Thị Ánh: “Trong phạm vi của nội dung ủy quyền, bên B được quyền lập biên bản ký tên trên các giấy tờ liên quan và thực hiện các quyền nghĩa vụ theo quy định của pháp luật…”. Nội dung hợp đồng ủy quyền được Văn phòng Công chứng số 7, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh xác nhận.

Sau khi bà Tư mất, bà Là rồi đến ông (bà) Nguyễn Văn Bé Ba - Phạm Thị Ánh thực hiện khiếu nại liên quan đến lô đất nói trên kéo dài cho đến thời điểm này.

Đã có rất nhiều chỉ đạo, kiến nghị của các ban, ngành từ Trung ương, tới địa phương nhằm giải quyết dứt điểm các nội dung khiếu nại của các ông, bà nói trên.

Điển hình ngày 4/11/2014 Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có văn bản số 4841/BTNMT-TTr kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Xem xét quyền lợi cho gia đình bà Tư đối với 2ha đất (trong tổng số 2,28ha) bằng hình thức bồi thường giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp (tại thời điểm tính toán).

Mới đây nhất, ngày 31/3/2020, Bộ TN&MT tiếp tục có văn bản số 1678/BTNMT-TTr kiến nghị Thủ tướng Chính phủ với nội dung: Ý kiến của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại Văn bản số 951 là chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ở đây cần nói thêm là UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng kiến nghị bồi thường cho gia đình bà Tư bằng 2ha đất nông nghiệp của Bộ TN&MT là không phù hợp do chồng của bà Tư là sĩ quan chế độ cũ.

Tuy nhiên, các xác minh của Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định vợ chồng bà Tư ly hôn trước năm 1973. Năm 1973, ông Luông chỉ kê khai 2ha trong tổng số 4ha đất nêu trên nên phần đất của bà Tư (2ha còn lại) không còn là tài sản của ông Luông và không thuộc đối tượng quản lý theo diện 2/IV của Quyết định 111/CP.

Sau giải phóng miền Nam, khi Nhà nước quản lý phần đất này, từ năm 1976, bà Tư liên tục khiếu nại đòi quyền sử dụng nhà, đất. Do vậy, việc xem xét quyền lợi cho gia đình bà Tư đối với 2ha đất bằng hình thức bồi thường giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp (tại thời điểm tính toán) là phù hợp với thực tế của quá trình sử dụng đất và quy định của pháp luật.

Những nội dung khiếu nại liên quan đến lô đất này cũng đã được nêu trong Kết luận số 932/TTr-NV3 ban hành ngày 21/7/2020 của Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tuy nhiên, cả hành trình rất dài của bà Tư, bà Là… đến nay chưa có hồi kết.

Nhưng đến nay, câu chuyện lại có những diễn biến mới, mà các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần lưu ý để chấm dứt khiếu kiện.

Theo các tài liệu chúng tôi được cung cấp, đến thời điểm hiện tại, bà Lê Thị Thanh Là đã đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Bé Ba và bà Phạm Thị Ánh.

Bà Là cho biết, năm 2011, bà đã có hợp đồng ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Bé Ba và bà Phạm Thị Ánh thay mặt bà Là liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền xin lại khu đất nói trên. Song, do thời gian kéo dài và tuổi cao sức yếu, tháng 6/2019, bà Là đã thông qua Phòng Công chứng số 7, TP Hồ Chí Minh đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền nêu trên.

Theo quy định của pháp luật, sau khi có văn bản đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền thì ông Nguyễn Văn Bé Ba và bà Phạm Thị Ánh sẽ không còn liên quan đến vụ việc. Nhưng từ năm 2019 đến nay, nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết vụ việc của các cấp vẫn dựa theo đơn của ông Nguyễn Văn Bé Ba và bà Phạm Thị Ánh.

Theo luật sư Chu Văn Tiến (Đoàn Luật sư Hà Nội), Giám đốc Công ty TNHH Luật 88 cho biết: Khoản 2, Điều 569 của Bộ luật Dân sự năm 2015 qui định rõ về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng uỷ quyền: “Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý”.

Luật sư Chu Văn Tiến phân tích thêm, bà Lê Thị Thanh Là là trường hợp ủy quyền không có thù lao. Chính vì vậy, việc bà Là đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền, đã thông báo cho các bên thì việc các cơ quan chức năng vẫn thụ lý, giải quyết theo đề nghị của bên được ủy quyền là không phù hợp.

Nhận thấy, việc giải quyết khiếu nại nói trên đã diễn ra trong một thời gian rất dài. Đã đến lúc các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần phải có những quyết định dứt điểm đảm đảo quyền lợi của người dân, chấm dứt khiếu kiện kéo dài, ổn định tình hình địa phương.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm