Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nhiều hạn chế, thiếu sót trong công tác cán bộ, đào tạo

Trần Quý – Phương Hiếu

Thứ sáu, 04/03/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Kết luận thanh tra số 36 về công tác hành chính tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót trong công tác cán bộ, đào tạo, quản lý tài chính...

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có nhiều hạn chế, thiếu sót trong công tác cán bộ, đào tạo, quản lý tài chính. Ảnh: TQ

Về công tác tổ chức bộ máy, nhân sự, qua thanh tra cho thấy, văn bản về tuyển dụng và nâng lương sớm chưa được ban hành kịp thời hoặc chưa được điều chỉnh, bổ sung, thay thế cho phù hợp với các quy định mới được ban hành.

Trường chưa phê duyệt vị trí việc làm, giao số lượng người làm việc cho các đơn vị trực thuộc để làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng viên chức và người lao động.

Số lượng hợp đồng lao động của trường vượt quá chỉ tiêu được giao; còn nhiều trường hợp ký hợp đồng lao động với những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là viên chức.

Việc tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng, thực hiện chế độ chính sách, quản lý, lưu trữ hồ sơ nhân sự còn trường hợp thiếu hoặc chưa đúng quy định.

Chưa quy định cụ thể loại hình hoạt động và mức độ tự chủ của Trung tâm Giáo dục quốc phòng và An ninh, Viện Nghiên cứu Sư phạm.

Đối với công tác tài chính, tài sản, qua thanh tra cho thấy, Hội đồng Trường chưa ban hành được Quy chế Tài chính làm cơ sở để thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Quy chế Chi tiêu nội bộ còn nhiều hạn chế như: Quy định viên chức không thuộc diện được hưởng phụ cấp ưu đãi đứng lớp được hỗ trợ 30% mức lương cơ bản là chưa phù hợp.

Quy định về chi đào tạo hệ không có ngân sách, Quy chế Chi tiêu nội bộ chưa quy định cụ thể nội dung chi, mức chi, đối tượng thụ hưởng đối với các khoản chi giảng dạy, chi phí quản lý, chi mở lớp theo quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT.

Một số nội dung trong Quy chế Chi tiêu nội bộ thiếu, cần bổ sung…

Bộ GDĐT yêu cầu rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoặc thay thế (nếu cần thiết) hệ thống văn bản liên quan tới công tác tuyển sinh, đào tạo của trường. Ảnh: TQ

Việc phân công, bố trí giáo viên giảng dạy chưa hợp lý, một số bộ môn thiếu giảng viên do cán bộ đi học tập nâng cao trình độ ở trong nước và nước ngoài. Số giảng viên dạy vượt giờ cao, năm 2018 có 259 giảng viên, năm 2019 có 234 giảng viên và năm 2020 có 229 giảng viên. Đáng chú ý, có một số giảng viên dạy vượt trên 300 giờ (năm 2018 có 97 giảng viên, năm 2019 có 81 giảng viên và năm 2020 là 61 giảng viên), trong khi cũng không ít giảng viên không dạy đủ giờ định mức (năm 2018 có 17 giảng viên, năm 2019 có 27 giảng viên và năm 2020 là 33 giảng viên).

Về quản lý tài sản, giai đoạn 2018-2020, trường chưa ban hành quản lý, sử dụng tài sản công, việc quản lý, sử dụng tài sản công đang được thực hiện theo Quy chế Chi tiêu nội bộ. Tại thời điểm thanh tra, trường đã ban hành Quy chế Quản lý, sử dụng tài sản công, tuy nhiên chậm theo với quy định.

Công tác mua sắm, sửa chữa và đầu tư xây dựng còn hạn chế như: Chưa lập, thẩm định, phê duyệt định mức máy móc thiết bị chuyên dùng làm cơ sở lập dự án/dự toán mua sắm trang thiết bị theo quy định; chưa thực hiện việc lập, trình, đề nghị quyết toán trước khi phê duyệt quyết toán vốn đầu tư; chưa thực hiện việc thương thảo hợp đồng trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; chỉ định thầu với gói thầu trên 100 triệu đồng, sai với quy định hiện hành…

Đối với công tác tuyển sinh, đào tạo, việc sửa đổi, bổ sung quy định đào tạo đại học hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ còn chưa kịp thời; Quy chế Đào tạo hệ liên thông từ trình độ hệ trung cấp, cao đẳng lên trình độ đại học hình thức vừa làm vừa học của trường chưa được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với Thông tư số 06/2017/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT; hệ thống các quy trình tuyển sinh, quản lý đào tạo chưa được phê duyệt, một số quy trình chưa rõ ràng, thể hiện tính bảo mật tuyệt đối như ra đề thi, chấm thi.

Công tác tuyển sinh còn nhiều hạn chế. Ảnh: TQ

Trường chưa xây dựng Đề án Tuyển sinh trình độ tiến sĩ và công khai theo quy định tại Điều  4 Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT và Điều 11 Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT.

Chưa thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo hàng quý và hàng năm theo quy định tại điểm a khoản 11, Điều 1 Thông tư số 25/2019/TT-BGDĐT.

Trách nhiệm về các hạn chế, thiếu sót thuộc về các tập thể, cá nhân thời kỳ 2018 - 2020; Hội đồng Trường chịu trách nhiệm chung về việc ban hành văn bản, chỉ đạo, tổ chức giám sát việc thực hiện.

Hiệu trưởng với tư cách là người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm chung việc tổ chức thực hiện; các phó hiệu trưởng chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân công; trưởng, phó các đơn vị thuộc, trực thuộc trường và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra các hạn chế, thiếu sót đã được chỉ ra.

Bộ GDĐT yêu cầu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 khẩn trương khắc phục những hạn chế, thiếu sót phê duyệt Đề án Vị trí việc làm, giao số lượng người làm việc cho các đơn vị trực thuộc để làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng viên chức, xây dựng kế hoạch và thực hiện tuyển dụng trên cơ sở chỉ tiêu biên chế được Bộ GDĐT giao nhằm kịp thời bổ sung viên chức, đáp ứng nhu cầu thực tế của các đơn vị; tiếp tục thực hiện chính sách tinh giảm biên chế.

Rà soát các trường hợp lao động hợp đồng làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện việc chấm dứt hợp đồng lao động tại các đơn vị trực thuộc trường…

Về công tác tài chính, tài sản, khẩn trương ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật để phục vụ cho hoạt động chuyên môn của đơn vị; xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo để thực hiện các dịch vụ giáo dục.

Bộ GDĐT yêu cầu hội đồng trường, tập thể lãnh đạo trường giai đoạn 2018 - 2020 tổ chức rà soát, kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra những hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Ảnh: TQ

Tuân thủ các quy định về giờ lao động, sắp xếp và bố trí, đào tạo, tuyển dụng đội ngũ giảng viên, không để lặp lại tình trạng có giáo viên chưa đủ giờ chuẩn, có giáo viên dạy vượt giờ chuẩn quá cao, chi trả tiền thừa giờ chưa đúng quy định của Bộ luật Lao động.

Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoặc thay thế (nếu cần thiết) hệ thống văn bản liên quan tới công tác tuyển sinh, đào tạo, bảo đảm bám sát các văn bản quy phạm pháp luật.

Xác định chỉ tiêu tuyển sinh cần cân đối giữa các ngành, phù hợp với nhu cầu địa phương và năng lực thực tế của nhà trường; xây dựng công khai Đề án Tuyển sinh trình độ tiến sĩ theo quy định…

Bộ GDĐT đề nghị hội đồng trường, tập thể lãnh đạo trường tổ chức rà soát, kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra những hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, trong đó nêu rõ lộ trình, giải pháp thực hiện.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm