Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Dự án xây dựng hệ thống xử lý rác thải, nước thải gây lãng phí?

Chính Bình

Thứ hai, 03/06/2024 - 17:52

(Thanh tra) - Tại thời điểm thanh tra, các dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải, nước thải do Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn là chủ đầu tư, có 6/13 hệ thống xử lý rác thái tại các bệnh viện đang gặp sự cố, chưa được sửa chữa khắc phục để vận hành, khai thác; có 3/13 đơn vị được giao quản lý, vận hành nhưng không sử dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: IT

Ngày 25/3/2024, Thanh tra tỉnh Lạng Sơn ban hành Kết luận Thanh tra số 67/KL-TTr, việc chấp hành pháp luật về đầu tư, xây dựng tại các dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải, nước thải do Sở Y tế là chủ đầu tư.

Trong thời kỳ thanh tra, Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn được giao làm chủ đầu tư 23 dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải, nước thải tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Có 10 dự án dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đã được Chánh Thanh tra tỉnh kết luận thanh tra tại Kết luận số 02/KL-TTr ngày 2/1/2019. Còn lại 13 dự án, gồm 3 dự án đầu tư tại bệnh viện tuyến tỉnh và 10 dự án đầu tư tại bệnh viện tuyến huyện.

13 dự án có sử dụng nguồn vốn kinh phí sự nghiệp môi trường ngân sách Trung ương hỗ trợ (50%) và vốn đối ứng của ngân sách địa phương (50%).

Qua thanh tra cho thấy, việc lập, thẩm định phê duyệt điều chỉnh Báo cáo kinh tế - kỹ thuật năm 2016, kết quả kiểm tra, xác minh 13 dự án còn nhiều hạn chế, thiếu sót.

Cụ thể, hồ sơ năng lực của Công ty Cổ phần MOPHA (Công ty Mopha) có đủ điều kiện thực hiện thiết kế công trình theo quy định; tuy nhiên cá nhân chủ trì thiết kế kết cấu, kiến trúc không có chứng chỉ hành nghề phù hợp.

Quá trình khảo sát, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn không kiểm tra, đánh giá hiện trạng về cơ sở hạ tầng tại các bệnh viện được đầu tư dẫn đến có đơn vị sau khi được đầu tư hệ thống xử lý chất thải không sử dụng được do hệ thống đường dây tải điện của bệnh viện không đảm bảo công suất để vận hành hệ thống xử lý chất thải.

Báo cáo kinh tế - kỹ thuật thuật đã xác định, khối lượng rác thải y tế nguy hại tại các bệnh viện (tuyến tỉnh và tuyến huyện) trên cơ cở số giường bệnh quy hoạch của các bệnh viện nhân với định mức khối lượng chất thải rắn nguy hại của 1 giường bệnh/ngày, đêm. Theo đó, khối lượng chất thải rắn nguy hại của 13 bệnh viện được xác định từ 10,2 kg đến 36,6kg/ngày,đêm.

Khi xác định công suất thiết kế, đều lựa chọn hệ thống có công suất xử lý từ 20kg đến 40kg rác thải/chu kỳ (mỗi chu kỳ khoảng 01 giờ, công suất xử lý khoảng từ 100kg đến 200kg rác thải/ngày, đêm) nhưng không phân tích, làm rõ căn cứ để xác định công suất thiết kế; việc lựa chọn hệ thống thiết bị có cùng công suất xử lý cho tất cả các bệnh viện, là không phù hợp.

Việc lập hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu đối với 3 gói thầu xây dựng và lắp đặt hệ thống xử lý rác thải và các gói thầu thực hiện hình thức chỉ định thầu rút gọn tại 3 bệnh viện tuyến tỉnh tuyến tỉnh có nhiều vi phạm.

Báo cáo kinh tế - kỹ thuật thể hiện thiết bị cần cung cấp là thiết bị xử lý rác thải, tuy nhiên tại thứ tự số 3 phần III, Tiêu mục 3.1 Mục 3 Chương III, hồ sơ mời thầu được phê duyệt (của cả 3 gói thầu xây dựng và lắp đặt hệ thống xử lý rác thải tại bệnh viện tuyến tỉnh), phần nội dung đánh giá quy định “3. Giấy phép hoặc giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất đối với thiết bị xử lý nước thải”, là không đảm bảo chính xác.

Chủ đầu tư không có văn bản thông báo đến nhà thầu có đủ năng lực thực hiện để thương thảo hợp đồng đối với các gói thầu thực hiện chỉ định thầu rút gọn; Giám đốc Sở Y tế ban hành quyết định chỉ định thầu trước khi thương thảo hợp đồng, là không đảm bảo về trình tự chỉ định thầu rút gọn.

Đối với các gói thầu thuộc 10 dự án tại các bệnh viện tuyến huyện, có 6/10 gói thầu bảo hiểm của các dự án tại các bệnh viện tuyến huyện thực hiện lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi thương thảo hợp đồng, là không đảm bảo về trình tự chỉ định thầu rút gọn.

Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ, chi phí lập hồ sơ yêu cầu là 0,1% giá gói thầu; chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu là 0,1% giá gói thầu; như vậy chi phí lập hồ sơ yêu cầu, đánh giá hồ sơ đề xuất của 10 gói thầu lập hồ sơ yêu cầu, đánh giá hồ sơ đề xuất là 158.000.000 đồng.

Tại các quyết định chỉ định thầu, các hợp đồng tư vấn lập hồ sơ yêu cầu, đánh giá hồ sơ đề xuất đã xác định chi phí lập hồ sơ yêu cầu, đánh giá hồ sơ đề xuất của 10 gói thầu là 164.000.000 đồng, vượt định mức quy định 6.000.000 đồng, cần xử lý thu hồi.

Từ khi được vận hành, khai thác, hệ thống thường xảy ra một số sự cố như: kẹt cửa lò hấp, lỗi nhiệt độ, lỗi máy nén khí, một số lỗi hệ thống...

Một số thiết bị hỏng không có sẵn thiết bị thay thế không có sẵn trên thị trường phải chờ nhập khẩu (túi hấp rác), chi phí sửa chữa cao dẫn đến một số bệnh viện sử dụng không thường xuyên sử dụng hệ thống.

Khối lượng rác thải thực tế phát sinh tại các bệnh viện đang vận hành, khai thác hệ thống xử lý rác thải thấp hơn nhiều so với công suất xử lý của hệ thống xử lý rác được đầu tư. Tại thời điểm thanh tra, có 6/13 hệ thống xử lý rác thái đang gặp sự cố, chưa được sửa chữa khắc phục để vận hành, khai thác; có 3/13 đơn vị hệ thống xử lý rác thái được giao quản lý, vận hành nhưng không sử dụng.

Từ kết quả thanh tra nêu trên, Chánh Thanh tra tỉnh yêu cầu Sở Y tế tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra thiếu sót, sai phạm được chỉ ra qua thanh tra.

Khẩn trương rà soát, đánh giá và kịp thời có biện pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý, vận hành các hệ thống đã được đầu tư.

Tổ chức thu hồi, nộp số tiền 6.000.000 đồng vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm