Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 20/02/2019 - 17:18
(Thanh tra) - Ngày 20/2, đồng ý với kết luận thanh tra dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên của Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Công ty Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: TISCO
Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra theo đúng quy định.
Dưới đây là toàn văn thông báo kết luận thanh tra dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 25/TB-VPCP ngày 20/01/2017 của Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ có Quyết định số 286/QĐ-TTCP ngày 16/02/2017 về việc thanh tra toàn diện dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Ngày 14/02/2019, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Văn bản số 167/KL-TTCP về kết luận thanh tra dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Ngày 20/02/2019, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 1388/VPCP-V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đối với kết luận thanh tra.
Căn cứ Điều 39 Luật Thanh tra năm 2010 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra như sau:
I. NỘI DUNG THANH TRA
Thanh tra toàn diện dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.
II. ƯU ĐIỂM, TỒN TẠI, KHUYẾT ĐIỂM, VI PHẠM PHÁT HIỆN QUA THANH TRA
Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án) được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư (Văn bản số 342/TTg-CN ngày 05/4/2005); giao Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) tổ chức thẩm định, xem xét phê duyệt; Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là Chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư (TMĐT) được Hội đồng Quản trị (HĐQT) VNS phê duyệt tại Quyết định số 684/QĐ-ĐT ngày 05/10/2005 là 3.843 tỷ đồng (242,5 triệu USD). Dự án gồm 02 gói thầu chính: (1) Gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán là 224.057 triệu đồng; (2) Gói thầu EPC Dây chuyền công nghệ luyện kim (143 triệu USD, sau là 160,9 triệu USD) đấu thầu rộng rãi; Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu với giá 160,9 triệu USD.
Ngày 12/7/2007, Hợp đồng số 01#EPC/TISCO-MCC được ký giữa Bên giao thầu (Bên A) là TISCO và Bên nhận thầu EPC (Bên B) là Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC), cam kết tại Điều 9 “giá hợp đồng tổng thầu EPC là 160.888.887 USD. Giá hợp đồng này là giá trọn gói không thay dổi trong suốt quá trình thực hiện Hợp đồng và đã bao gồm các loại thuế được xác định trong Hợp đồng, các chi phí cần thiết để thực hiện Hợp đồng theo phương thức Tổng thầu EPC”; trong đó, giá trị Phần E (tư vấn, thiết kế) là 3.145.572 USD, Phần P (thiết bị) là 114.813.414 USD, Phần C (xây dựng và lắp đặt) là 42.929.901 USD, thời gian thực hiện hợp đồng là 30 tháng (hợp đồng có hiệu lực từ ngày 03/9/2007). Sau ký hợp đồng, MCC đã được tạm ứng 35,6 triệu USD; trong quá trình thực hiện Hợp đồng, TISCO và MCC ký 10 Phụ lục điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng của Hợp đồng EPC đã ký.
Ngày 15/5/2013, Chủ tịch HĐQT TISCO ký Quyết định số 489/QĐ-GTTN phê duyệt điều chỉnh TMĐT Dự án là 8.104.907,173 triệu đồng (tăng 4.261.000 triệu đồng), thời gian thực hiện đến hết năm 2014 đi vào hoạt động. Thực tế, Gói thầu EPC đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các hạng mục đều chưa hoàn thành.
Chủ trương đầu tư Dự án là phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác quặng, sản xuất thép, ổn định việc làm, tăng thu nhập cho gần 5.000 cán bộ, công nhân viên.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Dự án, TISCO, MCC, VNS, Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đã có những khuyết điểm, sai phạm: đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho Dự án là 4.421.522 triệu đồng; tổng dự nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là 3.896.838 triệu đồng (hiện lãi vay phải trả trên 40 tỷ đồng/tháng), trong đó thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng (Phần E là 2,9 triệu USD/3,1 triệu USD, 92,77%; Phần P 106,6 triệu USD/114,8 triệu USD 92,89%) nhưng các hạng mục của Dự án đều chưa hoàn thành, đến năm 2013 MCC và các nhà thầu đã dừng thi công; TISCO đã thanh toán thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị là 4,737 tỷ đồng, vượt giá trị hợp đồng, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu USD (42 xe ô tô là 1,033 triệu USD, 05 đầu máy toa xe là 5,4 triệu USD...). Hiện một số thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng Dự án, thiệt hại vốn đầu tư; cụ thể như sau:
1. Đối với TISCO
Trách nhiệm chính về những khuyết điểm, sai phạm thuộc TISCO, cụ thể:
- Lập Báo cáo NCTKT chưa đầy đủ cơ sở trình VNS, Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ.
- Thành lập Ban Quản lý Dự án (QLDA) không đủ năng lực; phê duyệt và điều chỉnh TKCS không đúng thẩm quyền; lựa chọn tư vấn lập Báo cáo NCKT không đúng quy định; trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Báo cáo NCKT và thẩm định, quyết định phê duyệt điều chỉnh cơ cấu TMĐT, KHĐT nhưng không thẩm định những nội dung thay đổi, không làm rõ các nội dung điều chỉnh; bổ sung một số chi phí không có trong quyết định của VNS; không xác định chi tiết các nội dung chi phí cho công tác chạy thử. Tính chi phí quản lý dự án vượt so với quy định nhưng không làm các thủ tục điều chỉnh, bổ sung chi phí quản lý Dự án theo quy định tại điểm 1.1 Mục 1 của Quyết định số 957/QĐ-BXD.
- Lập, trình xin phê duyệt KHĐT không đúng quy định tại Điều 6 Luật Đấu thầu 2005; xác định một số khoản chi phí và giá một số gói thầu không phù hợp với nội dung Báo cáo NCKT được duyệt theo quy định tại khoản 26 Điều 4 Luật Đấu thầu 2005, khoản 2 Điều 10 Nghị định số 58/2008/NĐ-CP, mục II Chương II Phần thứ 2 Thông tư số 04/2000/TT-BKH, Quyết định số 10/2005/QĐ-BXD.
- Phê duyệt Hồ sơ mời sơ tuyển gói thầu EPC số 01# không đúng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 24 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP; mục II Chương II (Phần 1) Thông tư số 04/2000/TT-BKH; khoản 1 mục I (Phần 3) Thông tư số 01/2004/TT-BKH; Hồ sơ mời sơ tuyển không yêu cầu nhà thầu nộp bảo lãnh dự thầu theo quy định tại khoản a Điều 24 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP.
- Lập, trình xin phê duyệt Hồ sơ mời thầu giai đoạn 1 không đúng quy định tại khoản 5, 12, 15 Điều 1 Nghị định số 66/2003/NĐ-CP.
- Lập, trình xin phê duyệt điều chỉnh gói thầu EPC số 01# từ 143.250.000 USD lên 160.980.640 USD không đúng quy định tại khoản 26 Điều 4, khoản 4 Điều 6 Luật Đấu thầu 2005; Điều 8, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 111/2006/NĐ-CP.
- Đánh giá Hồ sơ dự thầu giai đoạn 2 không đúng quy định tại Điều 27, 33 Nghị định số 111/2006/NĐ-CP; trình xin hủy đấu thầu không đúng quy định tại khoản 2, 4 Điều 4 Luật Đấu thầu 2005; không trình và phê duyệt danh sách nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật theo quy định tại khoản 4 Điều 61 Luật Đấu thầu 2005.
- Không lập, trình xin phê duyệt kế hoạch, nội dung thương thảo hoàn thiện hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 111/2006/NĐ-CP.
- Ký Hợp đồng EPC với MCC có một số nội dung không chặt chẽ: không quy định cụ thể về tiến độ thực hiện hợp đồng theo quy định tại khoản 2 mục II Phần II Thông tư số 02/2005/TT-BXD; không quy định tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định tại khoản 2 Điều 108 Luật Xây dựng 2003, danh sách nhà cung cấp và quy trình mua sắm thiết bị, tiến độ tổng thể; không phê duyệt và kiểm soát chặt chẽ tiến độ tổng thể của Dự án (chi tiết đối với từng phần công việc) theo quy định tại Điều GCC 8.3 - Chương trình tiến độ (điều kiện chung), SCC38 (điều kiện riêng) và phù hợp với tiến độ tổng thể được phê duyệt tại Quyết định số 684/QĐ-HĐQT ngày 05/10/2005 của VNS; ký các Phụ lục hợp đồng (từ Phụ lục lần 1 đến Phụ lục lần 4), ký các hợp đồng xây lắp (ba bên), trực tiếp giám sát chất lượng máy móc, thiết bị và thanh toán cho các nhà thầu phụ theo giá điều chỉnh là vi phạm quy định tại khoản 17, 31 Điều 4 Luật Đấu thầu 2005, điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị định số 99/2007/NĐ-CP; điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP; khoản 16, 17, 21, 31, 36 Điều 4 Luật Đấu thầu 2005 và khoản 3 Điều 3 Luật Xây dựng 2003; quản lý dự án không đúng quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Xây dựng 2003, gây bất lợi cho TISCO làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án; gây thất thoát vốn đầu tư, không đúng Hợp đồng EPC số 01#.
- Sau 18 tháng kể từ ngày Hợp đồng có hiệu lực, MCC không thực hiện nhưng TISCO không áp dụng điều khoản phạt hợp đồng đã ký với MCC, không báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu lại theo quy định khi MCC đề nghị điều chỉnh hợp đồng đưa ra nhiều hạng mục không hợp lý, không có căn cứ (Văn bản số 7160/BKHĐT-KTCN ngày 01/10/2008 của Bộ KHĐT).
- Không lập dự toán mà sử dụng số liệu của VINAINCON trình VNS, các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chi phí phát sinh Phần C 15.570.099 USD không có căn cứ.
- Thỏa thuận gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng và hiệu lực thanh toán L/C; ký Biên bản thỏa thuận tách Phần C, chuyển một số nội dung phần việc của Phần P sang Phần C với giá trị (theo báo cáo ban đầu của TISCO là trên 50 tỷ đồng) là vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về đầu tư, Hợp đồng EPC số 01#.
- Ký các Phụ lục thỏa thuận MCC chuyển cho TISCO: CO, CQ, trọn bộ đơn bảo hiểm, tiếp nhận nhiều máy móc, thiết bị không đúng quy cách chủng loại, sai khác về xuất xứ, tên nhà cung cấp, mã hiệu, thông số kỹ thuật, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Xây dựng 2003 và Hợp đồng EPC số 01#.
- Thẩm định, phê duyệt dự toán, tổng dự toán, thẩm tra phê duyệt TMĐT điều chỉnh không đúng quy định.
- TISCO có thẩm quyền ký quyết định điều chỉnh TMĐT theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc điều chỉnh TMĐT Dự án lên 8.104.907,173 triệu đồng là không có căn cứ, không đúng quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật số 38/2009/QH12 và khoản 1 Điều 7 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP (không được điều chỉnh TMĐT đối với Dự án sử dụng trên 30% vốn nhà nước).
Mặc dù, ý kiến của các bộ, ngành cho rằng không có cơ sở điều chỉnh TMĐT nhưng TISCO vẫn ký quyết định điều chỉnh TMĐT là cố ý vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư.
- Phê duyệt gói thầu Mỏ sắt Tiến Bộ không đúng thẩm quyền, quyết định phê duyệt dự án không có kế hoạch nguồn vốn để thực hiện; phê duyệt TKKT và tổng dự toán, không phù hợp với TKCS đã được phê duyệt tại Quyết định số 1272/QĐ-T-CT9 ngày 02/10/2007 là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP; quyết định phê duyệt không có nội dung các bước thiết kế để làm cơ sở thực hiện và ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thiết kế không đúng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 16 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP; phê duyệt phương án khảo sát phục vụ TKKT sơ sài vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP.
- Thay đổi các hạng mục số 25, 26, 27, 33 thuộc Mỏ sắt Tiến Bộ vi phạm quy định khoản c Điều 21, Điều 22 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP, Điều 48 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP.
- Ký hợp đồng với Nhà thầu tư vấn lập TKKT và tổng dự toán Mỏ sắt Tiến Bộ, Nhà thầu tư vấn không giám sát tác giả trong suốt thời gian thi công, không tham gia nghiệm thu các hạng mục hoàn thành theo hồ sơ TKKT đã được TISCO phê duyệt theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP; ký hợp đồng, thanh toán cho các Nhà thầu phụ 09 hạng mục không có trong quyết định phê duyệt của Dự án vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định số 112/2009/NĐ–CP; ký các phụ lục bổ sung điều chỉnh tiến độ để các nhà thầu kéo dài thời gian thực hiện không đúng quy định của Hồ sơ mời thầu, chậm đưa Dự án vào hoạt động làm tăng chi phí vốn đầu tư, lãi vay.
- Chưa thực hiện quyết toán gói thầu Mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP.
- Phê duyệt TKKT và dự toán gói thầu Mỏ sắt Tiến Bộ, trong đó có 02 hạng mục Đập ngăn nước số 1 và 2 không đúng với mục a khoản 1 Điều 18 của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP.
- Chưa thực hiện thu hồi tiền tạm ứng hợp đồng theo chỉ đạo của Bộ Công Thương trong thời gian MCC không thực hiện hợp đồng và không phát hành Thư đòi tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng; để MCC hưởng phí quản lý Phần C trái quy định.
- Thanh toán thay cho MCC thuế GTGT, thuế TNDN, thuế nhập khẩu thiết bị và chi phí tiếp nhận, bảo quản trông coi thiết bị nhưng đến nay chưa thu hồi.
- Thanh toán cho Nhà thầu phụ VINAINCON và các Nhà thầu Việt Nam khác theo đơn giá điều chỉnh không đúng Hợp đồng EPC 01#.
- Thanh toán một số khoản không đúng quy định: chi tiếp các Đoàn đàm phán hợp đồng; các Đoàn đi công tác nước ngoài; tư vấn ký hợp đồng thầu phụ; tư vấn lập định mức đơn giá; tư vấn thẩm tra TMĐT điều chỉnh; tư vấn quản lý và giám sát gói thầu.
- Thanh toán cho ANZ phí mở L/C, tư vấn, thu xếp vốn nhưng ANZ không giải ngân; chi phí Ban QLDA vượt quy định.
- Chưa xác nhận đầy đủ khối lượng, giá trị phần việc các Nhà thầu phụ thực hiện Dự án.
Những vi phạm trên của TISCO có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của pháp luật, buông lỏng quản lý, gây thất thoát vốn đầu tư.
2. Đối với VNS
Là đại diện chủ sở hữu vốn tại TISCO nhưng VNS không làm đầy đủ trách nhiệm, đã có những vi phạm, khuyết điểm sau:
- Chấp thuận nội dung Báo cáo NCTKT do TISCO lập chưa đầy đủ cơ sở trình Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ.
- Tại thời điểm thẩm định, phê duyệt Báo cáo NCKT Dự án, trong đó công suất thiết kế chưa đúng với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (sau đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung); không thẩm định năng lực nhà thầu tư vấn lập Báo cáo NCKT; thẩm định phê duyệt dự án khi chưa có TKCS; Báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có thuyết minh phương án giải phóng mặt bằng tái định cư; chưa được tổ chức cho vay vốn thẩm định phương án tài chính và phương án trả nợ; chưa xác định cụ thể nguồn vốn tự có, nguồn nguyên liệu để đảm bảo tính khả thi của dự án.
- Thẩm định phê duyệt TMĐT thiếu cơ sở; tổng hợp chi phí tách riêng phần lắp đặt và đưa một số chi phí vào TMĐT không đúng quy định; chi phí quản lý dự án vượt so với quy định tại Quyết định số 10/2005/QĐ-BXD ngày 15/4/2005; điều chỉnh cơ cấu TMĐT và KHĐT Dự án nhưng không thẩm định làm rõ những nội dung điều chỉnh một số chi phí trong TMĐT theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP; không xác định chi tiết các nội dung chi phí cho công tác chạy thử theo quy định tại tiết 1.1.6 điểm 1.1 khoản 1 mục II Thông tư số 05/2007/TT-BXD; thiếu kiểm tra, giám sát TISCO trong việc điều chỉnh TMĐT dự án…
- Thẩm định chưa đầy đủ nội dung dẫn đến phê duyệt KHĐT do TISCO trình với nội dung không đúng quy định; phê duyệt Hồ sơ mời thầu giai đoạn 1, giai đoạn 2, giai đoạn 2 đấu lại do TISCO trình không đúng quy định; phê duyệt điều chỉnh gói thầu EPC số 01# từ 143.250.000 USD thành 160.980.640 USD không đúng quy định tại khoản 26 Điều 4, khoản 4 Điều 6 Luật Đấu thầu 2005, Điều 8, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 111/2006/NĐ-CP.
- Thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến việc TISCO thương thảo, ký kết hợp đồng, phụ lục hợp đồng và các hợp đồng thầu phụ thiếu chặt chẽ, không đúng quy định.
- Không thẩm tra mà sử dụng số liệu của VINAINCON, trình các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ chi phí phát sinh Phần C (15.570.099 USD) không có căn cứ.
- Không chỉ đạo TISCO áp dụng điều khoản phạt MCC vi phạm hợp đồng và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu lại theo quy định khi MCC đề xuất điều chỉnh hợp đồng đưa ra nhiều hạng mục không hợp lý, không có căn cứ pháp lý.
- Có ý kiến chấp thuận với đề nghị của TISCO tách Phần C, ký hợp đồng (03 bên) giữa TISCO, VINAINCON, MCC; ký hợp đồng với các Nhà thầu phụ khác và thanh toán theo đơn giá là vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về đầu tư, Hợp đồng EPC số 01#.
- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh chi phí xây dựng Phần C, đề nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng TMĐT, trong khi các bộ, ngành cho rằng không có cơ sở điều chỉnh TMĐT không đúng với Hợp đồng EPC số 01#, cố ý vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và nội dung văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
3. Đối với Bộ Công Thương
Bộ Công nghiệp (trước đây), Bộ Công thương chưa thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao, đã có những khuyết điểm, vi phạm, cụ thể:
- Bộ Công nghiệp (trước đây) không yêu cầu TISCO, VNS lập TKCS để thẩm định theo quy định; thiếu kiểm tra, giám sát TISCO, VNS trong việc thẩm định báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ khi chưa đảm bảo các điều kiện để triển khai dự án (nguồn vốn, nguồn nguyên liệu, cơ sở xác định TMĐT…).
- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung Báo cáo NCTKT chưa đầy đủ cơ sở.
- Có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ý kiến của VNS chọn VINAINCON làm Nhà thầu phụ thực hiện Phần C, cho phép TISCO được điều chỉnh chi phí thực hiện Phần C theo đơn giá điều chỉnh không đúng quy định, không đúng thẩm quyền; có ý kiến chấp thuận đề nghị của TISCO, ký hợp đồng với VINAINCON, các Nhà thầu phụ khác và thanh toán theo đơn giá không đúng quy định của pháp luật về đầu tư, Hợp đồng EPC số 01#.
- Không thẩm tra mà sử dụng số liệu của VINAINCON, trình các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ chi phí phát sinh Phần C (15.570.099 USD) không đúng với Hợp đồng EPC.
- Ký Văn bản số 2687/BCT-CNNg ngày 29/3/2013 đề xuất việc điều chỉnh TMĐT Dự án và Văn bản số 88/BC-BCT ngày 26/8/2014 (sau 15 tháng kể từ khi TISCO ký quyết định điều chỉnh TMĐT) báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 27-28/8/2014, trong đó có ý kiến việc điều chỉnh TMĐT Dự án tăng lên 8.104.907,173 triệu đồng đã được Bộ Công Thương rà soát, thẩm tra, mặc dù trước đó các bộ, ngành đều cho rằng không có cơ sở điều chỉnh TMĐT là không đúng Hợp đồng EPC, quy định của pháp luật về đầu tư.
4. Đối với các bộ: Bộ Công Thương (Văn bản số 6985/BCT-CNNg ngày 21/7/2009); Bộ Tài chính (Văn bản số 10642/BTC-ĐT ngày 24/7/2009); Bộ Xây dựng (Văn bản số 1492/BXD-KTXD ngày 22/7/2009); Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Văn bản số 5433/BKHĐT-KTCN ngày 22/7/2009) có ý kiến thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng chi phí Phần C 15,57 triệu USD từ nguồn dự phòng của toàn bộ Dự án, không làm tăng TMĐT nhưng không đúng với Hợp đồng EPC 01#.
5. Đối với MCC
- Sau 18 tháng kể từ khi ký hợp đồng với TISCO, MCC không thực hiện các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng và Bản kế hoạch tổng tiến độ V2.0-20080220 ngày 20/10/2008 của MCC (sau đó ký nhiều phụ lục giãn tiến độ); chậm bàn giao TKCS (Phần E); chậm bàn giao thiết bị (Phần P); thỏa thuận với TISCO chuyển phần việc của Phần P sang Phần C, hưởng phí quản lý Phần C không đúng quy định; cùng TISCO ký hợp đồng với các Nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện Phần C vi phạm Điều 22 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP; không thực hiện đổi tên đơn vị hưởng và gia hạn bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho TISCO.
- Cung cấp nhiều máy móc, thiết bị có giá trị nhưng sai khác về quy cách chủng loại, xuất xứ, tên nhà cung cấp, mã hiệu, thông số kỹ thuật,…không đúng với Hợp đồng EPC số 01#.
- Chưa hoàn trả TISCO tiền thuế GTGT, thuế TNDN, thuế nhập khẩu thiết bị, chi phí tiếp nhận, bảo quản trông coi thiết bị và giá trị thiết bị rỉ sét.
6. Đối với VINAINCON: lập dự toán chi phí phát sinh tăng Phần C báo cáo TISCO, Bộ Công Thương, Chính phủ không có căn cứ; không thực hiện đúng trách nhiệm Nhà thầu phụ thực hiện Phần C theo hợp đồng ký với MCC, TISCO, bán thầu hưởng phí trái quy định.
7. Đối với Tư vấn SOFRECO: thẩm tra TKCS, thiết kế phần lắp đặt, thiết bị trong khi một số dự toán chưa được thẩm định trước khi đưa ra thi công theo quy định tại mục b khoản 1 Điều 16 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP; không có ý kiến về nhiều máy móc, thiết bị có sai khác.
8. Đối với Viện Kinh tế xây dựng: tư vấn thẩm tra dự toán nhiều hạng mục để TISCO phê duyệt thiếu cơ sở (chưa thực hiện kiểm tra tính đúng đắn của việc áp dụng đơn giá định mức, vận dụng định mức đơn giá…); giao nhận hồ sơ dự toán chưa thực hiện theo tiến độ hợp đồng; chưa thực hiện kiểm tra tính đúng đắn của việc áp dụng định mức đơn giá theo quy định tại mục b khoản 3 Điều 16 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP; áp dụng một số định mức khi chưa được cấp có thẩm quyền thỏa thuận công bố theo quy định tại Thông tư số 04/2005/TT-BXD; xác định giá trị dự toán khi thẩm định chưa thực hiện theo quy định tại mục c khoản 3 Điều 16 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP (vận dụng áp dụng một số định mức đơn giá tạm tính, chưa đủ cơ sở…).
9. Đối với Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC): Chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP: Thẩm tra TMĐT thiếu cơ sở (bản vẽ thiết kế chưa đủ, chưa xác định chính xác khối lượng); vận dụng đơn giá của công trình khác khi chưa được cấp có thẩm quyền thỏa thuận theo quy định tại Thông tư số 04/2005/TT-BXD; sử dụng dự toán tạm tính của TISCO và các nhà thầu để xác định giá trị TMĐT, không kiểm tra toàn bộ dự toán mà sử dụng hệ số bình quân để xác định giá trị dự toán đưa vào xác định giá trị TMĐT điều chỉnh; một số chi phí trong TMĐT không thuộc nội dung quy định tại Thông tư số 04/2010/TT-BXD; một số chi phí bổ sung so với Quyết định phê duyệt số 684/QĐ-ĐT của VNS; chi phí quản lý dự án phát sinh tăng nhưng không có dự toán bổ sung theo quy định tại Quyết định số 957/QĐ-BXD; tính trượt giá phần giá trị đã thanh toán trước thời điểm điều chỉnh TMĐT để xác định giá trị TMĐT điều chỉnh không đúng dẫn đến làm tăng TMĐT 86.537,327 triệu đồng; một số nội dung để so sánh trong TMĐT điều chỉnh và tại Quyết định số 66/QĐ-HĐQT của TISCO trong bảng tổng hợp so sánh có sự khác nhau không rõ chi tiết, chưa làm rõ được lý do.
10. Đối với Ngân hàng Phát triển-Chi nhánh Thái Nguyên: trên cơ sở đề nghị của TISCO, VDB Chi nhánh Thái Nguyên đã giải ngân cho VINAINCON, các Nhà thầu phụ khác 757.527,754 triệu đồng theo đơn giá điều chỉnh không đúng Hợp đồng EPC số 01#.
11. Đối với các cơ quan Chính phủ
- Việc VNS đề nghị, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 8845/VPCP-KTN ngày 26/12/2008 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung “đồng ý về nguyên tắc việc xem xét một số phát sinh về giá vật liệu xây dựng do nguyên nhân bất khả kháng trong Hợp đồng gói thầu EPC số 01 của Dự án” không đúng Hợp đồng EPC số 01#.
- TISCO, VNS, Bộ Công Thương đề nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án và các bộ đều có ý kiến thống nhất tăng chi phí Phần C, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 5457/VPCP-KTN ngày 10/8/2009 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh tăng chi phí Phần C 15,57 triệu USD từ nguồn dự phòng của toàn bộ Dự án, không làm tăng TMĐT nhưng không đúng Hợp đồng EPC, thông báo VNS làm việc với Nhà thầu MCC về việc chọn VINAINCON là nhà thầu phụ thực hiện Phần C là không thuộc thẩm quyền vì việc lựa chọn nhà thầu phụ thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của MCC.
- Trong khi các bộ, ngành có ý kiến việc điều chỉnh TMĐT là thiếu căn cứ nhưng Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 3136/VPCP-KTN ngày 22/4/2013 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ “HĐQT VNS quyết định và chịu trách nhiệm việc điều chỉnh TMĐT Dự án theo quy định hiện hành, đảm bảo hiệu quả. Nếu vượt hạn mức, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định…” dẫn đến TISCO cho rằng TMĐT điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận; HĐQT TISCO căn cứ Văn bản số 3136/VPCP-KTN ngày 24/4/2013 ký Quyết định số 489/QĐ-GTTN ngày 15/5/2013 điều chỉnh TMĐT Dự án từ 3.843.673 triệu đồng lên 8.104.907 triệu đồng là không có cơ sở.
- Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương tại Văn bản số 88/BC-BCT ngày 26/8/2014 (trong đó nêu TMĐT điều chỉnh 8.104.907,173 triệu đồng đã được Bộ Công Thương, VNS rà soát thẩm tra), tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 27-28/8/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 04/9/2014, trong đó có nội dung về tháo gỡ khó khăn đối với Dự án “Chính phủ đồng ý các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án nêu tại Báo cáo số 88/BC-BCT của Bộ Công Thương, ủy quyền Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án. Bộ Công Thương, Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc (GĐ) VNS, HĐQT, Tổng GĐ TISCO chịu trách nhiệm trước pháp luật, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ, hiệu quả của Dự án”.
Thực hiện Nghị quyết số 64/NQ-CP của Chính phủ; trên cơ sở đề nghị của TISCO, của Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ đã trình Phó Thủ tướng Chính phủ ký Văn bản số 2339/TTg-KTTH ngày 20/11/2014 gửi các bộ, ngành, trong đó có nội dung “tiếp tục thực hiện Dự án với TMĐT điều chỉnh là 8.104 tỷ đồng” và ban hành Văn bản số 196/TB-VPCP ngày 11/6/2015 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung “đồng ý TISCO thanh toán các khoản chi phí trả cho MCC (vật tư và thiết bị bị hư hỏng bởi rỉ sét, lão hóa do để lưu kho bãi lâu ngày, trông coi, bảo vệ)…” (TISCO đã thanh toán 4,737 tỷ đồng chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị), những nội dung trên tại 02 văn bản này không đúng với hợp đồng EPC, quy định pháp luật về đầu tư.
III. KIẾN NGHỊ
Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
1. Về xử lý kinh tế
- Giao Bộ Công Thương chỉ đạo:
+ Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS), Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO):
. Thu hồi của MCC các khoản: (1) Tiền thuế TISCO đã nộp thay số tiền là 11.604.753,14 USD; các khoản chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị là 4.737, 321 triệu đồng và phí quản lý Phần C là 708.343 USD (Biểu số 01); (2) Tiền đã chi cho các tổ chức, cá nhân sai quy định 3.062,537 triệu đồng và 439.562,92 USD; giá trị thiết bị từ Phần P chuyển sang Phần C; giá trị thiết bị máy móc (38.885.069,75 USD) do MCC cung cấp, có sai khác về quy cách chủng loại, xuất xứ, tên nhà cung cấp, mã hiệu, thông số kỹ thuật, trọng tải và 10 triệu USD tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng (nếu MCC không tiếp tục thực hiện gói thầu EPC số 01 và khắc phục những tồn tại của thiết bị cung cấp); 3.202,044 triệu đồng về các khoản chi sai quy định (Biểu số 03).
. Rà soát, giảm trừ 7.985,495 triệu đồng và 1.334.556,85 USD tiền chi thuê tư vấn APAVE, SOFRECO (Biểu số 01).
. Xử lý số tiền thanh toán sai (Phần C) cho các nhà thầu phụ và giá trị phần việc các Nhà thầu phụ thực hiện Dự án 876.741,181 triệu đồng (Biểu số 02).
. Xử lý việc điều chỉnh tăng TMĐT Dự án lên 8.104.907,173 triệu đồng không có cơ sở, không đúng quy định.
. Xác nhận đầy đủ khối lượng, giá trị phần việc các Nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện Dự án, trình cấp có thẩm quyền xử lý.
+ Tổng công ty VINAINCON nộp vào ngân sách đối với khoản bán thầu không đúng quy định 3.655,252 triệu đồng (Biểu số 03).
- Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với: (1) Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, xử lý những tồn tại, áp dụng cơ chế giảm lãi vay phát sinh trong thời gian Dự án dừng thi công, TISCO không có khả năng thanh toán, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến xử lý những vướng mắc (nếu có); (2) Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan chỉ đạo TISCO, VNS rà soát lại toàn bộ các Hợp đồng và Phụ lục hợp đồng đã ký với MCC, thực tế triển khai, làm rõ căn cứ pháp lý, trách nhiệm của các bên, khả năng khởi kiện MCC, đề xuất giải pháp tổng thể Dự án sau thanh tra; (3) các bộ, ngành có liên quan tiếp tục thực hiện các phương án xử lý đối với Dự án đã được Thủ tướng chính phủ chỉ đạo tại Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Về xử lý trách nhiệm
- Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
+ Giao Văn phòng Chính phủ theo thẩm quyền kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân thuộc Văn phòng Chính phủ có khuyết điểm, sai phạm nêu tại Kết luận thanh tra.
+ Giao Bộ Công Thương, theo thẩm quyền chỉ đạo, kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thuộc Bộ, VNS, VINAINCON có khuyết điểm, sai phạm nêu tại Kết luận thanh tra.
+ Giao Bộ Xây dựng theo thẩm quyền chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tại VNCC, Viện Kinh tế xây dựng có khuyết điểm, sai phạm nêu tại Kết luận thanh tra.
+ Giao Bộ Tài chính theo thẩm quyền chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, VDB Chi nhánh Thái Nguyên có khuyết điểm, sai phạm nêu tại Kết luận thanh tra.
+ Chỉ đạo các bộ có liên quan kiểm điểm trách nhiệm trong việc đề xuất, có ý kiến về việc điều chỉnh tăng chi phí Phần C 15,57 triệu USD từ nguồn dự phòng của toàn bộ Dự án, không làm tăng TMĐT nhưng không đúng với Hợp đồng EPC 01#.
- Thanh tra Chính phủ yêu cầu VNS, TISCO, VINAINCON, Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư mỏ và Công nghiệp TKV, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên theo thẩm quyền tổ chức kiểm điểm, xử lý đối với tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm nêu tại Kết luận thanh tra.
3. Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, sai phạm nêu tại Kết luận thanh tra.
4. Kiến nghị chuyển Cơ quan Điều tra
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra những vi phạm có dấu hiệu hình sự (Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ngày 14/11/2017), gồm:
- Việc Tổng GĐ TISCO và một số cán bộ thuộc TISCO, VNS, Bộ Công Thương có liên quan trong việc ký các Biên bản thỏa thuận phân chia công việc Phần C, chuyển một số phần việc từ Phần P sang Phần C; ký hợp đồng giao VINAINCON, các nhà thầu phụ khác thực hiện Phần C; thanh toán theo đơn giá điều chỉnh không đúng Hợp đồng EPC làm phát sinh tăng TMĐT, gây thất thoát vốn đầu tư.
- Việc Tổng GĐ TISCO, một số cán bộ liên quan trong việc ký các Phụ lục hợp đồng EPC và một số văn bản tiếp nhận nhiều loại máy móc thiết bị không đúng chủng loại, thông số kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa không đúng Hợp đồng EPC, tiêu chuẩn về quản lý chất lượng hàng hóa, bất lợi cho TISCO, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, nếu MCC và TISCO không xử lý sẽ gây thất thoát vốn đầu tư.
- Việc Tổng GĐ TISCO, một số cán bộ liên quan trình, phê duyệt và thanh toán nhiều khoản tiền cho MCC, các Nhà thầu phụ, các tổ chức tư vấn, vi phạm quy định, nếu MCC và TISCO không xử lý sẽ gây thất thoát vốn đầu tư.
- Việc VINAINCON lập dự toán Phần C theo đơn giá điều chỉnh, báo cáo các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ thiếu căn cứ; vi phạm hợp đồng thực hiện Phần C, chậm tiến độ Dự án, phát sinh tăng TMĐT, bán thầu hưởng phí trái pháp luật./.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Nghệ An vừa ban hành kết luận thanh tra về trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Con Cuông trong việc chấp hành pháp luật thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN); việc thực thi công vụ, nhiệm vụ cán bộ, công chức, viên chức.
Văn Thanh
19:00 11/12/2024(Thanh tra) - Tình trạng khai thác trái phép đặc biệt là cát, sỏi lòng sông, khai thác vượt mốc giới, không đúng thiết kế, vượt công suất; việc kinh doanh mua bán khoáng sản không rõ nguồn gốc, qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý cơ bản đã được ngăn chặn, số lượng các tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm và truy thu số lợi bất hợp pháp tăng gấp nhiều lần.
Hương Trà
18:24 11/12/2024Cảnh Nhật
18:00 11/12/2024Văn Thanh
17:39 11/12/2024Thu Huyền
21:30 10/12/2024Nam Dũng
21:01 10/12/2024Trần Quý
Văn Thanh
Trung Hà
Hương Giang
Hương Trà
Trần Kiên
Cảnh Nhật
Trần Quý
Văn Thanh
N. Phó - L. Bằng
Hương Giang