Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Điểm danh hàng loạt sai phạm về đầu tư tại tỉnh Lâm Đồng

Nguyễn Điểm

Thứ ba, 29/03/2022 - 06:35

(Thanh tra)- Giai đoạn 2016-2020, trong quá trình thực hiện triển khai các dự án (DA) đầu tư, tỉnh Lâm Đồng đã để xảy ra nhiều sai phạm.

Vốn ngân sách giao chưa đúng đối tượng

Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật đầu tư công giai đoạn 2016-2020; việc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; việc chấp hành pháp luật về đầu tư giai đoạn 2015-2020 đối việc thực hiện pháp luật về đầu tư công tại tỉnh Lâm Đồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chỉ ra nhiều sai phạm trong việc UBND tỉnh chậm ban hành bộ đơn giá dự toán xây dựng công trình.

Giai đoạn 2006 -2015, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ sử dụng một bộ đơn giá dự toán xây dựng công trình được ban hành từ năm 2006 (bộ đơn giá này xây dựng trên cơ sở định mức dự toán do Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số 24/2005/QĐ-BXD ngày 29/7/2005).

Trong các giai đoạn này, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều bộ định mức mới, theo đó, các hệ số hao phí của các định mức này đều có xu hướng thấp hơn so với định mức tại Quyết định số 24/2005/QĐ-BXD. Tuy nhiên, UBND tỉnh không kịp thời sửa đổi, bổ sung bộ đơn giá dự toán xây dựng công trình phục vụ cho công tác quản lý giá xây dựng cho các công trình xây dựng trên địa bàn là chưa phù hợp.

Mặt khác, trong 7 năm qua (từ năm 2014), tỉnh Lâm Đồng được đầu tư mới, đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường. Tới thời điểm thanh tra (tháng 4/2021), UBND tỉnh cũng chưa ban hành xếp loại đường để xác định cước vận tải đường bộ đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế cấp đường sau đầu tư là chưa phù hợp.

Điều đáng nói, các DA sử dụng vốn ngân sách Nhà nước tại tỉnh Lâm Đồng không được giao cho các ban quản lý DA đầu tư xây dựng chuyên ngành, ban quản lý DA đầu tư xây dựng khu vực làm chủ đầu tư như quy định, mà được giao cho các sở chuyên ngành làm chủ đầu tư. Trong khi đó, về quản lý Nhà nước thì sở chuyên ngành là cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư được giao nhiệm vụ thẩm định DA đầu tư.

Hàng loạt DA có vết

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư; công tác thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn, bố trí vốn trung hạn 2016 - 2020 vẫn còn một số tồn tại, sai sót như: Chưa phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư nhưng đã được giao kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 và giao vốn hăng năm.

Thanh tra cho thấy, có 12/28 (chiếm 43%) DA đầu tư công được phê duyệt trong giai đoạn 2016 - 2020, kết quả được UBND tỉnh bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn khi chưa phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm khi chưa phê duyệt quyết định đầu tư (DA Nhà Văn hóa thể thao huyện Bảo Lâm (giai đoạn 2); DA đầu tư xây dựng khối nhà A, Trường Chính trị; DA xây dựng cầu sắt An Giang và đường giao thông nông thôn từ TK 72 đến khu sản xuất Đạ Knash, huyện Đam Rông; DA mở rộng Khoa Phẫu thuật gây mê và Khoa Hồi sức tích cực, chống độc của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng; DA đường Trúc Lâm Yên Tử qua trung tâm đón tiếp khu du lịch hồ Tuyền Lâm; DA đường giao thông liên xã Hoài Đức đi Tân Thanh; DA xây dựng đường ĐH.2; DA nâng cấp đường Đankia và cầu Phước Thành, phường 7, Đà Lạt; DA xây dựng Nhà Thi đấu đa năng huyện Đơn Dương; DA đầu tư xây dựng vòng xoay ngã 5 thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm; DA đầu tư xây dựng đường xã Hải - Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh; DA thảm nhựa, chiếu sáng và nâng cấp một tuyến đường còn lại trên địa bàn TP Đà Lạt).

4 DA đã hết thời gian thực hiện đầu tư, nhưng vẫn chưa hoàn thành và đã được giao vốn năm 2021, chủ đầu tư và các bên liên quan chưa kịp thời thực hiện điều chỉnh, bổ sung thời gian thực hiện DA. DA chống sạt lở bờ sông hạ du thủy điện Đa Nhim, huyện Đơn Dương; DA bảo tồn, tôn tạo di tích Cát Tiên; DA đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu thể thao thuộc Trung tâm Văn hóa thể thao tỉnh Lâm Đồng - giai đoạn 1; DA nâng cấp đường Ngô Quyền.

Giai đoạn 2016-2020 có 11 DA nhóm bố trí vốn từ 5 - 15 năm, nguyên nhân là do phê duyệt không cân đối được nguồn vốn, dẫn đến dự án kéo dài nhiều năm không hoàn thành. Việc bố trí vốn như trên là không phù hợp quy định.

Thanh tra cũng chỉ ra, có 5 DA được bố trí vốn vượt giá trị quyết toán, nhưng đến thời điểm thanh tra chưa hoàn trả cho ngân sách: DA nâng cấp đường chính Lang biang, huyện Lạc Dương đã giải ngân vượt giá trị quyết toán 126,3 triệu đồng; DA cầu Ka Đô chưa trả về ngân sách trên 25,7 triệu đồng; DA đường ĐT 721 Km31+300 đến Km37+864, huyện Cát Tiên vượt 379,3 triệu đồng; DA xây dựng đường nội bộ nhánh 7, 7a, 10, 11, 12, 8 và xây dựng hệ thống thoát nước tại các dòng suối (giai đoạn 2) khu công nghiệp Lộc Sơn có phần vốn ngân sách Trung ương còn dư so với vốn được giao 410,6 triệu đồng.

Nghiệm thu làm tăng dự toán trên 6,4 tỷ đồng

Tỷ lệ báo cáo giám sát, đánh giá số lượng DA còn thấp (tỷ lệ 44%); số DA được thực hiện kiểm tra mới đạt 31%. Một số chủ đầu tư DA chưa thực hiện báo cáo về theo dõi, kiểm tra toàn bộ quá trình lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định. Có 14/46 DA (tương đương 30,43%), chủ đầu tư DA chưa chủ động trong việc báo cáo giám sát đánh giá đầu tư các DA  mình quản lý theo quy định.

Về công tác đấu thầu giai đoạn 2016 -2020, chưa hình thành được các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp; thực hiện triển khai tổ chức đấu thầu vẫn còn chậm, làm chậm tiến độ thực hiện DA đầu tư và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Việc quản lý và thực hiện hợp đồng sau đấu thầu của một số gói thầu chưa tuân thủ các quy định của hồ sơ mời thầu, cam kết của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu và hợp đồng đã được chủ đầu tư và nhà thầu ký kết…

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra, công tác lập, thẩm định, phê duyệt DA đầu tư, tổng mức đầu tư tại một số DA vẫn còn tồn tại, thiếu sót: Phê duyệt nhưng không triển khai thực hiện hay trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh tăng, giảm quy mô, kéo dài thời gian thực hiện DAn, làm giảm hiệu quả vốn đầu tư.

Việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, áp sai định mức, đơn giá, xác định sai khối lượng không đúng với thiết kế bản vẽ thi công, nghiệm thu thanh toán chưa đúng dẫn đến làm tăng dự toán, giá gói thầu với giá trị là 6,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, kết luận còn chỉ ra, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu không xác định thời gian lựa chọn nhà thầu, thời gian thực hiện hợp đồng; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu có thời gian thực hiện hợp đồng vượt quá thời gian thực hiện DA. Phê duyệt hồ sơ mời thầu không đúng quy định; hồ sơ mời thầu yêu cầu quá cao so với quy định, làm giảm sự cạnh tranh trong đấu thầu…

Bộ KH&ĐT kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng sớm ban hành đơn giá dự toán xây dựng công trình, xếp loại đường để xác định cước vận tải đường bộ. Chấn chỉnh công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, áp dụng định mức, đơn giá phù hợp quy định và đảm bảo tính kinh tế, tiết kiệm.

Chấn chỉnh công tác lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chấm dứt tình trạng chia dự án thành các gói thầu không phù hợp. Chấn chỉnh công tác nghiệm thu, thanh toán; công tác quyết toán nghiệm thu thanh toán chưa đúng dẫn đến làm tăng dự toán, giá gói thầu với giá trị là DA hoàn thành công tác thực hiện hợp đồng và công tác báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư của các chủ đầu tư.

Đồng thời, chỉ đạo chủ đầu tư và các DA có trách nhiệm xử lý về kinh tế với tổng số tiền 6,4 tỷ đồng do nghiệm thu, thanh toán chưa đúng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm