Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chi gần 60 tỷ đồng mua ray để thừa và hơn 7 tỷ đồng tiền trông coi

Thứ ba, 28/08/2018 - 06:22

(Thanh tra)- Đây là một trong những điểm tồn tại, bất cập và lãng phí được chỉ ra tại kết luận thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về công tác quản lý xây dựng dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai (sau đây gọi tắt là Dự án - D.A) do Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đường sắt làm đại diện chủ đầu tư (CĐT).

Đường sắt Yên Viên - Lào Cai bị đánh giá có không ít điểm bất cập, đầu tư chưa hiệu quả. Ảnh minh họa

Phê duyệt kế hoạch đấu thầu khi chưa đủ cơ sở pháp lý

Phạm vi thanh tra là công tác quản lý đầu tư xây dựng D.A trong giai đoạn thực hiện đầu tư, bao gồm các công tác: lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng các gói thầu xây lắp; mua sắm, vận chuyển ray, ghi; một gói thầu tư vấn.

Kết quả thanh tra, kế hoạch đấu thầu của D.A được duyệt và duyệt điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, có những gói thầu phải duyệt điều chỉnh 5 lần (gói thầu CP1, CP3), 3 lần (gói thầu CP2). Trong khi quá trình thực hiện lựa chọn nhà thầu, BQLDA Đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) chưa thực hiện đầy đủ các nội dung kế hoạch đấu thầu được Bộ GTVTphê duyệt như thời gian tổ chức đấu thầu, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu.

Việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu khi chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý, chưa xác định được sự cần thiết phải thực hiện (gói thầu số 17 - Giám định, thử nghiệm hàng hóa cho gói thầu RP) - Báo cáo thẩm định số 98/CQLXD-PCĐT ngày 5/2/2013 nêu rõ: “ĐSVN chưa cần thiết phải thực hiện giám định, thử nghiệm hàng hóa” nhưng vẫn tham mưu để Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đấu thầu gói thầu vận chuyển ray. Trong đó, ghi (gói thầu RT) thành 2 gói thầu vận chuyển ray, ghi trong nước (gói thầu RT) và gói thầu giám định thử nghiệm hàng hóa cho gói thầu RT (gói thầu số 17) tại Quyết định số 373/QĐ-BGTVT ngày 6/2/2013.

Kết luận thanh tra cũng nêu, phạm vi công việc của một số gói thầu có sự trùng lặp (một số hạng mục công việc liên quan đến giám định, thử nghiệm hàng hóa của gói thầu số 17 trùng lặp với một số hạng mục công việc của gói thầu cung cấp ray, ghi - gói thầu RP, gói thầu vận chuyển ray, ghi trong nước - gói thầu RT).

“Khi D.A được phê duyệt điều chỉnh (được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn tại Quyết định số 2522/QĐ-BGTVT ngày 3/11/2011, trong đó giai đoạn 2 chưa xác định được nguồn vốn), BQLDA Đường sắt, Tổng Công ty ĐSVN chưa chủ động đề xuất điều chỉnh phạm vi gói thầu mua sắm ray, ghi (gói thầu RP) cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Dẫn đến khi kết thúc D.A còn thừa khối lượng vật tư lên đến 5.804,05 tấn ray P50, 4.827 bộ lập lách, 4 nửa bộ ghi, 2 bộ tâm ghi và 2 bộ ray phòng mòn cho ghi. Giá trị ray còn lại chưa đưa vào sử dụng có nguyên giá là 7.333.057 euro (tương ứng với 59.176.327.218 đồng), đồng thời còn phải tổ chức trông coi, bảo quản với chi phí đến thời điểm thanh tra là 7.067.470.167 đồng”, kết luận thanh tra nêu rõ.

Trách nhiệm thuộc BQLDA Đường sắt, Tổng Công ty ĐSVN và Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông.

Dùng chứng chỉ hết hiệu lực, vẫn được đánh giá đạt yêu cầu

Kết luận thanh tra còn chỉ rõ, trong nội dung hồ sơ mời thầu (HSMT) và hồ sơ yêu cầu, việc lập, thẩm định, phê duyệt HSMT khi chưa có dự toán xây lắp được duyệt là không đúng quy định tại Khoản 2, Điều 23 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ, dẫn đến trong quá trình thực hiện, bên mời thầu đã phải điều chỉnh, chỉnh sửa, bổ sung và phê duyệt lại HSMT nhiều lần.

Một số quy định trong HSMT chưa phù hợp với quy định pháp luật đấu thầu Việt Nam. Cụ thể, tiêu chí đánh giá năng lực và kinh nghiệm quy định không rõ ràng và chặt chẽ, dẫn tới việc đánh giá của các chuyên gia không đảm bảo tính khách quan.

Đáng chú ý, do việc lập, thẩm định, phê duyệt HSMT và hồ sơ đề xuất chưa đầy đủ, nên việc nhận xét, đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của tổ chuyên gia đấu thầu còn sơ sài, chưa đầy đủ các thông tin. Nhiều nội dung chưa đáp ứng theo quy định của D.A nhưng không được làm rõ và tổ chuyên gia đấu thầu vẫn chấm “Đạt”.

Cụ thể, trong nhận xét, đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, chỉ nhận xét, đánh giá nhà thầu đã cung cấp số lượng hợp đồng, giá trị hợp đồng, không nêu rõ tính chất tương tự hoặc các hợp đồng này đã hoàn thành hay cơ bản hoàn thiện chưa theo quy định của HSMT (gói thầu CP1, CP2, CP5). Gói thầu số 17 yêu cầu về kinh nghiệm của nhà thầu phải có 5 hợp đồng tương tự (giám định ray, ghi) trong 5 năm trở lại đây, nhà thầu cung cấp 5 hợp đồng giám định không đạt yêu cầu... nhưng vẫn được đánh giá là đạt.

Tổ chuyên gia đấu thầu còn nhận xét đánh giá về nhân sự và thiết bị một cách không cụ thể, chi tiết, không có tài liệu chứng minh. Đặc biệt, trong đánh giá về kỹ thuật, nhận xét của tổ chuyên gia được kết luận thanh tra chỉ rõ là chưa phù hợp với hồ sơ dự thầu của nhà thầu. “Tại gói thầu số 17, theo yêu cầu nhà thầu phải có Chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001/Chứng chỉ chứng nhận năng lực giám định ISO 17020 còn hiệu lực tại thời điểm mở thầu, nhưng nhà thầu cung cấp chứng chỉ công nhận có đủ năng lực giám định phù hợp theo yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 17020 đã hết hiệu lực ngày 27/6/2012, nhưng vẫn được đánh giá đạt yêu cầu”.

Bộ GTVT kết luận và nêu rõ “Trách nhiệm về những tồn tại trong đánh giá HSMT và hồ sơ đề xuất thuộc về Tổng Công ty ĐSVN, BQLDA Đường sắt và tổ chuyên gia đấu thầu.

Ngoài ra, BQLDA Đường sắt cũng không đăng tải đầy đủ các kế hoạch đấu thầu được duyệt, duyệt điều chỉnh, bổ sung trên Báo Đấu thầu và trang thông tin điện tử về đấu thầu của cơ quan quản lý Nhà nước về đấu thầu, là chưa tuân thủ theo quy định tại điểm b, Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009.

D.A do Tổng Công ty ĐSVN làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý các D.A đường sắt (RPMU) (giai đoạn từ 2/2005 - 9/2014). Đến giai đoạn từ tháng 9/2014 đến nay, CĐT là Bộ GTVT và đại diện chủ đầu tư là BQLDA Đường sắt (PMU-Rail).

Nguồn vốn đầu tư D.A giai đoạn 1 là 344.756.769.000 đồng từ ngân sách Trung ương và 149,75 triệu USD là vốn vay. Giai đoạn 2 chưa xác định.


Oanh Hữu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Trách nhiệm là của ông Trần Đức Thuận, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

Trách nhiệm là của ông Trần Đức Thuận, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Tuyên Quang đã ban hành quyết định thu hồi tiền cho thuê đất chưa được Ban Quản lý các khu công nghiệp (QLCKCN) tỉnh thực hiện nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định với số tiền 594,4 triệu đồng và xác định là trách nhiệm của ông Trần Đức Thuận, Trưởng Ban QLCKCN tỉnh.

Nam Dũng

16:00 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm