Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần tăng cường kiểm tra, xử nghiêm vi phạm trong hoạt động báo chí

Thanh Lương

Thứ hai, 19/12/2022 - 06:36

(Thanh tra) - Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 15/12/2022 đã ban hành kết luận kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí theo quy định của Luật Báo chí đối với Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam.

Logo Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. Ảnh: https://suckhoecongdong.net.vn/

Ưu điểm

Kết luận kiểm tra ghi nhận, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam bám sát định hướng chính trị của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các quy định của pháp luật, các chỉ đạo thông tin của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông, để triển khai công tác quản lý, chỉ đạo cơ quan tạp chí.

Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam đã có chỉ đạo tạp chí tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực giáo dục chăm sóc sức khỏe; thông tin toàn diện hoạt động của cơ quan chủ quản cũng như cung cấp cho hội viên, bạn đọc những kiến thức và kỹ năng cần thiết về chăm sóc sức khỏe, về phòng bệnh, chữa bệnh, nâng cao sức khỏe.

Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam đã tiến hành xây dựng và phê duyệt đề án thành lập cơ quan báo chí, trong đó đã xác định rõ loại hình báo chí, tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ, ngôn ngữ thể hiện đúng thời gian, lộ trình do cơ quan quản lý Nhà nước quy định.

Nhiều tồn tại

Bên cạnh những ưu điểm vừa nêu, kết luận cũng chỉ ra không ít tồn tại. Cụ thể:

Đối với việc chỉ đạo, định hướng hoạt động của cơ quan báo chí, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 15 Luật Báo chí đối với nhiệm vụ chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, phương hướng hoạt động, tổ chức nhân sự, các nội dung khác ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, cụ thể: Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam không có văn bản phê duyệt kế hoạch, định hướng hoạt động hàng năm của tạp chí để làm căn cứ cho tạp chí hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và nội dung giấy phép đã được cấp.

Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam có ban hành quy trình, quy chế tổ chức hoạt động của tạp chí nhưng không đầy đủ, nhất là công tác chỉ đạo, định hướng, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật… dẫn tới công tác chỉ đạo, định hướng, giám sát hoạt động của tạp chí không được thường xuyên, liên tục, kịp thời.

Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam không hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm cho tạp chí đã một phần làm cơ quan báo chí gặp khó khăn trong việc chi trả nhuận bút cho những bài viết mang tính chất nghiên cứu chuyên sâu, có chất lượng của các chuyên gia; để cơ quan báo chí tự trang trải chi phí và duy trì bộ máy hoạt động, tạo áp lực về tài chính lên cơ quan báo chí.

Về công tác quản lý nhân sự lãnh đạo cơ quan báo chí, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam chưa xây dựng, ban hành quy hoạch nhân sự lãnh đạo cơ quan báo chí để chủ động trong việc lựa chọn nhân sự lãnh đạo cơ quan báo chí vừa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Quyết định số 75-QĐ/TW của Ban Bí thư, khoản 2 Điều 23 Luật Báo chí về tiêu chuẩn bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí, vừa phù hợp với nhu cầu đặc thù của cơ quan chủ quản.

Về công tác lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động báo chí của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí, trong thời kỳ kiểm tra, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam chưa thực hiện kiểm tra hoạt động của tạp chí, không tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của cơ quan báo chí, dẫn tới việc tạp chí đăng tải rất ít các bài viết chuyên sâu, chuyên ngành, các bài viết thuộc chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản là chưa thực hiện đầy đủ quy định tại điểm d khoản 2 Điều 15 Luật Báo chí.

Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam không ban hành quy định, quy chế kiểm tra, giám sát, kỷ luật, khen thưởng đối với cơ quan báo chí, dẫn tới việc cơ quan chủ quản còn bị động trong việc nắm bắt thông tin hoạt động của cơ quan báo chí, việc tác nghiệp của các phóng viên, nhà báo để có các giải pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời đối với các trường hợp phóng viên, nhà báo vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí.

Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam chưa quan tâm trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, phản ánh, phản hồi thông tin của tạp chí, là chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 15 Luật Báo chí.

Việc Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí quy định tại Điều 15 Luật Báo chí, không phê duyệt kế hoạch, phương hướng hoạt động hàng năm của tạp chí, thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, giám sát để tạp chí thực hiện không đúng đề án thành lập cơ quan báo chí đã được cấp phép, thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, chưa quan tâm đến hoạt động tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, phản ánh, phản hồi thông tin của tạp chí, không ban hành quy định, quy chế và tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan báo chí, cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc của Hội còn lỏng lẻo, trong đó trách nhiệm chính thuộc về tập thể lãnh đạo Hội.

Các kiến nghị

Qua kiểm tra, Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam thực hiện đầy đủ quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí theo quy định tại Điều 15 Luật Báo chí; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạp chí thực hiện nghiêm các chỉ đạo, định hướng, kỷ luật thông tin và yêu cầu của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, phương hướng hoạt động, tổ chức nhân sự, các nội dung khác ghi trong giấy phép hoạt động báo chí và các quy định pháp luật; chỉ đạo, ban hành văn bản phê duyệt kế hoạch, định hướng hoạt động hàng năm của tạp chí.

Xây dựng quy trình, quy chế để làm căn cứ chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản hồi thông tin đối với tạp chí; tổ chức thực hiện giám sát thường xuyên hoạt động của tạp chí, lưu trữ đầy đủ các nội dung chỉ đạo, giám sát, kết quả thực hiện để đánh giá hiệu quả công tác quản lý.

Thực hiện kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chưa thực hiện đầy đủ quy định tại Điều 15 Luật Báo chí về quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo cơ quan tạp chí vừa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Quyết định số 75-QĐ/TW của Ban Bí thư, Luật Báo chí vừa phù hợp với nhu cầu đặc thù của cơ quan chủ quản.

Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực để bảo đảm hoạt động của tạp chí; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí, vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng tư tưởng chính trị cho đội ngũ những người làm báo, nhất là việc nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, ý thức đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; chỉ đạo cơ quan tạp chí tích cực hưởng ứng tham gia phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” theo Kế hoạch số 154-KH/BTGTW ngày 10/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Thực hiện nghiêm túc công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo đối với cơ quan báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí, phóng viên, người lao động của cơ quan báo chí nói riêng và của Hội nói chung theo đúng quy định của pháp luật, lập sổ theo dõi và ghi nhận kết quả xử lý đơn thư.

Thanh tra Thông tin và Truyền thông đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Ban Tuyên giáo yêu cầu các cơ quan chủ quản báo chí thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, triển khai các chỉ đạo, định hướng, yêu cầu của cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí.

Xem xét việc hoàn thiện quy định về xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo, tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan chủ quản báo chí thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để cơ quan báo chí thực hiện không đúng các quy định của Đảng, quy định của pháp luật về báo chí.

Đối với Bộ Nội vụ, điều lệ hội, hiệp hội là cơ sở để thực hiện các hoạt động của hội, hiệp hội. Do đó, để tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí theo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, quy định của pháp luật về báo chí, đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, yêu cầu bổ sung trong điều lệ hoạt động của hội, hiệp hội (có cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận) quy định về quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí, trong đó nêu rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan báo chí; quy định cụ thể về tiêu chuẩn đối với người được phân công phụ trách công tác lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan báo chí phải có kiến thức quản lý Nhà nước về hoạt động báo chí.

Kiến nghị lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông giao Cục Báo chí và các cơ quan có liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về báo chí hiện hành nhằm quy định rõ ràng, cụ thể hơn về trách nhiệm, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm