Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 2: "Hóa kiếp" đất nông nghiệp thành đất vàng tại TP Kon Tum

Thứ ba, 06/10/2020 - 06:00

(Thanh tra)- Với sự tiếp tay của một số cán bộ quản lý, chỉ qua chiêu trò mở đường giao thông để "biến" đất nông nghiệp thành "đất vàng" rồi phân lô, bán nền; hình thành nên những khu dân cư, nhà ở thương mại, khu vui chơi trái phép tại TP Kon Tum, để dễ dàng trục lợi lớn về đất đai...

Nhiều khu dân cư, khu thương mại hình thành tự phát ở TP Kon Tum. Ảnh: Nguyên Phê

Khu phức hợp Villa (phường Trường Chinh, TP Kon Tum) được cho là nơi ở mới lý tưởng, sang trọng của TP, đã được đề cập rõ nét trong Kết luận thanh tra số 2963 của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum về việc xây dựng nhà ở thương mại, phân lô, bán nền trái pháp luật trên địa bàn; nhất là cách thức “hóa kiếp” đất nông nghiệp thành khu đất vàng để trục lợi.

Khu đất này có diện tích hơn 13.000m2, được ông Dương Ngọc Văn nhận chuyển nhượng 5 cá nhân khác, trong đó có hơn 3.500m2 đất ở và hơn 9.500m2 đất nông nghiệp. Vào tháng 5 - 6/2017, ông Văn có đơn xin chuyển mục đích đất và được UBND TP Kon Tum ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng, đã nâng diện tích đất ở từ 3.500m2 lên đến gần 5.300m2.

Cũng trong tháng 7/2017, ông Văn có đơn xin hiến đất mở đường giao thông và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP Kon Tum (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Kon Tum) đã tham mưu Sở TN&MT điều chỉnh giảm diện tích đất ở dành cho việc xác định đường giao thông; sau đó tạo điều kiện cho ông Văn tách thửa, phân lô và xây dựng nhà ở thương mại để bán cho các cá nhân khác.

Đáng nói, từ đơn của ông Văn xin cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Kon Tum hết sức "nhiệt tình" lập hồ sơ điều chỉnh dịch chuyển các khu vực đất ở sang vị trí đất khác không trùng khớp với vị trí ban đầu. Từ đó, Sở TN&MT tỉnh Kon Tum đã cấp các GCNQSDĐ khác, nhưng trên giấy không xác định vị trí đất ở, để ông Văn “tùy nghi” sử dụng khu đất vàng này theo ý muốn của mình.

Sau thời gian ngắn, ông Văn đầu tư xây dựng khu đất này trở thành tổ hợp quán cà phê, hồ bơi, khu ẩm thực… cùng 29 căn nhà ở thương mại (đã chuyển nhượng 16 căn nhà). Trong đó, có 4 căn nhà không có giấy phép xây dựng, cùng nhiều công trình khác như tiệm kinh doanh bida, boxing, gym, hồ bơi, nhà hàng, ẩm thực… đều không hề có phép xây dựng; vẫn ngang nhiên tồn tại.

Tại địa bàn phường Trường Chinh, cũng bằng chiêu trò này, bà Nguyễn Thị Ngọc Liên - được xem là đại gia bất động sản tại địa phương, đã nhận chuyển nhượng của các cá nhân với tổng diện tích trên 13.500m2 đất, trong đó đất ở chỉ có 76m2, đất chuyên dùng là trên 4.900m2 và đất nông nghiệp trên 8.500m2.

Sau đó, bà Liên "tự nguyện" hiến đất mở đường giao thông, và dù phần đất mở đường thuộc đất ở, nhưng sau vài lần đề xuất của cơ quan liên quan, UBND TP Kon Tum (thời điểm năm 2012) đã cấp GCNQSDĐ khác nhằm giảm diện tích đất nông nghiệp tại vị trí đất ở để mở đường.

Sau đó, bà Liên tách, hợp thửa đất lại với nhau, rồi dịch chuyển dần trở thành thửa đất có mục đích chuyên dùng và đất ở. Ngoài việc góp vốn (cả đất) để xây dựng Trường Mầm non Mickey, bà Liên đã xây 26 căn nhà, trong đó có 12 căn nhà xây dựng vượt diện tích đất ở là 630m2 và 4 căn nhà không phép.

Tại khu vực phường Thắng Lợi, bà Liên và ông Võ Thành Nguyên đã được UBND TP Kon Tum cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất với diện tích gần 5.200m2. Từ đó, 2 cá nhân này cũng hiến đất mở đường giao thông; được Phòng Quản lý Đô thị TP và Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Kon Tum hợp thức hóa, dù không phù hợp quy hoạch đường giao thông, tạo điều kiện cho 2 cá nhân này tách thửa, phân lô và xây dựng nhà ở thương mại để bán.

Cơ quan chức năng xác định tại vị trí đất của ông Nguyên đã phân lô và xây dựng 26 căn nhà nhưng không có giấy phép xây dựng. Còn tại vị trí của bà Liên đã xây dựng 45 căn nhà thì trong đó có 14 căn nhà xây dựng sai phép, 31 căn nhà khác không có phép.

Theo kết luận thanh tra của tỉnh, không chỉ các trường hợp trên mà ở các địa bàn thuộc phường Quyết Thắng, Ngô Mây cũng xảy ra tình trạng tương tự, các khu dân cư tự phát dần được hình thành mà không đảm bảo về cơ sở hạ tầng, đồng thời phá vỡ quy hoạch tổng thể phát triển TP Kon Tum.

Kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trên thuộc về các công chức, viên chức trực tiếp thụ lý giải quyết hồ sơ, lãnh đạo Phòng TN&MT TP Kon Tum; lãnh đạo UBND TP Kon Tum được phân công phụ trách (theo từng giai đoạn); lãnh đạo Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Kon Tum, lãnh đạo VPĐKĐĐ tỉnh và nhiều cán bộ, lãnh đạo UBND các phường trên địa bàn TP Kon Tum.

Ngoài việc yêu cầu các địa phương, đơn vị chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về đất đai và xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh để điều tra, làm rõ các vi phạm trong việc cho phép dịch chuyển vị trí đất ở không đúng vị trí ban đầu, không thể hiện vị trí đất ở trên GCNQSDĐ; vi phạm trong việc cho phép hợp thửa đất không cùng mục đích sử dụng; về hiến đất tự mở đường giao thông để phân lô, bán nền, xây dựng nhà ở thương mại bán ra thị trường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm xảy ra sai phạm đất đai tại UBND TP Kon Tum là lúc ông Phan Văn Thế giữ chức Chủ tịch UBND TP Kon Tum (từ năm 2011 - 2017), sau đó ông Huỳnh Tấn Phúc giữ chức Chủ tịch UBND TP Kon Tum từ cuối tháng 2/2017 đến tháng 2/2019, ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc Sở TN&MT Kon Tum từ tháng 2/2016 và nghỉ hưu từ tháng 9/2019. Nay có người chuyển công tác lên cấp cao hơn ở tỉnh và nghỉ hưu hoặc chuyển vị trí làm việc khác, thì việc xử lý trách nhiệm liên quan có được thực hiện nghiêm theo quy định hay không?

Nguyên Phê

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm