Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 1: Hàng loạt vi phạm trong quản lý đất đai

Bảo Anh

Thứ ba, 15/11/2022 - 06:35

(Thanh tra)- Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có kết luận việc quản lý, sử dụng đất (SDĐ) và quản lý, đầu tư xây dựng, các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, SDĐ tại đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum, giai đoạn từ 1/1/2016 đến 31/12/2019.

Hàng loạt vi phạm trong quản lý đất đai tại tỉnh Kon Tum. Ảnh minh họa: Internet

Chỉ tiêu quy hoạch SDĐ không đạt

Kết luận chỉ ra, các chỉ tiêu quy hoạch SDĐ giai đoạn 2016 - 2019 thực hiện không đạt (đất thương mại dịch vụ đạt thấp, tỷ lệ thực hiện dưới 5%; đất quốc phòng không đạt, tỷ lệ thực hiện thấp; đất rừng phòng hộ năm 2018 thấp hơn năm 2017, tương ứng với giảm 228,4ha đất rừng phòng hộ nhưng chưa có giải trình cụ thể).

UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch SDĐ của 10 đơn vị hành chính cấp huyện chậm, một số chỉ tiêu thực hiện không đạt, nhất là đất rừng. Trong phê duyệt kế hoạch SDĐ hàng năm của cấp huyện chưa đúng trình tự, thủ tục; chưa sát nhu cầu SDĐ, chưa phù hợp quy định. Căn cứ ủy quyền của HĐND tỉnh tại Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 14/10/2011, Thường trực HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất là chưa đúng thẩm quyền.

Thực hiện không đạt chỉ tiêu quy hoạch SDĐ lâm nghiệp; theo số liệu kiểm kê năm 2019 so với năm 2014: Diện tích rừng phòng hộ giảm 12.523,26ha, diện tích rừng sản xuất giảm 14.972,47ha, diện tích đất lâm nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư giảm 2.731ha. Mặt khác, thống kê năm 2019 về quản lý diện tích đất lâm nghiệp (giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường) còn chênh lệch rất lớn.

Việc phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển thuỷ điện nhỏ và vừa còn chưa quan tâm đúng mức đến tác động ảnh hưởng tới môi trường, đất rừng. Mặc dù, năm 2019, UBND tỉnh có văn bản tạm dừng chủ trương khảo sát, đánh giá tiềm năng và lập hồ sơ bổ sung các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ vào quy hoạch, nhưng chỉ đạo này thực hiện chưa triệt để, sau thời điểm ban hành văn bản, vẫn có 26 thuỷ điện được bổ sung quy hoạch trong năm.

Giao đất không đúng đối tượng

Qua kiểm tra 4 huyện (Kon Rẫy, Kon Plông, Sa Thầy, Ngọc Hồi) về công tác quản lý đất công, đất công ích, TTCP nhận thấy các địa phương chưa tuân thủ chỉ đạo của UBND tỉnh, vi phạm trình tự, thủ tục quản lý đất đai.

Trên địa bàn toàn tỉnh có 3/6 đơn vị có quỹ công ích với tổng diện tích hơn 300ha được cấp huyện giao cho các xã, phường quản lý. Qua kiểm tra, đơn vị thanh tra nhận định việc quản lý, SDĐ cấp huyện chưa chặt chẽ, buông lỏng, dẫn đến cấp xã, phường SDĐ chưa đúng; vi phạm về trình tự, thủ tục đấu giá, cho thuê đất không đấu giá, không có kế hoạch đấu giá đất; lập hợp đồng có các điều khoản thiếu chặt chẽ, nhất là điều khoản quy định về nghĩa vụ tài chính dẫn đến việc thu tiền chậm, khó thu hoặc không thu được tiền thuê đất, nhưng thiếu kiểm tra, giám sát. Nhiều cá nhân còn nợ tiền thuê đất, với số tiền hơn 345 triệu đồng.

Trong việc giao đất, cho thuê đất tại 4 địa phương (TP Kon Tum, huyện Đắk Hà, huyện Ngọc Hồi, huyện Kon Rẫy), TTCP cũng chỉ ra nhiều sai phạm.

Tại TP Kon Tum, phát hiện tình trạng giao đất vượt hạn mức; giao đất cho 43 trường hợp không thuộc đối tượng tái định cư, khiến nguy cơ thất thu cho ngân sách hơn 3,5 tỷ đồng.

Tại huyện Đắk Hà, có tới 85 trường hợp giao đất không qua đấu giá đối với quỹ đất nhỏ, lẻ trong thời gian dài.

Một số công chức của huyện này được giao diện tích đất lớn và nhiều trường hợp được giao đất để ở, nhưng thực tế không có nhu cầu, làm thất thu ngân sách Nhà nước tối thiểu là 885,86 triệu đồng. Các huyện còn lại vi phạm chủ yếu giao đất không qua đấu giá.

Có dấu hiệu trốn thuế

Đến thời điểm thanh tra, UBND tỉnh Kon Tum không ban hành quy chế mới về đấu giá quyền SDĐ để giao đất, cho thuê đất, nên trong quá trình triển khai thực hiện, một số đơn vị còn lúng túng, hiểu sai, hiểu chưa đúng hoặc tùy tiện trong áp dụng, gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện đấu giá quyền SDĐ trên địa bàn tỉnh.

Trong đấu giá quyền SDĐ, UBND tỉnh không ban hành quy chế đấu giá cụ thể, gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện đấu giá quyền SDĐ trên địa bàn tỉnh; tổ chức đấu giá đất khi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư cơ sở hạ tầng; đấu giá đất không phù hợp quy hoạch, kế hoạch SDĐ. Các cuộc đấu giá số lượng người tham gia rất ít, hiệu quả thấp, tỷ lệ tăng sau đấu giá rất thấp (chưa đến 5%), chủ yếu người trúng đấu giá chỉ trả cao hơn giá khởi điểm 1 bước giá, chưa phát huy được mục tiêu của đấu giá nhằm tăng thu theo hướng tiệm cận giá thị trường.

Ngoài ra, còn để xảy ra vi phạm trong chậm nộp tiền trúng đấu giá, nhưng không huỷ kết quả đấu giá, không thu tiền đặt cọc, không xử lý phạt chậm nộp (24 trường hợp tại dự án khu đô thị phía Nam cầu Đắk Bla).

Một số tổ chức, cá nhân thường xuyên trúng đấu giá nhiều lô đất tại 10 dự án (464 trường hợp), sau đó bán lại cho người có nhu cầu, nhưng kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá trúng đấu giá, có dấu hiệu trốn thuế, nhưng các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuế không kịp thời tham mưu, xử lý theo thẩm quyền, thể hiện sự thiếu trách nhiệm, có nguy cơ thất thu ngân sách 1.185,6 triệu đồng...

Quá trình xây dựng, phê duyệt kế hoạch SDĐ hàng năm của cấp huyện còn có vi phạm về trình tự, thủ tục, phải điều chỉnh nhiều lần, chưa công khai theo quy định, có biểu hiện chạy theo dự án (dự án mở rộng nhà hàng ven sông Đăk Bla do Công ty Cổ phần Trường Long làm chủ đầu tư); một số chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch SDĐ thực hiện đạt tỷ lệ thấp. Quy hoạch dự án thuỷ điện nhỏ và vừa còn biểu hiện chạy theo nhà đầu tư.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ khu vực đô thị hầu hết là chậm thời hạn so với quy định, còn để xảy ra nhiều thiếu sót trong quá trình thực hiện; chuyển mục đích SDĐ chưa đảm bảo các trình tự thủ tục, hồ sơ không đầy đủ, phát sinh thêm thủ tục ngoài quy định, trên 90% hồ sơ giải quyết từ năm 2018 trở về trước giải quyết chậm so với quy định, một số hồ sơ quyết định sai thời hạn SDĐ (đất sản xuất kinh doanh nhưng cấp với thời hạn lâu dài), xác định không đúng tiền SDĐ gây thất thu ngân sách Nhà nước hoặc tính thừa tiền SDĐ đã ảnh hưởng đến quyền lợi người dân... có một số trường hợp cho phép chuyển mục đích SDĐ nhưng thửa đất nằm ngoài quy hoạch, kế hoạch SDĐ.

Ngoài ra, còn có một số vi phạm trong cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân như: Cho thuê đất không thông qua đấu giá; người dân thuê đất nhưng sử dụng không đúng mục đích; cho thuê đất quy hoạch trồng cây lâu năm để xây dựng trung tâm thương mại và cấp giấy chứng nhận sai quy định.

Trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, tính đến ngày 31/8/2020, tiền sử dụng đất còn nợ là 4,7 tỷ đồng, tiền thuê đất còn nợ là 5,3 tỷ đồng, nhưng cơ quan chức năng chưa có biện pháp đôn đốc thu nộp về ngân sách.

Trách nhiệm chính để xảy ra vi phạm, thiếu sót, tồn tại về công tác quản lý SDĐ nêu trên thuộc Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có liên quan; thủ trưởng các sở, ngành liên quan; UBND 10 huyện, thành phố; người xử lý, trình, ký văn bản và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ…

Bài 2: Buông lỏng công tác quản lý đầu tư xây dựng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam: Kết luận thanh tra đột xuất về chế độ tiếp công dân, xử lý đơn thư

Huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam: Kết luận thanh tra đột xuất về chế độ tiếp công dân, xử lý đơn thư

(Thanh tra) - Thanh tra huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam vừa công bố công khai kết luận thanh tra đột xuất việc thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với người thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư và công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo tại các xã, thị trấn từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/8/2024.

Lâm Ánh

21:37 22/11/2024
Nhiều khoản đầu tư tài chính tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ, mất vốn tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam

Nhiều khoản đầu tư tài chính tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ, mất vốn tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam

(Thanh tra) - Qua công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và 3 công ty con, Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện nhiều khoản đầu tư tài chính tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ, mất vốn, đồng thời kiến nghị nộp ngân sách gần 12 tỷ đồng.

Trần Quý

21:00 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm