Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nóng các bê bối tham nhũng tại Hàn Quốc

Thứ ba, 27/12/2016 - 14:38

(Thanh tra) - Diễn biến mới của cuộc điều tra liên quan tới Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye, thêm bất ngờ với những cáo buộc nhận hối lộ đối với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon - ứng cử viên sáng giá của chức Tổng thống Hàn Quốc trong cuộc bầu cử tới… khiến xứ sở kim chi thực sự rơi vào chảo lửa của các bê bối tham nhũng.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye phát biểu tại Văn phòng ở Thủ đô Seoul, tháng 11/2016. Ảnh: Reuters

Gia tăng áp lực lên Tổng thống

Ngày 25/12, các công tố viên đặc biệt đang điều tra bê bối tham nhũng có liên quan tới Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho biết, đang cân nhắc việc khám xét Văn phòng Tổng thống. "Trong trường hợp khám xét Nhà Xanh, chúng tôi không có lựa chọn nào khác là phải thực hiện một cách công khai. Chúng tôi vẫn đang xem xét có cần thiết hay không thực hiện cuộc khám xét, và nếu cần thì mục tiêu cuộc khám xét là gì", Lee Kyu-chul, người phát ngôn của nhóm điều tra phát biểu trong một cuộc họp báo.

Trước đó, các công tố viên từng xác định việc khám xét Nhà Xanh - nơi ở và làm việc của Tổng thống - là cực kỳ cần thiết cho cuộc điều tra, nhưng phía Văn phòng Tổng thống đã đệ trình thư từ chối, bởi vậy, việc khám xét đã gián đoạn.

Theo cơ quan công tố, bà Park Geun-hye bị cáo buộc thông đồng với bạn thân của mình là Choi Soon-sil, cùng các phụ tá gây áp lực buộc các tập đoàn lớn quyên góp tiền cho 2 quỹ riêng.

Bà Park Geun-hye phủ nhận các sai trái, nhưng đã xin lỗi người dân vì sự bất cẩn của mình trong mối quan hệ với bà Choi - người đang phải đối mặt với các phiên tòa xét xử.

Tổng thống Park Geun-hye đã bị đình chỉ mọi chức vụ để phục vụ cuộc điều tra. Bà đã chuyển giao mọi quyền lực cho Thủ tướng Hwang Kyo Ahn ngay sau khi nhận được văn bản đề nghị chính thức từ Quốc hội. Ông Hwang tạm thời nắm quyền lãnh đạo toàn diện về cả đối nội lẫn đối ngoại. Trong thời gian này, bà Park vẫn sống tại Nhà Xanh và chờ đợi Tòa Hiến pháp đưa ra quyết định cuối cùng về việc có phế truất Tổng thống hay không.

Cuối tuần qua, trong không khí Giáng sinh nhộn nhịp, một đám đông lớn những người biểu tình, trong đó có khoảng 200 người trẻ tuổi đã tập trung tại trung tâm Thủ đô Seoul, tiếp tục cho chương trình ngày cuối tuần lần thứ 9 xuống đường để yêu cầu Tổng thống ngay lập tức phải từ chức.

Một đám đông người biểu tình, trong đó có khoảng 200 người trẻ tuổi trong trang phục ông già Noel tập trung tại Seoul ngày 24/12 yêu cầu Tổng thống từ chức. Ảnh: AFP/Getty Images

Liên quan tới cuộc điều tra, truyền thông Hàn Quốc cho biết, các nhà điều tra trong nhóm công tố viên đã đột kích nhà ông Kim Ki-choon - cựu Chánh Văn phòng Tổng thống để lấy các ổ cứng máy tính, sổ nhật ký và điện thoại di động. Ông Kim Ki-choon bị nghi ngờ đã lạm dụng quyền lực khi ra lệnh cho Thứ trưởng Văn hóa hồi tháng 10/2014 cách chức 6 quan chức cấp cao trong bộ này.

Theo đánh giá của giới phân tích, ông Kim hiện là một trong những nhân vật chủ chốt có thể giúp làm rõ vụ bê bối phức tạp liên quan tới Tổng thống Park Geun-hye và bạn thân Choi Soon-sil vì ông là một trong những trợ lý thân cận nhất của bà Park.

Ngoài ra, các nhà điều tra còn đột kích nhà riêng và văn phòng của các quan chức khác trong Bộ Văn hóa, trong đó có Bộ trưởng Cho Yoon-sun.

Ông Ban Ki Moon vướng cáo buộc tham nhũng

Ngày 26/12, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng ông nhận hối lộ trị giá 230.000 USD từ một doanh nghiệp khi ông là Bộ trưởng Ngoại giao của Hàn Quốc.

Các cáo buộc xuất hiện trong bối cảnh ông Ban Ki Moon, 72 tuổi, là ứng cử viên sáng giá và đang nỗ lực để đứng vào vị trí Tổng thống thay bà Park Geun Hye - người đang bị Quốc hội luận tội trong vụ bê bối tham nhũng. Theo lộ trình, ông Ban Ki Moon sẽ chính thức rời khỏi vị trí Tổng Thư ký Liên hợp quốc vào ngày 31/12/2016.

Ông Ban Ki Moon hiện là ứng cử viên sáng giá cho chức Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: AFP

Trước đó, ngày 24/12, Tạp chí Sisa Journal đã có bài viết cáo buộc Park Yeon Cha, cựu Giám đốc điều hành của doanh nghiệp giày Taekwang, đã đưa cho ông Ban Ki Moon một túi giấy với 200.000 USD tiền mặt tại nơi ông cư trú ở Hannam-dong, Seoul, năm 2005.

Tạp chí hàng tuần này cũng cáo buộc Park Yeon Cha đã nhờ một chủ nhà hàng ở New York chuyển 30.000 USD tới ông Ban năm 2007, sau khi ông Ban đã đảm đương vai trò của Tổng Thư ký Liên hợp quốc.

Park Yeon Cha cũng là tâm điểm của một bê bối tham nhũng liên quan tới các thành viên trong gia đình và những phụ tá thân cận của cố Tổng thống Roh Moo Hyun.

Ngay sau khi bài báo đăng tải, người phát ngôn của Liên hợp quốc Stephane Dujarric đã phát hành thông cáo báo chí cho hay, ông Ban Ki Moon đã mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc, đồng thời yêu cầu tờ tạp chí phải chính thức xin lỗi.

Báo Korea Herald đưa tin, các trợ lý của ông Ban Ki Moon khẳng định: "Trong nhiệm kỳ của mình, ông Ban chưa bao giờ nhận bất cứ khoản hối lộ nào. Thật đáng tiếc khi có một bài báo ác ý như vậy".

Nhà báo nhận hối lộ bị triệu tập điều tra

Hãng Yonhap ngày 26/12 đưa tin, các công tố viên vừa triệu tập Song Hee-young - cựu Tổng Biên tập Nhật báo hàng đầu Hàn Quốc Chosun Ilbo - vì cáo buộc đã nhận hối lộ để đổi lại việc viết bài có lợi cho một công ty đóng tàu sa sút và vận động hành lang cho giám đốc điều hành của họ.

Song Hee-young đã viết các bài báo theo hướng tạo thuận lợi cho Công ty Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co. sau khi được thết đãi chuyến du lịch sang trọng dành cho doanh nhân tới châu Âu vào tháng 9/2011 bởi Giám đốc Nam Sang-tae.

Chuyến du lịch kéo dài 9 ngày với một chuyến bay đặc quyền đã mang Tổng Biên tập khi đó tới các địa chỉ du lịch nổi tiếng thế giới tại Italy, Hy Lạp và Anh. Chuyến đi này còn bao gồm cả du thuyền hạng sang để ông Song Hee-young tận hưởng khoảng thời gian như một "ông hoàng".

Ông Song cũng bị nghi ngờ đã yêu cầu phía công ty phải ký hợp đồng lao động với 2 người thân quen. Đổi lại, ông đã gặp các quan chức cấp cao của Văn phòng Tổng thống để giúp Giám đốc Nam và người kế nhiệm là Ko Jae-ho được tiếp tục 1 nhiệm kỳ nữa.

Ông Song đã thôi chức Tổng Biên tập vào tháng 10 sau khi vụ bê bối vỡ lở. Cựu Giám đốc Nam, người điều hành nhà máy đóng tàu từ năm 2006 - 2012 đã bị giam giữ từ cuối tháng 6 vì tội hối lộ. Ko Jae-ho, người lãnh đạo công ty từ năm 2012 - 2015, cũng phải "ngồi bóc lịch" vì có liên quan tới những gian lận trong sổ sách kế toán của công ty.

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phòng, chống tham nhũng là một trong những yếu tố bảo đảm tiên quyết để đạt mục tiêu phát triển bền vững

Phòng, chống tham nhũng là một trong những yếu tố bảo đảm tiên quyết để đạt mục tiêu phát triển bền vững

(Thanh tra) - Trong khuôn khổ phi dự án “Nâng cao năng lực thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại Việt Nam giai đoạn 2022 - 2024”, ngày 6/12, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT), Thanh tra Chính phủ phối hợp với UNDP tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc”.

Thái Hải

12:55 06/12/2024
Đoàn đại biểu Thanh tra Chính phủ tham dự Hội nghị lần thứ 20 Nhóm các Cơ quan Phòng, Chống tham nhũng ASEAN

Đoàn đại biểu Thanh tra Chính phủ tham dự Hội nghị lần thứ 20 Nhóm các Cơ quan Phòng, Chống tham nhũng ASEAN

(Thanh tra) - Triển khai khoản 3 Điều 6 của Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) và khoản 1 Điều 2 của văn kiện Điều khoản tham chiếu (TOR) của Nhóm các Cơ quan Phòng, Chống tham nhũng ASEAN (ASEAN-PAC), từ ngày 2-5/12/2024, Đoàn đại biểu Thanh tra Chính phủ do ông Nguyễn Văn Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-PAC lần thứ 20 và các hoạt động bên lề Hội nghị tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a.

PV

11:08 04/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm